Nhân lên giá trị trang phục người Dao Tiền
VHO - Có dịp đến huyện Mộc Châu (Sơn La), du khách không khó bắt gặp hình ảnh những phụ nữ Dao Tiền miệt mài thêu trang phục truyền thống của dân tộc mình. Những đôi tay chai sạn vì đồng áng nhưng lại khéo léo, thoăn thoắt từng đường kim, mũi chỉ trên tấm vải chàm để dần hiện ra những họa tiết tinh xảo.
Trang phục truyền thống của người Dao Tiền được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ
Qua câu chuyện với những người phụ nữ Dao Tiền chúng tôi được biết, trang phục truyền thống của người Dao Tiền không quá rực rỡ, chủ yếu là gam màu chàm, pha lẫn sắc đỏ và hoa văn tinh tế. Để có một bộ trang phục ưng ý, cần phải trải qua nhiều công đoạn như trồng bông, se sợi, dệt vải, nhuộm lá đến cắt may, thêu thùa... trong quãng thời gian từ 6 tháng đến hơn 1 năm. Con gái Dao Tiền từ khi 8-10 tuổi đã được bà, được mẹ truyền dạy cho cách thêu thùa trang phục. Học thêu từ những họa tiết nhỏ trên tay áo, viền áo, khăn, khi đường kim, mũi chỉ thành thạo sẽ tự làm trang phục cho mình.
Trang phục truyền thống của người Dao Tiền phân thành 3 loại là trang phục nam, trang phục nữ và trang phục nghi lễ, nhưng vẫn gồm các thành phần chính sau: Khăn vấn đầu, dây lưng, áo, váy. Áo người Dao Tiền không có cúc mà chỉ có xẻ tà và quấn dây lưng, ở cổ áo đằng sau được xâu từ 6-9 đồng bạc trắng và đây cũng được coi là đặc trưng riêng của người Dao Tiền. Dây lưng nam có màu đen pha trắng, thắt lưng nữ có màu đỏ pha trắng thể hiện sự gắn kết trong mối quan hệ của nam, nữ. Khăn vấn đầu và váy của người Dao Tiền cũng có hai loại dành cho nam và nữ riêng. Trang phục truyền thống của nam giới khá đơn giản. Khăn vấn đầu của nam giới là vải chàm màu đen, dài khoảng 60cm. Áo nam không nổi bật như áo nữ, các họa tiết phần viền áo, chân áo, cổ tay khá nhỏ và màu trắng. Đàn ông Dao Tiền chỉ mặc váy cùng với quần trong các dịp nghi thức tâm linh. Độ rộng của váy vừa đủ quấn một vòng quanh người, họa tiết hoa trên váy chỉ có màu trắng đơn giản.
Sau 5 ngày dự lớp tập huấn, các học viên đã nắm được kỹ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của dân tộc mình
Trên địa bàn tỉnh Sơn La, người Dao Tiền sinh sống chủ yếu ở các huyện: Vân Hồ, Mộc Châu, Phù Yên. Ngày nay, theo sự phát triển của xã hội, người Dao Tiền chỉ mặc trang phục truyền thống vào những ngày lễ, Tết hoặc dịp trọng đại của gia đình, vì vậy việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa qua trang phục dân tộc của người Dao Tiền là việc làm rất cần thiết, để từ đó khơi dậy niềm tự hào và nâng cao nhận thức về văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào Dao Tiền, trang bị kiến thức, kỹ năng trang trí hoa văn trên trang phục, giúp thế hệ trẻ là đồng bào Dao Tiền thêm yêu, tự hào và tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo, tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời hiện thực hóa Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Sở VHTTDL tỉnh Sơn La đã phối hợp với UBND huyện Mộc Châu tổ chức lớp tập huấn truyền dạy cách trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Tiền tại huyện Mộc Châu.
Trong thời gian 5 ngày, 45 học viên người dân tộc Dao Tiền được tìm hiểu về thực trạng, giải pháp bảo tồn và giới thiệu các trang phục truyền thống của dân tộc Dao; các nghệ nhân truyền dạy những hiểu biết chung về kỹ thuật thiết kế, in, vẽ hoa văn bằng sáp ong, kỹ thuật thêu hoa văn trên vải và kỹ thuật dệt thắt lưng của người Dao Tiền.
Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sơn La cho biết: “Lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào Dao Tiền; trang bị kiến thức, kỹ năng trang trí hoa văn trên trang phục, giúp thế hệ trẻ là đồng bào Dao Tiền thêm yêu, tự hào và tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo, tốt đẹp của dân tộc mình. Từ đó góp phần “Giữ gìn, phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
HOÀNG KHÔI