Làng cổ Phước Tích phát triển du lịch xanh
VHO -Di tích quốc gia làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đã và đang trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Chính quyền địa phương cũng đang đẩy mạnh xây dựng và phát triển các tour tuyến, sản phẩm du lịch theo định hướng xanh.
Du khách quốc tế tham quan làng cổ Phước Tích Ảnh: Đ.T
Làng cổ Phước Tích nằm ven sông Ô Lâu, với nhiều cây xanh cổ thụ rợp bóng cùng hệ thống nhà rường cổ đặc trưng đã trở thành điểm đến du lịch trải nghiệm thú vị của nhiều du khách. Từ khi hoạt động du lịch mở cửa hoàn toàn trở lại sau đại dịch Covid-19 đến nay, làng cổ Phước Tích đã đón hơn 50.000 lượt khách, trong đó nhiều đoàn khách số lượng lớn đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các dịch vụ du lịch.
Dịch vụ du lịch ở làng cổ chủ yếu tập trung các sản phẩm văn hóa và ẩm thực địa phương, ngoài tham quan tìm hiểu lịch sử và các công trình kiến trúc cổ, trải nghiệm làm gốm Phước Tích, du khách sẽ cùng tham gia những hoạt động sinh hoạt truyền thống của người dân trong làng. Cùng chế biến món ăn, làm các loại bánh, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, đạp xe ngắm cảnh làng quê xanh mát… Ở Phước Tích, nhiều người trẻ đi làm ăn xa quê nên các hoạt động du lịch bản địa cũng chính tay các bậc trung niên, những người lớn tuổi tham gia. Dù chưa được chuyên nghiệp như các cơ sở dịch vụ du lịch của vùng trung tâm, nhưng nét chân chất, bình dị của thôn quê lại là sức hút đối với du khách.
Hiện nay, Phước Tích có 26 nhà rường cổ hơn 100 năm tuổi cùng nhiều công trình kiến trúc truyền thống đặc trưng của các nhà thờ họ tộc. Các ngôi nhà cổ ba gian hai chái được xây dựng và tồn tại trong không gian của vườn cây xanh mát, tạo điểm nhấn để du khách đến tham quan và hòa mình vào không gian xanh của thiên nhiên. Ngoài ra, các di tích như: Miếu Cây Thị hơn 500 năm tuổi, các bến nước ven sông Ô Lâu, lò gốm tại Phước Tích cũng không thể thiếu trong hành trình tham quan của du khách. Đặc biệt, phía sau làng cổ có không gian rộng lớn của hồ sen Hà Trì được chỉnh trang và phát triển giống sen trắng từ Hoàng thành Huế, là điểm đến check-in, trải nghiệm thú vị của du khách.
Hoạt động du lịch ở Phước Tích được định hướng phát triển du lịch xanh, du khách đi bộ hoặc di chuyển bằng xe đạp thông minh để tham quan, những địa điểm kinh doanh dịch vụ ẩm thực, bán quà lưu niệm, các cơ sở bán sản phẩm nông sản sạch và đặc sản địa phương không sử dụng túi ni-lông, mà sử dụng túi giấy hoặc vật liệu thân thiện môi trường. Dọc các con đường kết nối đến những điểm tham quan, Viện Bảo tồn Di tích (Bộ VHTTDL) cũng đã lắp đặt 40 thùng rác phân loại và các xe gom rác thải, xây dựng nhà vệ sinh công cộng phù hợp với không gian cảnh quan của làng cổ. Chương trình nhằm bảo vệ môi trường và cảnh quan tại Phước Tích, hướng đến xây dựng môi trường du lịch xanh- sạch- sáng.
Ông Đoàn Quyết Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Làng cổ Phước Tích cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương và Ban quản lý đã phối hợp tổ chức các phiên chợ quê “Hương xưa làng cổ”, với nhiều hoạt động văn hóa du lịch phục vụ nhân dân và du khách. Dự kiến trong năm 2023 này, sẽ định kỳ tổ chức các phiên chợ mỗi tháng/lần, quảng bá các hoạt động văn hóa và dịch vụ du lịch của làng cổ. “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân tại làng cổ Phước Tích tổ chức thực hiện Ngày chủ nhật xanh tại làng cổ Phước Tích, cùng dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, chỉnh tranh các bồn hoa dọc bờ kè ven sông Ô Lâu, chăm sóc và bảo vệ các vườn mai vàng đang trồng. Đồng thời, tuyên truyền đến các hộ dân đảm bảo môi trường, giữ cảnh quan xanh trong khuôn viên vườn nhà, tạo sự đồng bộ và điểm đến hấp dẫn du khách”, ông Thắng thông tin.
Để tạo cảnh quan xanh, mát huyện Phong Điền vừa tổ chức phát động trồng cây xanh tại di tích quốc gia làng cổ Phước Tích. Tại lễ phát động, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đình Bách, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và nhân dân địa phương hưởng ứng trồng cây xanh, tiếp tục trồng mới các loại cây và duy trì mô hình hàng rào cây xanh nhằm tạo cảnh quan môi trường, giữ không gian xanh và “làm đẹp” cho làng cổ. Qua đó, hướng đến mục tiêu bảo tồn phát huy các giá trị vốn có của ngôi làng cổ Phước Tích, một làng cổ cảnh quan, sinh thái, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ và phát huy di sản.
Theo các chuyên gia nhận định, trong xu hướng phát triển du lịch văn hóa hiện nay thì làng cổ Phước Tích sẽ có sức hút đặc biệt với du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài công tác chú trọng bảo tồn hệ thống di sản kiến trúc độc đáo của ông cha để lại, thì việc xây dựng định hướng du lịch xanh tại Phước Tích là hướng đi phù hợp và bền vững.
THÙY AN