Khách hàng bị lừa hàng tỉ đồng tiền đặt phòng khách sạn ở Ninh Bình
VHO - Liên quan đến vụ lừa đảo chuyển tiền đặt phòng khách sạn dịp Tết nguyên đán lên tới hàng tỉ đồng ở Khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà (huyện Gia Viễn) mới đây, Sở Du lịch Ninh Bình đã giao phòng chức năng đến làm việc với Khu nghỉ dưỡng này để hướng dẫn xử lý và khuyến cáo cho du khách.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình xác nhận, Sở đã nắm được thông tin du khách đã chuyển 4 lần tiền lên tới hơn 1 tỉ đồng và các đơn vị chức năng đã vào cuộc. Sở đã giao phòng chức năng đến làm việc với khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà ở huyện Gia Viễn để hướng dẫn xử lý và khuyến cáo tới du khách.
Thời gian qua, Sở Du lịch thường xuyên có khuyến cáo đối với các khu, điểm du lịch, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay trên địa bàn để cảnh báo với du khách không bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo mất tiền.
Thủ đoạn chính của các đối tượng xấu là giả mạo trang web, fanpage Facebook… của các Khu nghỉ dưỡng, khách sạn với các giao diện gần giống trang chính thức để thực hiện hành vi lừa đảo vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2025.
Sở Du lịch Ninh Bình khuyến cáo, các đơn vị khi phát hiện các trang web, fanpage giả mạo… cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn và xử lý kịp thời, tránh bị ảnh hưởng, không gây thiệt hại cho du khách và doanh nghiệp.
Theo chia sẻ trên mạng xã hội của một nữ du khách ở Hải Phòng đã bị lừa hơn 1 tỷ đồng sau khi đặt phòng thông qua một fanpage giả mạo của resort ở Ninh Bình.
Ngày 25.1 vừa qua, nữ du khách này đã lên mạng tìm hiểu và nhắn tin cho trang fanpage để hỏi giá phòng nghỉ và bày tỏ mong muốn được đặt phòng từ ngày 31.1 đến 2.2 cho cả gia đình 4 thành viên.

Sau khi tham khảo giá phòng, người phụ nữ đã được admin fanpage xin số điện thoại, tên khách hàng để xuất hóa đơn thanh toán. Mặc dù đã phát hiện số liệu in trên hoá đơn như: ngày đặt phòng, diện tích không đúng nhưng khách hàng chỉ nhắc nhở đối tượng và thao tác chuyển tiền theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo.
Không dừng lại ở việc chuyển khoản hơn 6,5 triệu đồng để đặt 2 phòng, đối tượng lừa đảo đã dẫn dắt khách hàng, thao túng tâm lý với hàng loạt chiêu thức tinh vi, đánh lạc hướng nạn nhân.
Lấy lý do hóa đơn chuyển khoản bị "ghi sai nội dung", đối tượng đã nhờ vị khách hàng này thực hiện thêm một giao dịch chuyển khoản khác và hứa “sau khi ghim phòng thành công, kế toán bên em sẽ hoàn tiền lại hóa đơn sai cho mình”.
Nữ khách hàng sau đó đã thực hiện liên tiếp các thao tác theo chỉ dẫn của đối tượng như: Yêu cầu cung cấp mã xác thực kích hoạt tính năng vnpay nhận bồi thường hoàn tiền từ doanh nghiệp do thao tác sai; nhập mã kích hoạt gồm 8 chữ số mà đối tượng gửi. Đối tượng cũng liên tục thông báo số tiền chuyển khoản đang “bị treo trên hệ thống” để khách hàng sốt ruột mà nhập mã kích hoạt mới, xác thực khuôn mặt nhiều lần.
Các lần bị trừ tiền trong tài khoản với số tiền lần lượt là 39,56 triệu đồng, 125,625 triệu đồng, 379.652 triệu đồng và cuối cùng là 485,623 triệu đồng.

Sau nhiều lần chuyển tiền, nạn nhân mới nhận ra những mã kích hoạt đối tượng gửi gồm 8 chữ số mà mình nhận được trước đó chính là số tiền thực tế bị trừ trong tài khoản sau khi khớp lệnh thành công.
Trước đó, cuối năm 2024, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đã phát đi thông báo "Cảnh giác với thủ đoạn giả mạo các cơ sở lưu trú có uy tín để lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Một số vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh là khi đó là một số đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của du khách có nhu cầu lưu trú bằng cách lập các trang mạng xã hội giả mạo các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay, nhận đặt phòng lưu trú qua mạng.
Các trang web, fanpage… có giao diện gần giống trang web, fanpage của các khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng có uy tín, sử dụng số điện thoại đường dây nóng để liên hệ, tư vấn cho du khách và gửi kèm nhiều hình ảnh đẹp, có nhận xét của khách hàng khác nhằm gia tăng mức độ uy tín để tạo niềm tin với du khách.
Đối tượng sẽ yêu cầu du khách chuyển tiền đặt cọc trước với lý do khách sạn, nhà nghỉ quá tải, nếu không đặt trước sẽ không giữ được phòng, đến khi du khách vì thiếu cảnh giác, đề phòng chuyển tiền đặt cọc cho đối tượng hoặc thanh toán tiền phòng, tiền ăn, các đối tượng này sẽ cắt đứt liên lạc với du khách.
Tình trạng trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch và uy tín các cơ sở lưu trú du lịch ở một số điểm đến, gây thiệt hại cho khách hàng.
Các đơn vị chức năng, các cơ sở lưu trú cảnh báo, du khách trước khi lựa chọn đặt phòng khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng, homestay cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch hoặc đặt phòng du lịch có sẵn trên các ứng dụng, cần hết sức cảnh giác với những lời mời chào đặt phòng giá quá rẻ, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Hoặc đề nghị cơ sở cung cấp dịch vụ cho xem các Giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ tại địa phương.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch cũng nên tăng cường cung cấp thông tin chính thống của doanh nghiệp mình rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội để khách hàng biết và liên hệ đặt dịch vụ.