Quảng Trị:

Khai thác tiềm năng phát triển du lịch nông thôn

SƠN THÙY

VHO - Nhiều tiềm năng và lợi thế về tự nhiên đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn tại Quảng Trị. Trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, Quảng Trị cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển Du lịch nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích hợp đa giá trị và bền vững.

Khai thác tiềm năng phát triển du lịch nông thôn - ảnh 1
Huyện Hướng Hóa đang là điểm đến của du khách với các mô hình du lịch nông nghiệp thú vị. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm lựa chọn những hạt cà phê đặc sản của vùng núi Quảng Trị

 Tín hiệu tích cực từ những mô hình

Thời gian gần đây, huyện miền núi Hướng Hóa đã được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình khám phá và du lịch Quảng Trị. Đây là địa bàn vùng núi có nhiều điểm du lịch sinh thái, cộng đồng hấp dẫn, trong đó có những mô hình du lịch nông nghiệp giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị. Có thể kể đến là: Khe Sanh Valley Farm; PUN coffee; mô hình phát triển du lịch kết hợp OCOP của HTX Nông nghiệp Tân Hợp...

Nhiều năm qua, mô hình của PUN coffee ở xã Hướng Phùng đã mang lại nguồn kinh tế cho đồng bào dân tộc Vân Kiều trong khu vực. Doanh nghiệp này đã đưa cà phê arabica Khe Sanh đạt TOP 1 cà phê đặc sản Việt Nam liên tục từ năm 2021-2024 và TOP 5 thế giới năm 2023. Đơn vị này cũng đã xây dựng quy trình, mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch trên sản phẩm cà phê của mình, góp phần phát triển du lịch nông nghiệp chất lượng cao và đặc biệt là hỗ trợ tốt cho đồng bào dân tộc phát triển kinh tế trên mô hình du lịch nông nghiệp.

Mô hình phát triển du lịch kết hợp OCOP của HTX Nông nghiệp Tân Hợp cũng là điểm đến thú vị được du khách trong và ngoài nước lựa chọn. HTX này có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 8 ha, trong đó khoảng 3 ha trồng dược liệu, 2 ha trồng chanh leo, cùng các vườn trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh... Ngoài ra còn trồng các loại rau củ hữu cơ để bán cho người dân và du khách. Việc đầu tư cơ sở vật chất để phát triển du lịch của đơn vị này cũng đã góp phần thu hút khoảng 5.000 khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi năm. Hay mô hình của Khe Sanh Valley Farm (thị trấn Khe Sanh) thời gian qua cũng đã trở thành điểm “dừng chân” của du khách với các hoạt động trải nghiệm như câu cá thư giãn, trải nghiệm làm nông dân, thưởng thức ẩm thực và mua sắm các đặc sản nông nghiệp của địa phương... Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch dựa trên các sản phẩm nông nghiệp của Khe Sanh Valley Farm bước đầu có hiệu quả tốt, nâng cao thu nhập và khuyến khích phát triển nông nghiệp cho các hộ gia đình.

Ngoài huyện Hướng Hóa, mô hình Dfarm tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh cũng bước đầu khai thác một số hoạt động dịch vụ du lịch và mang lại kết quả khả quan. Dfarm mô hình trang trại nông nghiệp có diện tích hơn 5.000m2, tập trung trồng 2 cây chủ lực là dưa lê, dưa lưới đang được thị trường ưa chuộng, cùng với táo xanh, dưa đỏ da đen… theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Hay khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng cũng đã được đầu tư giao thông, hạ tầng, thuận lợi thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm.

Theo kế hoạch Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 của UBND tỉnh Quảng Trị, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 1 đến 3 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số, ít nhất 50% điểm du lịch được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu mỗi huyện Nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù...

Khai thác tiềm năng phát triển du lịch nông thôn - ảnh 2
Du khách trải nghiệm “Khe Sanh coffee tour”. Ảnh: HTX Du lịch nông nghiệp Việt Nam - Khe Sanh

Hỗ trợ đồng bộ để du lịch nông nghiệp phát triển

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được xác định tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29.12.2023, du lịch được xác định định là ngành kinh tế mũi nhọn. Quy hoạch 4 không gian phát triển du lịch gồm: Không gian du lịch vùng cát ven biển và đảo Cồn Cỏ; không gian du lịch sinh thái đầm trũng ven biển; không gian du lịch đô thị đồng bằng cao; không gian du lịch sinh thái, cộng đồng và văn hóa dân tộc thiểu số trung du và miền núi.

Trong đó du lịch nông nghiệp sẽ tập trung phát triển ở các không gian du lịch sinh thái đầm trũng ven biển, chủ yếu về phía Đông QL1 thuộc các huyện ven biển như Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong và không gian du lịch sinh thái, cộng đồng và văn hóa dân tộc thiểu số trung du và miền núi thuộc vùng trung du và miền núi như Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa.

Các chuyên gia nhận định, ở các khu vực này đang có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển cho các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn như: Kết cấu bền vững làng xã nông thôn theo các dòng họ, nhóm họ di cư lập làng hàng trăm năm nay; cảnh quan thiên nhiên kết hợp với các di sản văn hóa đời sống và sản xuất nông nghiệp bản địa; hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đa dạng và phong phú… Tỉnh Quảng Trị xác định tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch quan trọng để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn. Trong đó, hình thành các trang trại nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên phát triển các sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của Quảng Trị, sản phẩm làng nghề phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế thì thực tế việc thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn ở tỉnh Quảng Trị cũng còn gặp một số vướng mắc, khó khăn. Người dân chưa thực sự nhận thức đúng về du lịch nông nghiệp và có hạn chế nhất định trình độ văn hóa và văn hóa ứng xử trong du lịch, nghiệp vụ làm dịch vụ du lịch. Tình trạng phát triển du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, thời vụ, thiếu chiều sâu một số nơi làm theo kiểu phong trào, không được hoạch định có bài bản khiến việc phát triển du lịch nông nghiệp gặp nhiều bất cập, hạn chế...

Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết: “Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, Quảng Trị xác định tập trung nguồn lực cho phát triển Nông thôn mới thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Năm 2024, tỉnh đã phân bổ hơn 167,8 tỉ đồng cho kế hoạch đầu tư phát triển xây dựng Nông thôn mới tập trung cho các mục tiêu hỗ trợ kinh tế tập thể, kinh tế HTX, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn Nông thôn mới, hỗ trợ xây dựng các điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn, sản phẩm du lịch nông nghiệp... Trung tâm vừa phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND huyện Hướng Hóa và HTX Du lịch nông nghiệp Việt Nam - Khe Sanh xây dựng sản phẩm du lịch mới “Khe Sanh coffee tour”. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng đang xây dựng các đề án về phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn, tạo hành lang pháp lý cho các loại hình du lịch này phát triển. Nhằm phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn, quan điểm của chúng tôi là kêu gọi đầu tư, phát huy nội lực sẵn có của địa phương để xây dựng các điểm, sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn tạo ra những sản phẩm du lịch có tính đặc thù riêng có của vùng miền, kết hợp giữa văn hóa sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp có tính đặc trưng cao, tài nguyên thiên nhiên và di tích văn hóa, lịch sử”.

Trong những năm gần đây, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nhất là khu vực huyện Hướng Hóa. Để nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp, Trung tâm đã tổ chức các hội thảo về du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, mời chuyên gia nước ngoài về hỗ trợ, phối hợp với Sở NN&PTNT trong phát triển du lịch cộng đồng ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, hỗ trợ các hộ dân đang trồng, khai thác cà phê xây dựng sản phẩm du lịch “Khe Sanh coffee tour”.