Hình thành thương hiệu chung vùng Đông Nam Bộ

VHO - Hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2023 trong khuôn khổ các hoạt động sơ kết Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2023 do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với UBND TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh tổ chức ngày 22.12.

Hình thành thương hiệu chung vùng Đông Nam Bộ - Anh 1

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu và lãnh đạo các Sở quản lý du lịch khu vực Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cho biết: “Năm 2023, cùng với sự gắn kết, đồng lòng của các tỉnh, thành phố, vùng Đông Nam Bộ, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc. Nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao đã hình thành, mang tính đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung của vùng. Hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch vùng cơ bản mang lại những hiệu quả thiết thực”.

Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng, công tác liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch vùng Đông Nam Bộ nói chung, nhất là quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch vùng, liên kết hình thành, phát triển chuỗi sản phẩm, dịch vụ đặc trưng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Tour tuyến, sản phẩm mới hình thành nhiều, lượng khách đến tăng nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng, sự liên kết trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá, truyền thông hiệu quả chưa cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mong muốn các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ cùng nhau thảo luận kỹ lưỡng, đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm hình thành chuỗi liên kết phát triển sản phẩm, dịch vụ, nhằm tăng tính cạnh tranh của vùng. Đồng thời, toàn vùng cần nâng cao công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh của vùng; nâng cao hiệu quả công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ, tạo những sản phẩm, tour, tuyến du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của vùng.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận định, liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương nhằm khai thác lợi thế tiềm năng, tạo ra những sản phẩm độc đáo có sức cạnh tranh cao, đưa ngành Du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương và đất nước.

Đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 -2025, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh, Chương trình đã được UBND các tỉnh ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch hơn 3 năm, việc đánh giá hiệu quả hoạt động hợp tác là rất cần thiết nhằm rút kinh nghiệm trong triển khai liên kết phát triển du lịch, quyết tâm đạt kết quả cao trong hợp tác phát triển du lịch về các phương diện chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp quản lý du lịch. Việc này cũng cần thiết khi cùng nhìn lại việc phát triển chuỗi sản phẩm du lịch trong vùng liên kết; phối hợp đẩy mạnh xúc tiến du lịch chung; phục hồi, phát triển nguồn nhân lực du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu mong muốn được lắng nghe những ý kiến chia sẻ của các đại biểu đối với những vấn đề đặt ra trong hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương. Cùng bàn về những thách thức, khó khăn, làm rõ những cơ hội, lợi thế và giải pháp hợp tác, liên kết hiệu quả nhằm thu hút khách quốc tế, phát triển du lịch trong thời gian tới.

Hình thành thương hiệu chung vùng Đông Nam Bộ - Anh 2

Các đại biểu dự Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương, doanh nghiệp trong vùng đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm gia tăng sức hấp dẫn của ngành du lịch từng tỉnh, thành trong vùng tạo nên sự khác biệt cho toàn vùng. Trong đó, tập trung vào phát triển sản phẩm du lịch xanh, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ số quảng bá, xúc tiến du lịch.

Vùng Đông Nam Bộ có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ thống sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, hồ…

Nhiều điểm du lịch của vùng Đông Nam Bộ được các tạp chí du lịch trong nước và thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn du khách như: địa đạo Củ Chi, Công viên nước Đầm Sen (TP.HCM), Nhà tù Côn Đảo, bãi biển Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu du lịch sinh thái Thủy Châu (Bình Dương), Sóc Bom Bo, Vườn quốc gia Cát Tiên (Bình Phước), Làng du lịch Tre Việt, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai), Núi Bà Đen (Tây Ninh)… Đặc biệt, Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2013 là một lợi thế trong thu hút khách du lịch đến với vùng Đông Nam Bộ cần được chú trọng khai thác phát triển.

Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ là một hoạt động ý nghĩa trong việc phát triển du lịch chung của cả nước cũng như của từng địa phương, góp phần phát huy tối đa tài nguyên du lịch của từng địa phương, khai thác nguồn lực hợp lý, tạo động lực phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cộng đồng dân cư các địa phương.

Qua đó, hoạt động hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ, công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước con người và phong tục tập quán của từng địa phương đến với du khách trong và ngoài nước nhằm mở rộng và phát triển thị trường được đẩy mạnh hơn, từ đó, tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội trong và ngoài khu vực liên kết nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch các tỉnh trong chương trình liên kết tìm kiếm đối tác để xây dựng, khai thác và phát triển sản phẩm du lịch.

Năm 2023, vùng Đông Nam Bộ đón và phục vụ 65 triệu lượt khách, tăng 18,55% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu du lịch đạt 180.566 tỉ đồng tăng 22,13% so với năm 2022. Du lịch vùng Đông Nam Bộ đóng vai trò vô cùng quan trọng, chiếm 54,2% tổng số khách du lịch của cả nước, chiếm 26,9% tổng thu du lịch cả nước năm 2023. Có thể thấy, vùng Đông Nam Bộ có lợi thế lớn trong việc thu hút số lượng đông đảo khách du lịch đến với vùng, thể hiện sức hấp dẫn của vùng đối với khách du lịch.

NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc