Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng:
Du lịch xanh là xu hướng tất yếu
VHO - Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 18 (ITE HCMC 2024), Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức Diễn đàn cấp cao “Chuyển đổi xanh, Du lịch Net Zero - Kiến tạo tương lai”.
Hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế tham dự diễn đàn.
Du lịch xanh là bảo vệ và tôn trọng môi trường
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Diễn đàn cấp cao “Chuyển đổi xanh, Du lịch Net Zero - Kiến tạo tương lai” nhằm tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, kết nối hợp tác. Diễn đàn còn nhằm đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng thúc đẩy chuyển đổi xanh, nâng cao khả năng cạnh tranh và cơ hội bứt phá hướng tới mục tiêu Net Zero, sự phát triển bền vững, bao trùm của ngành Du lịch, đưa Việt Nam trở thành một điểm có trách nhiệm và có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, cung cấp cho khách hàng các dịch vụ ưu đãi, các nội dung mà các nền du lịch đang hướng đến, từ đó tăng lượng khách, tăng người mua quốc tế”.
Bộ trưởng nhắc lại thông điệp Tổ chức Du lịch của Liên Hợp Quốc: Phát triển du lịch xanh là phải gắn liền với trách nhiệm, bảo vệ và tôn trọng môi trường, duy trì cuộc sống của người dân một cách bền vững. Ở mức yêu cầu cao hơn, du lịch Net Zero hướng tới mục tiêu giảm thiểu hoặc loại bỏ lượng khí thải carbon cùng những tác động tiêu cực đến môi trường từ các hoạt động du lịch. “Có thể thấy, việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững được đặt ra như một chiến lược quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch, đồng thời, trở thành tiền đề cho định hướng phát triển du lịch Net Zero tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn, ông So Mara, Quốc vụ khanh Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia khẳng định thêm tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, du lịch Net Zero và phát triển bền vững, đồng thời cho rằng chủ đề của diễn đàn rất có ý nghĩa thiết thực. Chia sẻ một số kinh nghiệm, sáng kiến để phát triển ngành du lịch, ông So Mara cho biết: “Chính phủ Campuchia đã thực hiện những bước quan trọng để thúc đẩy du lịch bền vững, nhấn mạnh vào việc giảm tác động môi trường của ngành. Từ tháng 12.2021, Chính phủ Hoàng gia đã cam kết giải quyết vấn đề khí hậu thay đổi và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững. Ngoài ra, trong tháng 11.2023, Campuchia phát động chiến dịch “Bầu trời xanh và Net Zero 2050”. Sáng kiến này nhằm nâng cao nhận thức về các hành động khí hậu của Campuchia và xây dựng hỗ trợ để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.
TS Lương Quang Huy, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT đã tổng quan về chính sách Net Zero của Việt Nam. Theo đó, vào tháng 11.2021, tại COP26, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; giảm 30% phát thải khí mê tan toàn cầu; tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; giảm dần sử dụng than và tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu.
Sản phẩm phải bắt đầu từ văn hóa và mang đậm bản sắc văn hóa
Gợi ý biện pháp ngành du lịch có thể thực hiện để hướng tới Net Zero, TS Lương Quang Huy cho rằng cần sự chung tay của mọi tổ chức, cá nhân. Du lịch là ngành kinh tế quan trọng, nên cần có đóng góp tương xứng vào lộ trình phát triển ít phát thải của Việt Nam thông qua giảm tối đa phát thải khí nhà kính tại tất cả các công đoạn.
Kết luận Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, các ý kiến trao đổi tại Diễn đàn đã làm sáng tỏ hơn các giải pháp căn cơ của mô hình chuyển đổi du lịch xanh, đồng thời nhấn mạnh những phát biểu đó cho thấy việc phát triển du lịch xanh là xu hướng tất yếu, một đòi hỏi khách quan của các nền kinh tế. “Tại Diễn đàn, chúng ta đã tập trung đi đến nhận thức cao rằng: Du lịch xanh bắt đầu từ hành động của mỗi một thành viên trong tổ chức, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, hoạch định chính sách, tăng cường công tác thanh kiểm tra. Doanh nghiệp giữ vai trò là nhà sáng tạo, tạo ra dòng sản phẩm, dựa trên nguồn lực tài nguyên thiên nhiên - chọn ra dòng sản phẩm chủ động xuyên suốt. Tiếp đó là đề cao vai trò của chủ thể - mỗi người dân tham gia quá trình du lịch xanh phải được hưởng lợi. Người dân phải là những đại sứ thân thiện của du lịch… Vì vậy mà du lịch xanh phải được tổ chức, được triển khai mà trong đó dựa trên nền tảng: Sản phẩm của du lịch phải bắt đầu từ văn hóa và mang đậm bản sắc văn hóa, chỉ có bằng con đường này, chúng ta mới kiến tạo sự phát triển theo hướng bền vững”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, qua ý kiến của các đại biểu quốc tế cũng như chia sẻ thành công của các doanh nghiệp, BTC cho rằng cần phải tổng kết, tiếp tục bổ sung, kiến nghị với Chính phủ để tiếp tục thực hiện nội dung này theo hướng tăng cường phân cấp, xây dựng bám sát các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch quốc gia về phát triển du lịch đã được Chính phủ phê duyệt, từ đó tập trung xây dựng các dòng sản phẩm trên cơ sở tôn trọng sự phát triển bền vững. Cùng với đó, đa dạng các loại hình du lịch mà Việt Nam đang có lợi thế như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, khám phá trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe, du lịch có trách nhiệm, tạo cơ hội việc làm và chia sẻ lợi ích với cộng đồng.
Tại Diễn đàn, BTC cũng đã công bố và trao Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vàTổng Công ty Hàng không Việt Nam.