Mộc Châu - biến danh hiệu thành thương hiệu
VHO- Mộc Châu (Sơn La) được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh là “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới” năm 2022. Đây là một danh hiệu, lợi thế để Mộc Châu nói riêng, Sơn La nói chung phát triển du lịch xanh, bền vững. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để giữ vững và phát huy danh hiệu này, phát triển du lịch Sơn La bền vững?
Hội nghị “Liên kết phát huy điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới” được tổ chức tại Mộc Châu vào chiều ngày 28.5
Đây là câu hỏi mà không chỉ người Mộc Châu, Sơn La mà của cả các doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia tại Hội nghị “Liên kết phát huy điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới” được tổ chức tại Mộc Châu vào chiều ngày 28.5.
Hội nghị do UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo Sở VHTTDL tổ chức có sự tham gia của Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương, Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La Hoàng Ngân Hoàn, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy, lãnh đạo các Sở quản lý du lịch một số địa phương, đại diện Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, các chuyên gia du lịch, hơn 100 doanh nghiệp du lịch, đại diện các cơ quan báo chí.
Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương phát biểu tại Hội nghị
Phát huy danh hiệu Điểm đến du lịch thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới như thế nào?
Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La Hoàng Ngân Hoàn cho biết, thời gian qua, du lịch Sơn La đã phát triển, đạt được những thành tựu đáng khích lệ, bằng chứng là việc đạt danh hiệu “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới năm 2022”. Trước đó, Mộc Châu cũng đạt danh hiệu Điểm đến thiên nhiên hàng đầu Việt Nam, Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á. Việc phấn đấu đạt được danh hiệu này rất quan trọng nhưng việc giữ được danh hiệu và biến danh hiệu thành thương hiệu cũng quan trọng không kém. Vì thế, Sở VHTTDL rất mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các đại biểu, doanh nghiệp để du lịch Sơn La, Mộc Châu phát triển xanh, bền vững trong tương lai.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch nhưng lại thiếu sự có mặt của lãnh đạo địa phương
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành đánh giá: Sau dịch Covid-19, Mộc Châu rất thích hợp với xu hướng du lịch mới, điểm đến xanh, gần gũi môi trường, thiên nhiên và chăm sóc sức khỏe của khách của khách. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề nhân lực cho ngành Du lịch đang rất khó khăn. Bên cạnh đó, cần có ngay các giải pháp về sản phẩm, thị trường, xúc tiến để thu hút khách đến Mộc Châu.
Trong phiên thảo luận bàn tròn tại Hội nghị, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam nêu ý kiến: “Làm thế nào để giữ được danh hiệu và phát huy danh hiệu Điểm đến du lịch thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới mới là quan trọng. Sơn La cần đẩy mạnh liên kết ở nội bộ của điểm đến: Thành phố Sơn La, huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ... giữa các khu gia đình, điểm du lịch để tạo ra một bức tranh toàn cảnh, đa dạng, sắc nét, nổi bật về văn hóa địa phương, hòa quyện với thiên nhiên...”
Nhiều ý kiến thẳng thắn của diễn giả, đại biểu được nêu ra tại phần thảo luận bàn tròn
“Liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ và người mua du lịch cũng cần được đẩy mạnh hơn. Việc phát huy điểm đến sẽ hiệu quả hơn nếu có sự liên hết, vào cuộc của tất cả những người làm du lịch, người dân chứ không phải chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý du lịch. Bên cạnh đó, du lịch Sơn La phải tăng cường ứng dụng công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, có sự tham gia tích cực của cơ quan quản lý điểm đến ở địa phương để thúc đẩy du lịch... Cụ thể, có thể đưa ra các giải pháp lưu trú nhanh, rẻ, phù hợp với thị trường như: campings, xe lưu trú di động; kết nối giao thông đường bộ, vận động người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng...”, ông Thắng nói
Theo bà Vũ Giang Biên, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và du lịch thiên đường Á Châu: “Mộc Châu có nhiều lợi thế, có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, địa phương cần quan tâm đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng, bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cả về chất và lượng để thu hút khách đến địa phương. Bên cạnh đó, việc đầu tư sản phẩm nên tập trung khai khác những yếu tố văn hóa bản địa đặc trưng; xác định rõ xây dựng điểm đến, sản phẩm du lịch phù hợp với từng đối tượng khách du lịch mà địa phương mong muốn hướng đến”.
Khách du lịch vui chơi tại Khu du lịch Mộc Châu Island
Về sản phẩm mới của Mộc Châu là phố đi bộ, bà Biên cho rằng khách đến đây mong muốn tìm thấy những hình ảnh góc người Mông, Thái, Mường... chứ không ai đến Mộc Châu để tìm làng Nhật Bản hay Trung Quốc ở đây cả. Việc liên kết điểm đến du lịch giữa Mộc Châu với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh cũng chưa thực sự tốt.
Ông Lê Văn Hưu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sơn La, Chủ tịch HĐQT công ty CP đầu tư và xây dựng Mộc Châu đánh giá, dù đã thay đổi rất nhiều những năm gần đây nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận những yếu kém của du lịch Mộc Châu hiện nay. Ông cũng cho rằng hoạt động quảng bá truyền thông phải đúng thực tế, tương đương với chất lượng phục vụ để tránh tình trạng khách đến một lần vì tò mò rồi không trở lại nữa. Chưa đủ dịch vụ, sản phẩm mà quảng bá đến có khi còn phản tác dụng. Ví dụ như thung lũng mận Nà Ka ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, hiện đang thu hút rất đông khách đến vào mùa hoa và mùa thu hoạch mận. Thế nhưng, với điều kiện giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật như hiện nay thì khách có dám trở lại nữa không?
Người dân và du khách xem Giải đua Motor địa hình - VTV Cup Off Road 2023 diễn ra tại bản Bó Nhàng, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ
Muốn phát triển bài bản, quy hoạch phải đi đầu, phải xem đầu tư gì, quản lý quy hoạch như thế nào? Mộc Châu có nhiều doanh nghiệp có thể xây dựng khách sạn 5 sao nhưng quản lý khách sạn 5 sao đó như thế nào mới là quan trọng.
Theo ông Lê Văn Hưu, Mộc Châu được công nhận là điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới là động lực để phát triển Sơn La nhưng cũng là trách nhiệm của những người làm du lịch phải gìn giữ. Con người Sơn La, Mộc Châu thân thiện, mến khách. Du lịch Sơn La không chặt chém, chăn dắt, ăn xin, trộm cắp... Đấy là lợi thế của Mộc Châu.
Các diễn giả và đại biểu dự Hội nghị đã thảo luận, chỉ ra nhiều tiềm năng, lợi thế và cả những hạn chế cần khắc phục, các giải pháp cần thiết nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững du lịch Mộc Châu nói riêng, Sơn La nói chung trong thời gian tới.
Đáng tiếc, Hội thảo không có sự tham gia của lãnh đạo huyện Mộc Châu, Vân Hồ cũng như cơ quan xúc tiến của tỉnh.
Các doanh nghiệp du lịch khảo sát tại làng Bắc Âu (The Nordic Village) ở huyện Vân Hồ
Khởi động tuyến du lịch văn hóa Hà Nội- Sơn La
Bà Lê Thị Thu Trang, Giám đốc khối quản lý điểm đến Công ty SGO Travel cho biết: “Mộc Châu là điểm đến quá nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Để góp phần làm nên thương hiệu của điểm đến Mộc Châu, gắn với danh hiệu Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới, sắp tới, chúng tôi sẽ khởi động Tuyến du lịch văn hóa Hà Nội- Sơn La, định vị những sản phẩm chất lượng, lấy văn hóa là cốt lõi”.
Tham gia tuyến du lịch Green Mộc Châu, mỗi du khách sẽ là đại sứ du lịch của Mộc Châu. Trong mỗi sản phẩm du lịch có sự tham gia của cộng đồng và phát triển theo định hướng du lịch xanh, bảo tồn thiên nhiên. Tuyến du lịch Green Mộc Châu- Green Bus (tuyến xe buýt xanh) là một hành trình bền vững, không rác thải nhựa từ lúc lên xe tới lúc về nhà. “Khoảng tháng 8 chúng tôi sẽ khởi động tuyến này. Đồng thời, chúng tôi sẽ phát động chiến dịch Green Mộc Châu- hành trình không rác thải nhựa. Từ đó, mỗi cá nhân, tổ chức sẽ góp phần chung tay để giữ vững thương hiệu bảo vệ danh hiệu Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới. Đặt các điểm đổi rác lấy cây xanh tại các điểm đến như: Đồi chè trái tim, rừng thông bản Áng, cầu kính Bạch Long... Rác thải nhựa thu gom được sẽ được sử dụng, sáng tác thành biểu tượng, phát triển thành điểm tham quan mới.
Khách tham gia Ngày hội hái quả ở huyện Mộc Châu
Nhân sự của ngành Du lịch Sơn La hiện nay vừa thiếu, vừa yếu. Vì thế, ông Phùng Quang Thắng đề nghị cần có các chính sách hấp dẫn để thu hút nhân lực. Sơn La hãy ưu tiên các nhà đầu tư lớn để giải quyết nhân lực cho tỉnh. Bên cạnh đó, mời các nhà quản lý du lịch đến quản lý điểm đến du lịch cho Sơn La, tăng cường sử dụng công nghệ để điều hành điểm đến.
Trưởng phòng văn hóa huyện Mộc Châu Đinh Thị Hường chia sẻ, hiện nay phòng văn hóa các huyện, thành phố đang nỗ lực để đạt được các tiêu chí công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu năm 2025 nhưng đến nay rất khó khăn, thiếu kinh phí, thiếu người.
Về thị trường khách, sản phẩm phát triển du lịch, bà Hường mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý du lịch hướng dẫn, đào tạo để người dân biết làm du lịch như thế nào. Sản phẩm nào phù hợp với thị trường nào.
Khách tham quan, hái quả tại vườn ở thung lũng mận Nà Ka
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến và tất cả đều mong muốn những ý tưởng phát triển du lịch xanh, bền vững ở Sơn La sớm thành hiện thực trong tương lai. Ông Nguyễn Quý Phương cho rằng: “Sau 15 năm, đặc biệt là 5 năm gần đây, Mộc Châu đã thay đổi rất nhiều, với sự nỗ lực của chính quyền, bà con nhân dân huyện Mộc Châu. Có thể khẳng định phát triển Sơn La nói chung, Mộc Châu nói riêng theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững là phù hợp. Để làm được điều đó, đề nghị Sở VHTTDL phối hợp với các địa phương triển khai sớm, sớm hoàn thiện hồ sơ để Khu du lịch Mộc Châu được công nhận là Khu du lịch quốc gia năm 2025.
Bên cạnh đó, cần xây dựng sản phẩm và hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm, tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch. Vừa rồi Mộc Châu có cuộc thi về quà tặng, ẩm thực, hướng dẫn viên... đều rất cần thiết để tăng chất lượng sản phẩm phục vụ du khách. Công tác quảng bá, số hóa điểm đến cũng cần phải tăng cường, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư về giao thông, nhà máy xử lý rác thải, nhà vệ sinh công cộng, đa dạng công tác truyền thông. Tổng cục Du lịch cam kết đồng hành của địa phương trong việc phát triển du lịch đúng hướng, bền vững; hỗ trợ các địa phương trong việc đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến.
THÚY HÀ; ảnh: ĐÌNH KIÊN