Kiến tạo và khai thác dữ liệu số để phát triển du lịch văn hóa

VHO - Dữ liệu và giá trị của lĩnh vực văn hóa, du lịch của Thừa Thiên Huế còn rất lớn nên thời gian qua địa phương này đã tập trung công tác chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững thế mạnh của địa phương.

Kiến tạo và khai thác dữ liệu số để phát triển du lịch văn hóa - Anh 1

 Trải nghiệm sản phẩm công nghệ số tìm hiểu văn hóa, du lịch Huế

Chiều qua 14.12, tại phiên hội thảo “Kiến tạo và khai thác dữ liệu số - Tạo đột phá phát triển du lịch văn hóa”, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp để Thừa Thiên Huế tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong ngành du lịch, văn hóa.

Thời gian qua, ngành văn hóa và du lịch Thừa Thiên Huế tập trung vào các nền tảng, giải pháp để quản lý thông minh trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và trở thành một xu thế chung tất yếu trong các lĩnh vực, như xây dựng các tiện ích phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ và thanh toán không dùng tiền mặt… Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, như thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), 3D mapping, hệ thống thuyết minh tự động, quét mã QR-Code… cũng được triển khai ở các điểm du lịch, khu di tích, giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, Sở đã triển khai việc thu thập, điều tra và công bố các bộ dữ liệu chuyên ngành du lịch trên cổng dữ liệu mở của tỉnh. Mới đây, Sở Du lịch đã đề nghị các doanh nghiệp du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh phối hợp cung cấp thông tin điều tra, số hóa để cung cấp dữ liệu mở trong ngành du lịch.

Thực tế từ năm 2017, Sở Du lịch đã bắt tay vào nghiên cứu và triển khai đề án xây dựng Hệ sinh thái du lịch thông minh, với mong muốn từng bước triển khai du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đi đầu tiên của chuyển đổi số trong ngành du lịch Huế, tiếp đó là những mô hình triển khai thử nghiệm, như thực tế ảo, thuyết minh tự động tại các điểm di tích, số hóa di sản, vé điện tử, thẻ du lịch thông minh… Tuy đạt được nhiều thành tựu song vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, nhiều bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý và các doanh nghiệp. Ông Vũ Ngọc Điện, chuyên gia tư vấn, Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cũng chỉ ra thực trạng và một số hạn chế trong ứng dụng CNTT của du lịch Huế. Như dữ liệu số phục vụ quản lý và phát triển ngành du lịch (điểm đến, dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận chuyển, sản phẩm du lịch, nhân lực,...) còn thiếu và chưa được quản lý tập trung; nhiều sản phẩm văn hóa, điểm đến du lịch của Huế chưa được số hóa; phần lớn các nghiệp vụ quản lý ngành du lịch (xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, thống kê, báo cáo, đánh giá,...) vẫn thực hiện thủ công, hoặc ứng dụng CNTT không đồng bộ. Đặc biệt, mặc dù đã có 3 trang tin và 1 ứng dụng di động nhưng hiệu quả của công tác quảng bá du lịch trên không gian số chưa tương xứng với tiềm năng của du lịch Huế.

Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự quyết liệt của các cấp, cùng ý thức, trách nhiệm cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương. Chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá... Ngành văn hóa, du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị doanh nghiệp cần nỗ lực phối hợp để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về du lịch; hệ thống kết nối liên thông thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ số hỗ trợ trải nghiệm các sản phẩm văn hóa và du lịch an toàn và thông minh, đồng thời nhân rộng các sản phẩm thông minh giúp đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Hiện nay, Sở Du lịch và Sở VHTT, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang đẩy mạnh số hóa 3D các sản phẩm du lịch, công trình di tích, hình thức trình diễn nghệ thuật, nghề truyền thống và các món ẩm thực đặc trưng… Cùng với đó, ngành du lịch cũng phối hợp với các đối tác nhằm triển khai truyền thông trên các nền tảng số; kết nối với các kênh quảng bá trong và ngoài nước để đưa hình ảnh, thông tin của điểm đến Thừa Thiên Huế lan tỏa mạnh mẽ hơn đến cộng đồng trong nước và quốc tế. 

 Hưởng ứng Năm Dữ liệu số quốc gia, ngày 14.12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã khai mạc Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2023 với chủ đề “Kiến tạo dữ liệu số - thúc đẩy liên kết vùng”. Tuần lễ gồm hơn 20 hoạt động, sự kiện như triển lãm, các hội nghị chuyên đề, thi thuyết trình và trao giải thưởng VietFuture…, thu hút sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan quản lý nhà nước và nhiều hiệp hội, tổ chức, tập đoàn doanh nghiệp uy tín trên cả nước.

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc