"Kỳ vọng sang năm sẽ là thời điểm bứt phá trong đón khách quốc tế"
VHO- Như đã đưa tin, ngày 15.8 vừa qua, thời điểm có hiệu lực về cấp thị thực điện tử và nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với công dân của 13 quốc gia, sẽ tạo ra cú hích quan trọng để ngành Du lịch hồi phục, tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là ngành Du lịch đã chuẩn bị những gì để chủ trương này đi vào cuộc sống như nó từng được mong đợi.
Du khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam với những chính sách rất thông thoáng, cởi mở Ảnh minh họa
Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: Có thể nói, những chính sách mới này là động lực để ngành Du lịch tăng tốc phục hồi và hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2023. Để nắm bắt kịp thời cơ “thông thoáng”, “thuận lợi” từ những chính sách mới được ban hành, toàn ngành đã và đang tập trung, chủ động triển khai một số nhiệm vụ nhằm tăng tốc cả về “lượng” và “chất”, “giữ chân” khách du lịch quốc tế dài hơn, tăng chi tiêu của du khách.
Vậy, cụ thể của những nhiệm vụ đó là gì thưa ông?
- Trước hết, về mặt thị trường mà cụ thể ở đây là thị trường khách quốc tế, ngành Du lịch hướng tới khôi phục hoàn toàn các thị trường nguồn Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Úc… Tiếp tục đẩy mạnh thu hút khách du lịch từ thị trường mới là Ấn Độ, Trung Đông. Đối với thị trường nội địa sẽ đẩy mạnh liên kết địa phương, tăng cường giới thiệu điểm đến, trao đổi khách giữa các địa phương.
Về công tác xúc tiến, quảng bá, ngành tập trung tuyên truyền những chính sách mới, đồng thời đa dạng hoá phương pháp quảng bá, tiếp cận tới nhiều nhóm đối tượng nhằm gây ấn tượng, thu hút sự chú ý, nhu cầu của du khách như công bố rộng rãi chính sách mới của Chính phủ Việt Nam bằng nhiều kênh thông tin tới tất cả các đầu mối thị trường gửi khách. Kết nối lại thị trường, xúc tiến, quảng bá, các địa phương, doanh nghiệp có kế hoạch, đầu tư, kết nối với các địa phương, doanh nghiệp, đối tác của các thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng, tổ chức các chương trình gặp gỡ, khảo sát, giới thiệu sản phẩm, du lịch, đón các đoàn famtrip, KOL từ các thị trường này… Tập trung tuyên truyền cho sản phẩm dịch vụ chất lượng cao có thương hiệu (như nhà hàng được gắn sao Michelin, các sản phẩm dịch vụ điểm đến đã giành các giải thưởng quốc gia và quốc tế của ASEAN, của tổ chức du lịch thế giới…). Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chủ động tiếp cận thị trường trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến; Phát triển trang web giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp với phiên bản tiếng Anh và ngôn ngữ của từng thị trường này.
Bên cạnh đó, chúng ta sẽ cơ cấu lại sản phẩm du lịch, nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất, hạ tầng, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh những cơ sở du lịch không đảm bảo chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch. Cải thiện chất lượng phục vụ của nguồn nhân lực du lịch như tăng cường đào tạo và xây dựng lực lượng lao động vững về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh mới, đón đầu làn sóng tăng trưởng khách quốc tế trong thời gian tới, đặc biệt tập trung nâng cao khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh cho đội ngũ nhân viên trực tiếp phục vụ khách.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác là đặc biệt chú trọng triển khai một số Chiến lược then chốt, mang tính định hướng: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam và các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,… để thúc đẩy phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế.
Việc cấp thị thực điện tử và nâng thời hạn tạm trú cho du khách quốc tế là chủ trương lớn được ngành Du lịch rất trông đợi. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương quan trọng là thế nhưng đó chưa phải là chìa khóa quan trọng để cho du lịch thu hút mạnh du khách quốc tế. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Có thể khẳng định, chính sách mới về thị thực và thời gian tạm trú kể trên là đòn bẩy mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động du lịch, đặc biệt với thị trường quốc tế. Các quy định mới này tạo điều kiện thuận lợi để du khách lên kế hoạch du lịch cả về thời gian, hành trình; phù hợp với nhu cầu của khách quốc tế khi muốn khám phá nhiều điểm đến, nhiều quốc gia trong một chuyến đi. Du khách dễ dàng lựa chọn Việt Nam là một điểm dừng chân trong chuỗi hành trình khám phá châu Á, sau đó quay trở lại kết thúc tour tại Việt Nam, góp phần tăng ngân sách chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam.
Bên cạnh chính sách visa, còn một số yếu tố nữa, cũng đóng vai trò quan trọng không kém để thúc đẩy thu hút khách quốc tế tới Việt Nam, đó là sự phục hồi du lịch của các thị trường trọng điểm; sự chủ động của người dân, doanh nghiệp trong công tác làm mới sản phẩm du lịch; nguồn lực triển khai công tác xúc tiến, quảng bá; sự quan tâm, phối hợp của các ngành, lĩnh vực liên quan,… Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là với những chính sách mới thông thoáng, tạo điều kiện tối đa; sự vào cuộc quyết liệt, chung sức, đồng lòng của toàn thể hệ thống chính trị, với vai trò điều phối là Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng, ngành Du lịch sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra trong năm 2023: đón 8 triệu lượt khách quốc tế, nhất là với mùa cao điểm khách quốc tế (dịp nghỉ đông, lễ Phục sinh và các lễ hội cuối năm) đang cận kề.
Ngoài việc đạt được mục tiêu đề ra, ông có kỳ vọng gì với chủ trương rất quan trọng này?
- Với những chính sách mới được ban hành, ngành Du lịch kỳ vọng sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng, tự tin vượt mục tiêu đã đề ra trong năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng, năm 2024 sẽ là thời điểm bứt phá của Du lịch Việt Nam trong đón khách quốc tế khi thông tin về cấp thị thực điện tử và nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với 13 quốc gia đến được rộng khắp tất cả các thị trường khách quốc tế, bao gồm cả những thị trường truyền thống và những thị trường tiềm năng mà Du lịch Việt Nam đang hướng tới.
Với chính sách thị thực thông thoáng và thời gian lưu trú tăng, Việt Nam sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu của du khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), các nước trong khu vực ASEAN, Bắc Mỹ và khách đến từ các quốc gia Châu Âu, đặc biệt là 13 quốc gia đã được Việt Nam đơn phương miễn thị thực.
Xin cảm ơn ông!
“Với những chính sách mới được ban hành, ngành Du lịch kỳ vọng sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng, tự tin vượt mục tiêu đã đề ra trong năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng, năm 2024 sẽ là thời điểm bứt phá của Du lịch Việt Nam trong đón khách quốc tế khi thông tin về cấp thị thực điện tử và nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với 13 quốc gia đến được rộng khắp tất cả các thị trường khách quốc tế, bao gồm cả những thị trường truyền thống và những thị trường tiềm năng mà Du lịch Việt Nam đang hướng tới”. |
Những sân bay chấp nhận thị thực điện tử Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố danh sách 13 sân bay cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Theo đó, 13 cửa khẩu hàng không cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử bao gồm: Cửa khẩu Cảng hàng không Nội Bài; Cửa khẩu Cảng hàng không Cát Bi; Cửa khẩu Cảng hàng không Vân Đồn; Cửa khẩu Cảng hàng không Thọ Xuân; Cửa khẩu Cảng hàng không Đồng Hới; Cửa khẩu Cảng hàng không Phú Bài; Cửa khẩu Cảng hàng không Phù Cát; Cửa khẩu Cảng hàng không Đà Nẵng; Cửa khẩu Cảng hàng không Cam Ranh; Cửa khẩu Cảng hàng không Tân Sơn Nhất; Cửa khẩu Cảng hàng không Liên Khương; Cửa khẩu Cảng hàng không Cần Thơ; Cửa khẩu Cảng hàng không Phú Quốc. Theo Cục Hàng không Việt Nam, danh sách trên được công bố sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết áp dụng cấp thị thực cho công dân các nước, vùng lãnh thổ các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. B.H |
LÂM SƠN (thực hiện)