Du lịch Việt Nam: Nhiều cơ hội phát triển mới
VHO- Sau dịch Covid-19, Việt Nam đã nhanh chóng mở cửa với những bước đi vững chắc và được đánh giá là một trong những nước có chính sách cởi mở nhất trên thế giới. Một mặt khắc phục khó khăn, mặt khác tìm mọi cách để tận dụng cơ hội, góp phần đưa kinh tế đất nước phục hồi.
Khách quốc tế tìm kiếm thông tin về Việt Nam cao gấp 4 lần so với trước khi mở cửa 15.3 Ảnh: TRẦN QUỲNH
Lượng tìm kiếm tăng
Công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights và kết quả đón khách quốc tế những tháng vừa qua cho thấy tình hình phục hồi khả quan của du lịch Việt Nam sau khi chính thức mở cửa lại toàn bộ du lịch từ ngày 15.3. Dữ liệu từ Google chỉ ra rằng lượng tìm kiếm từ nước ngoài về du lịch Việt Nam đang trên đà tăng cao qua từng tháng. Đặc biệt, đối với cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam, vào thời điểm đầu tháng 3.2022, lượng tìm kiếm chỉ đạt mức 25 điểm, nhưng chỉ sau đó 1 tháng, đã tăng gần gấp đôi ở mức 48 điểm. Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vào những tháng sau đó, tháng 5 đạt 78 điểm, 98 điểm vào đầu tháng 6 và 100 điểm vào đầu tháng 7, tăng gấp 4 lần thời điểm trước khi mở cửa du lịch quốc tế. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 602.000 lượt, tăng 582,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp trong lĩnh vực này quay trở lại hoạt động tăng cao. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.362 doanh nghiệp, tăng 63,5% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm và du lịch đạt 2.215 doanh nghiệp, tăng 50,5%. Việc mở cửa lại du lịch đã giúp hoạt động ngành Du lịch sôi động trở lại, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thúc đẩy các doanh nghiệp quay lại thị trường.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Đây là sự nỗ lực không nhỏ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch để đưa nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ.
Du lịch giúp nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Mục tiêu đến năm 2025 tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 -1.800 nghìn tỉ đồng (tương đương 77- 80 tỉ USD), tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12- 14%; tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 - 14%/năm. Phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 - 14%/năm và khách nội địa từ 6 - 7%/năm. Thực hiện Chiến lược này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Những năm gần đây, ngành Du lịch được Đảng, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được Bộ Chính trị xác định tại Nghị quyết 08-NQ/TW. Nghị quyết nêu rõ: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao. Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nghị quyết 08 nhấn mạnh, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.
Không những kiên cường và nỗ lực vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam luôn là một trong những điểm sáng của du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao bằng nhiều giải thưởng danh giá. Tổng cục Du lịch Việt Nam 2 lần được công nhận là “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á” vào năm 2017 và năm 2021 của Giải thưởng World Travel Awards. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam năm 2021 xếp hạng 52 trên 117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất thế giới.
Thời gian tới, ngành Du lịch sẽ tập trung thực hiện Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ VHTTDL; triển khai lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, đưa các hoạt động du lịch lên nền tảng trực tuyến; nghiên cứu thị trường du lịch, đẩy mạnh liên kết, kích cầu du lịch nội địa, tiếp tục triển khai kế hoạch mở thị trường du lịch quốc tế...
NGUYỄN ANH