Khách Tây “trổ tài” tráng mì Quảng

THU HOÀI

VHO - Lò mì Quảng cô An nằm sâu trong con xóm nhỏ ở thôn Hạ Mỹ, xã Duy Xuyên, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được nhiều du khách nước ngoài tìm đến nghe cô An “kể” câu chuyện mì Quảng. Đặc biệt hơn là được tự tay tráng mì lá, thưởng thức tô mì Quảng đặc sản ngay tại lò.

Khách Tây “trổ tài” tráng mì Quảng  - ảnh 1

Căn nhà cũng chỉ đủ chỗ cho tầm 20 người, mỗi ngày, lò mì đón từ 3-5 đoàn du khách Châu Âu đến để trải nghiệm nghề tráng mì và thưởng thức món mì Quảng.

Từ 8 giờ sáng, lò mì bắt đầu phục vụ du khách. Thời điểm du lịch đông khách, có khi mỗi ngày lò mì đón hơn 100 du khách tìm đến để học cách tráng mì, nấu mì Quảng và thưởng thức món ăn đặc trưng của xứ Quảng.

Khách Tây “trổ tài” tráng mì Quảng  - ảnh 2

Khi tráng phải khéo léo, tráng đều 2 lớp bột trên khuôn, chờ cho lá mì chín vừa tới thì vớt ra

Tráng mì thủ công là cách để giữ nét truyền thống, đảm bảo sợi mì mỏng, dai và lưu được hương thơm từ hạt gạo.

Gạo làm bột vo sạch, ngâm vài tiếng đồng hồ, gạo mềm vớt ra cho ráo, đưa vào cối xay để cho ra bột. Lò tráng mì được đun lửa nóng. Khéo léo tráng đều bột trên khuôn. 

Khách Tây “trổ tài” tráng mì Quảng  - ảnh 3

Công đoạn vớt lá mì chín tới ra phải thật nhẹ nhàng, khéo léo

Khách Tây “trổ tài” tráng mì Quảng  - ảnh 4

 Mì tráng xong được vớt ra trên vỉ cho nguội

 Xắt mì lá thành những sợi mì để chế biến món mì Quảng cũng là một công đoạn đòi hỏi người thợ khéo léo, nhanh nhạy thì mới có thể tạo ra các sợi mì đều, đẹp bắt mắt.

Khách Tây “trổ tài” tráng mì Quảng  - ảnh 5

Thử xắt lá ra mì sợi theo phương pháp thủ công

Chủ nhân lò mì, cô Võ Thị An theo nghề hơn 20 năm. Ở cái xứ mà mì Quảng đã là món ăn phổ biến đặc trưng thì đó không chỉ là món ăn mà còn là nỗi nhớ, là phong tục tập quán thấm sâu vào tiềm thức của mỗi con người xứ Quảng. Chính vì thế, để khẳng định được nét riêng, độc đáo, lò mì của cô An cũng có những sáng tạo của chính chủ nhân.

Khách Tây “trổ tài” tráng mì Quảng  - ảnh 6

Xắt mì lá thành mì sợi bằng máy

“Thật ra nguyên liệu chế biến mì, nấu nước nhưn, rồi đến cả rau sống để ăn kèm với mì cũng không khác chi mì Quảng của mọi người. Nhưng khác ở chỗ là “hương liệu” của bếp”, cô An chia sẻ.

Khách Tây “trổ tài” tráng mì Quảng  - ảnh 7

Thời buổi hiện đại, nhiều người tráng mì rất “công nghiệp”, bằng bếp gas, bếp điện. Nhưng lò mì của cô An vẫn dùng lò đốt bằng vỏ trấu

“Nếu lò tráng mì mà nấu bằng trấu, mùi khói sẽ tỏa thơm, mùi mì cũng phải thơm. Khi khách đến, nghe giới thiệu vỏ trấu đốt lò là từ hạt lúa xay lấy gạo làm bột tráng mì. Vỏ trấu đốt xong còn lấy lại tro để trồng rau, bón lại cho cây lúa, đậu phộng làm dầu ăn. Một câu chuyện về vòng tuần hoàn sinh thái, tận dụng rác thải để tái sinh ra những nguyên liệu hữu cơ, rất “oganic”, khiến du khách rất thích thú”, cô An vui vẻ kể.

Khách Tây “trổ tài” tráng mì Quảng  - ảnh 8

Khi nghe kể chuyện phóng sự ảnh chụp mình đoạt giải, cô An đã cười rất nhiều, đùa rằng chắc lò mì sẽ có thêm nhiều khách nữa

Một điều rất thú vị khi cô An và lò mì của mình chính là nhân vật trong phóng sự ảnh “Chuyện cô An dạy “Tây” làm mì Quảng” của tác giả Phạm Hải. Tác phẩm này đã tham dự và đoạt giải Ba loại hình báo ảnh tại Giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch lần thứ nhất do Bộ VHTTDL tổ chức năm 2023.

Khách Tây “trổ tài” tráng mì Quảng  - ảnh 9

Mì tráng xong được gọi mì lá, có thể cuốn tròn chấm với nước mắm ăn hoặc đập bánh tráng nướng vào dùng ngay tại chỗ

20 năm làm nghề tráng mì, cô An có “thâm niên” gần 10 năm phục vụ tour “cooking-class” hướng dẫn cho khách du lịch. Để đa dạng thêm các món ẩm thực, ngoài mì Quảng, cô đã làm thêm các món như bánh đập, bánh tráng nướng nhúng nước cuốn mì lá chấm mắm nêm….

Khách Tây “trổ tài” tráng mì Quảng  - ảnh 10
Du khách thưởng thức các món chế biến từ lá mì Quảng tráng tại lò

Ngoài phục vụ khách du lịch, gia đình vẫn duy trì các bếp lò tráng mì, bán mì cho người dân trong làng.

Khách Tây “trổ tài” tráng mì Quảng  - ảnh 11

Cô An hướng dẫn du khách món bánh tráng đập kèm mì lá

“Nghề mì Quảng bao năm nay giúp kinh tế gia đình phát triển ổn định. Nay còn vui hơn nữa khi mình được phục vụ cho du khách quốc tế, giới thiệu được câu chuyện mì Quảng, quảng bá món ăn của xứ mình với bạn bè nước ngoài cũng là hạnh phúc. Nên mình luôn trân trọng và cẩn thận chăm chút từng khâu một với cái nghề gia truyền này”, cô An tâm sự.

Năm 2012, mì Quảng và cao lầu Hội An được công nhận giá trị ẩm thực châu Á bởi Tổ chức kỷ lục Châu Á. Năm 2023, 03 món ăn của Quảng Nam được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam lựa chọn vào danh sách các món ăn tiêu biểu của Việt Nam, trong đó có mì Quảng. Tháng 8.2023, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn gửi Bộ VHTTDL đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề chế biến mì Quảng tại tỉnh này.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc