Du lịch nông thôn gắn với OCOP : Khai thác giá trị khác biệt để tạo điểm nhấn

VHO- Trong định hướng phát triển du lịch của Quảng Nam, du lịch (DL) sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn luôn được xác định là một trong số những dòng sản phẩm đặc sắc, song hành các loại hình du lịch truyền thống khác để tạo điểm nhấn độc đáo cho du lịch Quảng Nam. Nhiều mô hình đã tạo được thương hiệu, thu hút du khách, đặc biệt là thị trường khách Châu Âu, Đông Bắc Á, du khách là những người trẻ ưa thích khám phá, trải nghiệm.

Du lịch nông thôn gắn với OCOP : Khai thác giá trị khác biệt để tạo điểm nhấn - Anh 1

Lò gạch cũ với cánh đồng gạo tím than hữu cơ là một điểm DL nông thôn khá hấp dẫn tại Quảng Nam thời gian qua. 

Du lịch nông thôn - OCOP cùng thúc đẩy cộng sinh 
Nhiều mô hình DL nông nghiệp nông thôn (gọi tắt DL nông thôn) gắn với hệ sinh thái và sản phẩm nông nghiệp theo chiến lược phát triển sản phẩm OCOP ngày càng thu hút khách, liên kết vùng tạo nên chuỗi giá trị DL nông thôn đặc trưng của tỉnh Quảng Nam. Từ đó, góp phần đánh thức, khai thác và phát huy bền vững các giá trị bản địa của từng địa phương. Thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, mang lại thu nhập cho cộng đồng, đề cao quyền làm chủ, phân bổ lợi ích rộng rãi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. 
Hiện Quảng Nam có 350 sản phẩm OCOP của 260 chủ thể, hình thành 10 điểm, trung tâm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của địa phương. Mỗi năm, Quảng Nam đón hàng triệu lượt khách du lịch. Đây là thị trường tiêu thụ rất lớn, đầy tiềm năng thúc đẩy sự gắn kết du lịch nông nghiệp nông thôn với sản phẩm OCOP. 

Du lịch nông thôn gắn với OCOP : Khai thác giá trị khác biệt để tạo điểm nhấn - Anh 2

Du khách tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại hội làng Lộc Yên 

Một số sản phẩm OCOP ở lĩnh vực du lịch - dịch vụ cũng đã được hình thành ở Quảng Nam, trong đó có sản phẩm Chợ phiên làng chài Tân Thành tại phường Cẩm An, TP.Hội An đạt chuẩn OCOP 4 sao, đã nhận được Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023. Trong năm 2021, Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam triển khai mô hình thí điểm làng văn hóa du lịch cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước) và làng Bhờ Hồng (huyện Đông Giang) theo chương trình mỗi xã một sản phẩm để nâng cao chất lượng điểm đến, sản phẩm OCOP của hai đơn vị này
DL nông thôn và sản phẩm OCOP có mối quan hệ hữu cơ, thúc đẩy cộng sinh với nhau để cùng nâng tầm, phát triển thành những sản phẩm DL đặc trưng, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. DL nông thôn sẽ là không gian để sản phẩm OCOP phát triển và sản phẩm OCOP sẽ là nguồn tài nguyên, khơi nguồn phát huy giá trị đặc trưng để 
Khai thác giá trị khác biệt để tạo sản phẩm nổi bật 

Du lịch nông thôn gắn với OCOP : Khai thác giá trị khác biệt để tạo điểm nhấn - Anh 3

Không gian nghệ thuật làng “Củi Lũ” tái sinh phế liệu kết hợp điêu khắc mộc Kim Bồng

Nói đến Quảng Nam, có thể nhắc đến những làng nghề truyền thống vẫn còn duy trì sản xuất, kết hợp làm du lịch như làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu- Cẩm Thanh (Hội An), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước),… Những làng DLCĐ ở khu vực các huyện miền núi như Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My,…
Trong thời gian gần đây, các mô hình nói trên ngày càng định hình, phát triển theo xu hướng du lịch xanh đang được nhiều du khách ưa thích lựa chọn. Xanh từ mô hình đến những hành động lan tỏa để bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên của vùng quê từ đồng bằng, miền núi, làng chài,… Chẳng hạn như công viên đất nung ở làng gốm Thanh Hà, không gian nghệ thuật Củi Lũ tái sinh phế liệu, kết hợp với điêu khắc mộc Kim Bồng, tour “Một ngày làm nông dân” ở làng rau Trà Quế, tour trải nghiệm cỡi trâu, trồng lúa nước, học làm ngư dân khám phá nghệ thuật hò bả trạo, hò khoan trên sông nước ở Cẩm Thanh, trải nghiệm văn hóa của đồng bào Cơ tu, Ca Dong ở các làng DLCĐ ở miền núi Quảng Nam,…Cùng với đó, các sản phẩm  OCOP- sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị cũng sẽ được tiêu thụ, lan tỏa mang lại thu nhập cho người dân. 
Những mô hình du lịch nông thôn đã định hình được thương hiệu ở Quảng Nam đều hình thành và phát triển dựa vào khai thác giá trị tài nguyên của thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa riêng biệt của từng địa phương, do chính cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức và hưởng lợi. Những cách làm này là nhân tố quan trọng trong sự hồi sinh và duy trì văn hóa truyền thống nông thôn. Một khi đời sống ổn định, người dân địa phương sẽ trân quý, nỗ lực bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nghề truyền thống, văn hóa dân gian của địa phương mình, hướng tới mục tiêu môi trường.  
Điểm thu hút của các sản phẩm du lịch nói trên chính là sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân, cộng đồng vào trong các hoạt động du lịch, hình thành một hệ thống sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo của các vùng miền. Cũng nhờ đó mà nông dân có thêm nguồn thu nhập bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy. Tại một số cộng đồng khó khăn, mô hình này được xem là một trong những phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt, tạo thêm nguồn sinh kế, việc làm, góp phần cải thiện đời sống của nông dân,…

Du lịch nông thôn gắn với OCOP : Khai thác giá trị khác biệt để tạo điểm nhấn - Anh 4

Du khách tham quan làng nghề mộc Kim Bồng- Hội An

Thành phố Hội An, Quảng Nam  là một trong những địa phương phát triển sớm và khá hiệu quả DL nông thôn, mang lại lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường với điểm đến nổi tiếng tại các làng nghề truyền thống như làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu, mô hình DL cộng đồng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm;…Tại các làng nghề này, nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm lưu niệm cũng đã có chỗ đứng trên thị trường. Giai đoạn 2018 - 2022, Hội An có 18 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao.
Tại hội nghị kết nối sản phẩm OCOP tiêu biểu phục vụ du lịch Hội An do thành phố tổ chức mới đây, bà Trần Huỳnh Hải Yến, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ bền vững Hội An chia sẻ: Các đơn vị, chủ thể sản xuất OCOP tại địa phương đang bước đầu tiếp cận thị trường này, rất cần doanh nghiệp du lịch hỗ trợ kết nối điểm trưng bày, hỗ trợ lựa chọn sản phẩm “made in Hội An” cho bộ quà tặng lưu niệm, chia sẻ về nhu cầu sản phẩm hoặc nếu được thì đặt hàng để các đơn vị sản xuất theo đơn. 
Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, sản phẩm OCOP cần địa phương chuyển từ lượng sang chất. Chất ở đây là giá trị văn hóa, giá trị nền tảng bản địa đang có. Nếu sản phẩm OCOP phát triển đủ chiều sâu thì một số doanh nghiệp du lịch có thể đứng ra bảo trợ. Để OCOP tiếp cận được thị trường du lịch cần tìm giải pháp phân tích thúc đẩy thị trường, bởi từ đòn bẩy du lịch, sản phẩm OCOP Quảng Nam hoàn toàn có thể lan tỏa ra thế giới.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc