Hiến kế hút khách quốc tế đến Việt Nam
VHO- Ngày 22.3, Báo Đầu tư tổ chức tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” nhằm đề xuất những giải pháp để thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Vấn đề đặt ra là: Có những tiềm năng bất tận về thiên nhiên, văn hoá để phát triển du lịch nhưng vì sao du khách quốc tế vẫn chưa trở lại Việt Nam nhiều, trong khi các quốc gia lân cận đang chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục, thậm chí vượt qua cả ngưỡng trước đại dịch và đang đặt ra những tham vọng cao hơn?
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế"
Nên đặt mục tiêu cao hơn
Năm 2023, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế - một mục tiêu đầy thách thức nếu so với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022. Tuy nhiên, con số này hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí đạt cao hơn nếu có những kế sách khả thi được sớm áp dụng triển khai trong thực tế. Bài học thành công từ nhiều quốc gia trong khu vực là minh chứng cho điều đó.
Nhiều ý kiến cho rằng cần đặt ra những mục tiêu cao hơn về đón khách quốc tế năm 2023 để có cơ sở phấn đấu.
Tại toạ đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan ngoại giao đã trao đổi, thảo luận, mổ xẻ về những vấn đề đặt ra đối với ngành Du lịch của Việt Nam hiện nay. Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất những giải pháp để thúc đẩy thu hút dòng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết: “Chỉ trong một thời gian rất ngắn vừa qua, nhiều hoạt động quan trọng đã diễn ra liên quan tới mục tiêu thúc đẩy du lịch, đặc biệt những giải pháp thu hút du khách quốc tế. Gần đây nhất là Hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 15.3 và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ngày 19.3. Đây là những sự kiện quan trọng diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa trở lại đón khách quốc tế trong tình hình mới. Tại những sự kiện này đã chỉ ra rất rõ những hạn chế, điểm nghẽn và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ nhằm đưa du lịch phục hồi bền vững và hiệu quả”.
Năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế, đây là con số khiếm tốn so với mức đã đạt được năm 2019 là 18 triệu lượt khách, nhưng lại là mục tiêu đầy thách thức do thị trường du lịch quốc tế có nhiều biến động sau đại dịch.
Một số thị trường truyền thống như Liên bang Nga, Trung Quốc chưa thể mang lại lượng khách du lịch như từng có trước đại dịch, sự cạnh tranh của các điểm đến trong khu vực với nhiều cách làm sáng tạo cũng là một khó khăn để Việt Nam phải trở thành một lựa chọn tốt hơn hơn cho du khách quốc tế.
TS Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm bộ môn, Giảng viên cấp cao & Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT
“Kinh nghiệm phát triển du lịch trên thế giới cho thấy, việc thu hút tốt khách quốc tế sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và các địa phương nơi khách lưu trú”, ông Lê Trọng Minh nói và dẫn chứng, ngay cả với Việt Nam, năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, bằng 21% số lượt khách nội địa nhưng doanh thu chiếm gần 2/3 doanh thu ngành Du lịch. Điều này có được bởi đặc tính khách quốc tế có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD cho 1 chuyến đi. Trong khi đó, đặc thù khách nội địa thường đi nghỉ vào cuối tuần và mức chi tiêu cũng không bằng.
Ông Lê Trọng Minh cho rằng, du lịch là một trong những ngành kinh tế năng động nhất và tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới hiện nay. Tầm quan trọng của ngành Du lịch như một động lực giúp tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và sản phẩm địa phương đã được nhắc đến trong một số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Trong đó, Mục tiêu 8, 12 và 14, khẳng định “Du lịch đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào việc tạo việc làm, đặc biệt là cho phụ nữ và thanh niên, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng thông qua các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ”.
Tại nhiều quốc gia, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chẳng hạn tại Thái Lan trước đại dịch, ngành Du lịch đóng góp 3.000 tỉ Bath cho nền kinh tế Thái Lan năm 2019, chiếm 18% GDP cả nước, riêng khách quốc tế đóng góp 2.000 tỉ Bath tương đương với 12% GDP. Năm 2022, nước này đã công bố chiến lược mới về du lịch có tên gọi là SMILE (nụ cười) với mục tiêu đưa đóng góp của du lịch lên tới 30% GDP của Thái Lan vào năm 2030.
Ngay cả những quốc gia phát triển như: Nhật Bản, du lịch luôn là lĩnh vực kinh tế được coi trọng với mức đóng góp trung bình 6-7% GDP. Quốc gia này cũng đặt những kế hoạch mới thu hút khách quốc tế sau đại dịch với mục tiêu phục hồi lượng khách quốc tế vượt mức kỷ lục 32 triệu lượt khách vào năm 2025, đồng thời triển khai chính sách thu hút khách du lịch tầng lớp thượng lưu, là khách có giá trị chuyến du lịch trên 1 triệu Yên.
Với Việt Nam, thống kê cho thấy cũng trong năm 2019, du lịch tạo hơn 4,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đóng góp 9,2% GDP cả nước (tương đương với 32,8 tỉ USD). Đây là con số đầy ý nghĩa nhưng so với mặt bằng chung toàn cầu thì vẫn còn thấp, đặc biệt rất thấp so với tiềm năng du lịch của Việt Nam.
Toạ đàm thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch
Việt Nam có 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới (Vịnh Hạ Long); 03 di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, quần thể danh thắng Tràng An); 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41 nghìn di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4 nghìn di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 33 vườn quốc gia; 117 bảo tàng; gần 8 nghìn lễ hội. Âm nhạc dân gian có truyền thống lâu đời và vô cùng đặc sắc. Ẩm thực đa dạng, độc đáo, hương vị phong phú tại tất cả các địa phương. Mặt bằng giá cả thấp hơn so với nhiều nước…
Những điểm nghẽn cần khơi thông
Nhiều tiềm năng nhưng khách quốc tế vẫn chưa quay lại Việt Nam nhiều. Vậy cần có những giải pháp cụ thể, khả thi nào trong các chương trình hành động để khơi thông các điểm nghẽn, phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng du lịch đất nước, sớm thu hút du khách trở lại đông hơn?
Tại cuộc tọa đàm này, bên cạnh những kế sách được đề xuất bởi các doanh nghiệp, tổ chức du lịch trong nước, các thông tin trao đổi từ đại diện cơ quan lập pháp và các bộ, ngành, các chuyên gia quốc tế, đại diện các nước Thái Lan, Indonesia cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, các nghiên cứu để Việt Nam thu hút nhiều hơn khách quốc tế trong thời gian tới. Đặc biệt là những cách làm mới trong thu hút du lịch quốc tế, những tiềm năng liên kết tầm cấp khu vực trong lĩnh vực ASEAN để cộng đồng lợi ích mà ngành Du lịch đem lại.
Liên quan đến vấn đề visa, một trong những điểm nghẽn chính hiện nay khiến Việt Nam khó cạnh tranh về độ mở cửa với các nước, TS. Nuno F. Ribeiro nhận định triển vọng cho năm 2023 là lạc quan một cách thận trọng. Theo ông, tần suất xuất hiện dày đặc trên nhiều kênh truyền thông có tiếng cùng các giải thưởng du lịch quốc tế năm 2022 có thể mang lại sự thay đổi cần thiết. Các dự đoán lạc quan hướng tới 10 triệu lượt khách quốc tế, hầu hết đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Việc nới lỏng các hạn chế đi lại do Covid-19 cũng đang giúp thúc đẩy sự tăng trưởng này. Tuy nhiên, ông cho rằng, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thị trường du lịch lân cận như Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia, những thị trường đã nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19 đã được hưởng lợi từ các thủ tục nhập cảnh và thị thực ít nghiêm ngặt hơn.
Ông Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an)
Để khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, TS Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm bộ môn, Giảng viên cấp cao & Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT cho rằng, cần cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; mở rộng thị thực điện tử cho tất cả các nước; tăng số nước được miễn thị thực; tăng thời hạn lưu trú cho các thị trường trọng điểm; thực thi các luật và quy định du lịch hiện hành liên quan tới hướng dẫn viên du lịch, ăn xin…; thúc đẩy các chương trình văn hóa và ngôn ngữ để thu hẹp khoảng cách giữa du khách và người dân địa phương.
TS Nuno F. Ribeiro nhấn mạnh việc cần xem xét lại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và xác định chiến lược du lịch dài hạn cho 10-20 năm tới dựa trên phát triển du lịch bền vững. Đầu tư mạnh vào giao thông công cộng, lý tưởng nhất là các phương thức giao thông thân thiện với môi trường; tăng cường kết nối giữa các phương tiện vận tải; đầu tư mạnh vào đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch, khách sạn; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam và hạn chế sử dụng tài nguyên dựa trên các chính sách phát triển bền vững.
Các ý kiến thảo luận thẳng thắn về những điểm nghẽn và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam
Ông Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết: “Hiện tại, Bộ Công an đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu thực tế của việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Từ ngày 14.3, Bộ Công an đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các tầng lớp nhân dân về Dự án này”.
Trong đó, nội dung nổi bật nhất Bộ Công an nêu lên là những bước đột phá cởi mở trong chính sách thị thực, trực tiếp là các chính sách về miễn thị thực đơn phương và chính sách thị thực điện tử. Yêu cầu tiên quyết là tôn trọng và không xâm phạm đến an ninh trật tự và chủ quyền của Việt Nam.
Thứ hai là đề xuất nâng thời hạn tạm trú cho người được cấp thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày, giá trị của thị thực điện tử có thể là một lần hoặc nhiều lần, căn cứ theo nhu cầu của người nước ngoài, khách du lịch; đảm bảo cho người nước ngoài khách du lịch được xuất nhập cảnh nhiều lần để thực hiện các công việc kinh doanh cũng như kết nối các tour du lịch.
Nội dung thứ ba là kéo dài thời gian tạm trú đối với người nước ngoài được hưởng quy chế miễn thị thực đơn phương từ 15 lên 30 ngày và có thể được gia hạn tạm trú cấp thẻ tạm trú nếu đáp ứng các yêu cầu khác của pháp luật.
Toàn cảnh Toạ đàm "Hiến kế hút khách quốc tế"
“Vậy, trong khi Luật chưa sửa đổi thì có chính sách gì để thực hiện sớm nhằm đạt được mục đích của phát triển kinh tế cũng như phát triển du lịch vì nếu như chờ luật ban hành xong và có hiệu lực chính thức thì có thể lỡ mùa du lịch quốc tế năm 2023?”, ông Đặng Tuấn Việt nói. Bộ Công an đã lường trước vấn đề này, để đáp ứng yêu cầu thực tế, Bộ Công an đã dự kiến đề xuất Quốc hội đưa các nội dung cơ bản liên quan đến chính sách thị thực điện tử và miễn thị thực như tôi nói ở trên vào một Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất vào tháng 5 tới. Có thể đây chưa phải quy định của Luật, nhưng là căn cứ quan trọng để Chính phủ chỉ đạo cho thực hiện ngay các chính sách cởi mở như tôi vừa trình bày. Đặc biệt, chúng ta tranh thủ được thời gian của mùa cao điểm du lịch đón khách quốc tế năm 2023.
Tại toạ đàm, các ý kiến của đại biểu cũng tập trung vào phân tích thực trạng phát triển của ngành Du lịch, những điểm nghẽn trong việc đón khách quốc tế và đề xuất các giải pháp để thu hút khách. Trong đó, các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch nhấn mạnh việc phải đầu tư xây dựng sản phẩm, tăng cường quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực đang thiếu hụt trầm trọng và liên kết để tạo ra chuỗi sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.
NGUYỄN ANH