Nghệ An hướng tới quảng bá hình ảnh du lịch một cách chuyên nghiệp
VHO - UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) du lịch tỉnh Nghệ An năm 2023 nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Nghệ An đến với đông đảo du khách trong nước, quốc tế và các nhà đầu tư một cách chuyên nghiệp, ấn tượng, hấp dẫn.
Xã Mường Lống, thung lũng Kỳ Sơn - nơi được mệnh danh là "cổng trời" của miền Tây Nghệ An, với độ cao 1.500 m. Ảnh: NGUYỄN ĐẠO
Cuộc thi được tổ chức nhằm làm mới biểu trưng du lịch Nghệ An, chuyển tải sự đóng góp, vươn lên của ngành du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thông qua cuộc thi, Nghệ An mong muốn sẽ lựa chọn được biểu trưng và khẩu hiệu du lịch của tỉnh có tính khái quát cao, đảm bảo tính thẩm mỹ, tính đặc thù. Logo và slogan này sẽ được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, công tác đối nội, đối ngoại của tỉnh Nghệ An.
Bên cạnh đó, qua đây sẽ hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu du lịch Nghệ An, đưa hình ảnh du lịch Nghệ An đến với trong nước và quốc tế một cách chuyên nghiệp, ấn tượng, hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư.
Cuộc thi cũng sẽ góp phần khơi dậy niềm tự hào, nêu cao ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Nghệ An xưa và nay trong nhân dân; tăng cường sự hiểu biết về tỉnh Nghệ An đối với du khách trong và ngoài nước.
Thời gian tiếp nhận các tác phẩm dự thi đến hết ngày 31.10.2023. Lễ tổng kết và công bố biểu trưng và khẩu hiệu du lịch Nghệ An dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 12.2023.
Đối tượng dự thi gồm các cá nhân, nhóm tác giả, tổ chức trong và ngoài nước. Thành viên Ban tổ chức, Ban giám khảo và Tổ thư ký không được tham gia dự thi.
Về hình thức dự thi, mỗi tác giả được gửi tối đa 5 tác phẩm tham gia dự thi. Tác giả gửi tác phẩm kèm bản thuyết minh về ý tưởng, ý nghĩa tác phẩm gửi về Ban tổ chức.
Giải thưởng cuộc thi gồm: 1 giải Nhất (được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh kèm tiền thưởng trị giá 40.000.000 đồng) và 3 giải Khuyến khích (mỗi giải gồm giấy chứng nhận của Ban tổ chức kèm tiền thưởng trị giá 8.000.000 đồng).
Nghệ An có tài nguyên thiên nhiên phong phú với nhiều bãi biển đẹp, 82 km chiều dài bờ biển và các đảo ven bờ (Hòn Ngư, Hòn Mắt)
Nghệ An có tài nguyên thiên nhiên phong phú với nhiều bãi biển đẹp, 82 km chiều dài bờ biển và các đảo ven bờ (Hòn Ngư, Hòn Mắt), nhiều bãi tắm đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng như: Cửa Lò, Bãi Lữ, Cửa Hiền, Diễn Thành, biển Quỳnh...
Miền Tây Nghệ An có Khu dự trữ sinh quyển thế giới lớn nhất Đông Nam Á (hơn 1300km2 mà vùng lõi là Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt) đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2007, khu dự trữ sinh quyển rất đa dạng về sinh học, phong phú về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa. Những địa điểm, tài nguyên thiên nhiên khác như: sông Giăng, đập Pha Lài, Thác Kèm, bản Nưa, Khe Rạn, bản Xiềng, Vườn quốc gia Pù Mát... (huyện Con Cuông); rừng Săng lẻ, Khe Cớ...(huyện Tương Dương); đỉnh Pù Xai Lai Leng cao 2.720m (huyện Kỳ Sơn) theo tuyến đường 7 nối tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và các huyện theo tuyến đường 46, đường 48 có: đảo chè (huyện Thanh Chương); thác Bảy Tầng, thác Sao Va (huyện Quế Phong); hang Bua, hang Thẩm Ồm, Thẩm Chạng (huyện Quỳ Châu)... cũng chứa đựng những tiềm năng to lớn để phát triển du lịch.
Nghệ An còn nổi danh là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh cách mạng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 476 di tích, danh thắng được xếp hạng; trong đó, 146 di tích quốc gia và 330 di tích cấp tỉnh, sáu di tích quốc gia đặc biệt gồm có: Khu di tích Kim Liên ở huyện Nam Đàn (trong đó di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong bốn di tích quan trọng tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình Người); Khu Lưu niệm Phan Bội Châu (huyện Nam Đàn); Đình Hoành Sơn (huyện Nam Đàn); Đền thờ Nguyễn Xí (huyện Nghi Lộc); Km số 0 đường Hồ Chí Minh (huyện Tân Kỳ) và Đền thờ Vua Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn).
Đến nay Nghệ An có bảy di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ hội đền Cờn (Hoàng Mai), Lễ hội đền Chín Gian (Quế Phong), Nghi Lễ Xăng Khan của dân tộc Thái ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An, Lễ hội đền Quả Sơn (Đô Lương); Lễ hội đền Thanh Liệt (Hưng Nguyên), Lễ hội đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên), Lễ hội Đền Bạch Mã (Thanh Chương).
Đặc biệt Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh năm 2014, đây là nguồn tài nguyên quý giá để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Các huyện miền Tây có hệ thống các di tích và lễ hội đa dạng vào mùa Xuân như: di tích và lễ hội đền Choọng (huyện Quỳ Hợp), đền Vạn - Cửa Rào (huyện Tương Dương), lễ hội Hang Bua (Huyện Quỳ Châu), lễ hội Mường Ham (huyện Quỳ Hợp), lễ hội Môn Sơn Lục Dạ (Con Cuông), đình Võ Liệt (Thanh Chương), Lễ hội Bươn Xao (Tân Kỳ)...
Bên cạnh đó, Nghệ An còn có nhiều di sản văn hoá phi vật thể có giá trị như: văn học dân gian, ca múa nhạc dân gian, các phong tục tập quán, lễ hội, văn hoá ẩm thực, làng nghề truyền thống…
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung phát triển nhiều loại hình du lịch đặc trưng như: Du lịch Văn hóa – Lịch sử: Bao gồm du lịch văn hóa, tâm linh, về nguồn, thăm quan di tích danh thắng; du lịch biển và nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, khám phá, thám hiểm; du lịch cộng đồng, trải nghiệm; du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo)...
Ẩm thực Nghệ An cũng rất phong phú với nhiều món ăn, đặc sản nổi tiếng: Súp lươn bánh mỳ, bánh mướt Vinh, mực nháy Cửa Lò, giò me, me Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn, bánh bèo Vinh, cháo Nghêu Cửa Lò, bò Giàng, lợn Giàng (Kỳ Sơn, Tương Dương); nhút Thanh Chương, nước mắm Cửa Lò, tương Nam Đàn, kẹo Cu đơ, bánh gai xứ dừa, chè Thanh Chương, Anh Sơn, Kỳ Sơn, cam Vinh....
Nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hoá. Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thức đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9- 10%.
Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch Châu Á và thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỉ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10-12%.
Nghệ An có 476 di tích, danh thắng được xếp hạng với 146 di tích quốc gia và 330 di tích cấp tỉnh, có 6 di tích quốc gia đặc biệt
Về chỉ tiêu phát triển, phấn đấu đến năm 2025 thu hút từ 6 – 6,3 triệu lượt khách du lịch có lưu trú, doanh thu từ các dịch vụ du lịch đạt 11.000 tỉ đồng.
Đến năm 2030, thu hút khoảng 12 – 13 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 0,8-1 triệu lượt, khách nội địa khoảng 11,2-12,0 triệu lượt; doanh thu từ các dịch vụ du lịch khoảng 25-30 nghìn tỉ đồng.
Đến năm 2035: thu hút khoảng 18 – 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 1-1,2 triệu lượt, khách nội địa khoảng 17-18,8 triệu lượt; doanh thu từ các dịch vụ du lịch khoảng 40-45 nghìn tỉ đồng.
Nghệ An định hướng tập trung ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, nổi trội và khác biệt, nhằm tạo đột phá và sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch Nghệ An, bao gồm: Du lịch văn hóa - lịch sử gắn với tâm linh, Du lịch vui chơi giải trí tổng hợp và nghỉ dưỡng biển cao cấp, Du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng, làng nghề, du lịch nông thôn, Du lịch hội nghị, hội thảo (MICE).
Tập trung ưu tiên đầu tư tại các địa phương trọng điểm du lịch có khả năng tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn và chất lượng cao để thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế. Từng bước đầu tư xây dựng Khu du lịch quốc gia Kim Liên; đầu tư phát triển mạnh chuỗi du lịch nghỉ dưỡng biển, xây dựng cơ sở dịch vụ cao cấp ven biển để tạo bước đột phá tại Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu; xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm du lịch hội nghị, hội thảo của tỉnh và của vùng; đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm văn hóa cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch mạo hiểm...tại các huyện miền Tây Nghệ An.
Nghệ An định hướng tập trung ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù
Triển khai xây dựng các mô hình phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, Nghệ An khuyến khích, ưu tiên thu hút đầu tư xây mới và phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, tổng hợp theo mô hình tiên tiến nhất ở trong nước và quốc tế.
Thu hút đầu tư các khu mua sắm chất lượng cao, hệ thống nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, từng bước hình thành chuỗi nhà hàng ẩm thực có thương hiệu đặc sắc gắn với quảng bá văn hóa ẩm thực, văn hoá phi vật thể xứ Nghệ (Dân ca Ví, Giặm, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các dân tộc ở miền Tây Nghệ An…). Khuyến khích các doanh nghiệp, người dân sáng tạo và sản xuất các mặt hàng lưu niệm, đặc sản địa phương phục vụ khách du lịch.
Ưu tiên thu hút các dự án dịch vụ lưu trú du lịch chất lượng cao, có cấp hạng 3-5 sao, khu biệt thự cao cấp với đa dạng dịch vụ bổ trợ.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phương tiện vận chuyển khách đường bộ, đường thủy theo hướng chất lượng, tiện nghi và an toàn.
Trước mắt, Nghệ An tập trung khai thác thị trường khách nội địa. Việc duy trì tăng trưởng ổn định thị trường khách du lịch nội địa là yếu tố then chốt, ưu tiên nhóm khách gốc Nghệ An ở trong nước và khách du lịch nội tỉnh.
Với thị trường khách quốc tế, tỉnh chú trọng tăng nhanh việc thu hút khách du lịch quốc tế, ưu tiên nhóm khách gốc Nghệ An ở nước ngoài và nhóm khách ở các quốc gia từng là nơi hoạt động và đến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
ĐÌNH KIÊN; ảnh: QUẢNG HÀ