Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp

NGUYỄN ANH

VHO - Ngày 11.10, tại Hà Nội báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo "Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam?"

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh (phải) và Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn chủ trì Hội thảo

Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế và sẵn sàng đón dòng khách du lịch cao cấp. Tuy nhiên việc đón nguồn khách này vẫn còn khá khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt.

Biến Việt Nam thành điểm đến chất lượng, thu hút khách du lịch cao cấp

Để làm rõ thực trạng, đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc đón dòng khách du lịch cao cấp, ngày 11.10, tại Hà Nội báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo "Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam?".

Đây là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch phân tích và đánh giá về chất lượng du lịch của Việt Nam so với các nước; năng lực đón khách du lịch cao cấp của Việt Nam.

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong

Trong 9 tháng năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng trưởng này, ngành Du lịch có thể phục hồi hoàn toàn thị trường khách quốc tế trong năm nay, bằng với lượng khách năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện.

Khai mạc Hội thảo, nhà báo Trần Xuân Toàn, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết: “Để thu hút dòng khách cao cấp đòi hỏi không phải từ một phía mà cần sự chung tay của tất cả chúng ta. Ở góc độ truyền thông báo Tuổi Trẻ sẽ cùng cơ quan báo chí khác chia sẻ tìm giải pháp để cơ quan quản lý nhà nước có thể tham khảo trong quá trình hoạch chính sách; các doanh nghiệp cũng có thể tham khảo để đa dạng hóa sản phẩm du lịch có chất lượng, hấp dẫn…”

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao, mang nội hàm văn hoá sâu sắc. Vì thế, sự phát triển của ngành Du lịch sẽ tác động tới nhiều ngành kinh tế khác, đóng góp chung vào sự phát triển bền vững đất nước nhưng cũng cần sự chung tay của các ngành, các cấp và của cả xã hội.

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp - ảnh 3
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh

Sự phục hồi tích cực của Ngành thời gian qua có được do sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh và đặc biệt là quyết tâm, nỗ lực cao của các doanh nghiệp du lịch.

Tuy nhiên, so với lợi thế và nhu cầu, ngành Du lịch xác định cần thêm nhiều nỗ lực để tạo đà bứt phá nhanh hơn, mạnh hơn nữa. Điều này đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu rà soát, nâng cao hiệu quả, tìm kiếm dư địa phát triển ở các phân khúc thị trường, loại hình, sản phẩm du lịch mới.

“Những thay đổi và nhu cầu của xã hội sau dịch Covid-19 tạo ra những xu thế mới. Chúng ta cần bắt nhịp xu thế đó, có những nhận diện, hiến kế, đề xuất ý tưởng xác đáng nhằm phát triển du lịch theo nhịp thị trường”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp - ảnh 4
Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn

Theo Thứ trưởng, 3 tháng cuối năm là thời điểm cao điểm đón khách quốc tế. Đây cũng là thời điểm quan trọng để ta nhìn nhận, đánh giá đầy đủ và có đủ chất liệu để nhìn nhận khách quan, dự báo hướng đi sắp tới, hoạch định chính sách, đề ra mục tiêu phát triển thời gian tới.

Ngành Du lịch hoàn toàn có thể tin tưởng việc sẽ phục hồi về lượng khách quốc tế so với năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện. Tuy nhiên, việc chất lượng khách như thế nào mới quan trọng, tập trung vào dòng khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.

Du lịch cao cấp, sang trọng (luxury tourism) là loại hình du lịch có tốc độ phát triển nhanh trong ngành Du lịch toàn cầu, đem lại doanh thu cao và hiệu quả.

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp - ảnh 5
Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch

Theo một nghiên cứu cho thấy quy mô thị trường du lịch hạng sang toàn cầu trên 2.100 tỉ USD vào năm 2023, kỳ vọng thị trường sẽ đạt trên 3.000 tỉ USD vào năm 2032, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 4% trong giai đoạn 2024-2032.

Trong đó, Châu Âu - một điểm đến du lịch hàng đầu của thế giới, loại hình du lịch này hiện chỉ chiếm khoảng 2% về lượng khách song chiếm tới 22% chi tiêu du lịch (đạt khoảng 130-170 tỉ Euro).

Nhu cầu ngày càng tăng về trải nghiệm du lịch độc quyền và cá nhân hóa, khách du lịch cao cấp đang tìm kiếm các lựa chọn du lịch sang trọng, sẵn sàng chi trả để có được những sản phẩm, dịch vụ mà mình ưng ý. Đây là tiềm năng, dư địa rất lớn để khai thác nhằm phục hồi, phát triển mạnh mẽ du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Để tối ưu hóa hiệu quả phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, nhiều nước trong khu vực và thế giới đã đặt ra mục tiêu phát triển thành điểm đến chất lượng, thu hút khách du lịch cao cấp.

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp - ảnh 6
Ông Nguyễn Châu Á, Nhà sáng lập và Tổng giám đốc Oxalis Group

Tìm kiếm giải pháp thu hút khách du lịch cao cấp tới Việt Nam

Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác.

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch cao cấp, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút khách du lịch quốc tế; góp phần phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Việc phát triển du lịch cao cấp được gắn kết với các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị.

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp - ảnh 7
Lãnh đạo Vingroup

Với cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên thuộc hàng kỳ quan thế giới, bãi biển đẹp, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng hoàn thiện.

Hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, được đầu tư xây dựng mạnh mẽ trong những năm gần đây, cùng với tình hình chính trị ổn định, sự hiếu khách của người dân, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cao cấp.

Một số địa phương, doanh nghiệp đã triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch đẳng cấp, hướng đến chinh phục khách du lịch hạng sang. Thời gian qua, các thương hiệu cao cấp về khách sạn, khu nghỉ dưỡng, lữ hành, nhà hàng, du thuyền, hàng không, điểm đến đã góp phần thúc đẩy thị trường du lịch cao cấp, du lịch sáng tạo, du lịch trải nghiệm ở Việt Nam.

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp - ảnh 8
Ông Liam Cordingly, Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Nghiên cứu Kinh tế Oxford

Nhiều dịch vụ, chương trình du lịch được thiết kế theo phương thức cá biệt hóa để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá các vùng đất mới, văn hóa địa phương một cách độc đáo, sâu sắc của từng nhóm khách du lịch.

Tiêu biểu như tour khám phá, chinh phục hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) dù kén khách và có mức giá khá cao nhưng thường kín chỗ đến hết năm ngay từ đầu năm; tour trực thăng bay ngắm cảnh vịnh Hạ Long, TP.HCM từ trên cao; các dự án kết hợp giữa du lịch với âm nhạc, nghệ thuật mang đến cho du khách những trải nghiệm, dịch vụ chất lượng cao…

Bên cạnh đó, du lịch golf, du lịch MICE, du lịch tàu biển, du lịch chăm sóc sức khỏe, giải trí của Việt Nam… đều có nhiều tiềm năng thu hút khách quốc tế có chi tiêu cao.

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp - ảnh 9
Các đại biểu ở phiên thảo luận chuyên gia

Những năm gần đây Việt Nam liên tục được trao giải Điểm đến Golf, MICE tốt nhất thế giới, châu Á, góp phần khẳng định thương hiệu, sức hút và vị thế của du lịch golf, MICE Việt Nam, lượng khách golf MICE quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng.

Nằm trên tuyến giao thông hàng hải quan trọng của châu Á, điểm đến Việt Nam thuận tiện, phù hợp với lộ trình kết nối các tuyến du lịch tàu biển trong khu vực và thế giới.

Gần đây, khách du lịch tàu biển phát triển nhanh, trở thành nguồn khách quan trọng của nhiều địa phương như: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Với lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, điều kiện địa lý cùng nguồn tài nguyên địa chất - khoáng sản và dược liệu, Việt Nam cũng được đánh giá là điểm đến có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp - ảnh 10
Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ

Nhiều công ty lữ hành đã phối hợp với các khu nghỉ dưỡng, cơ sở spa, wellness cung cấp các dịch vụ, trải nghiệm khám phá, thư giãn, tận hưởng đẳng cấp quốc tế (spa, tắm khoáng nóng, tắm bùn, xông hơi, thanh lọc, thải độc, thiền định, yoga) cho khách du lịch đến Việt Nam sau dịch Covid-19.

Việt Nam cũng là điểm đến thu hút các vị khách tỉ phú thế giới đến khám phá, nghỉ dưỡng; thu hút nhiều cặp đôi giới giàu có Ấn Độ đến tổ chức đám cưới tại các khu nghỉ dưỡng biển sang trọng, biệt lập…

Nhóm khách cao cấp như các tỉ phú, chính khách, người nổi tiếng, giới thượng lưu có tác động tích cực, rộng rãi ở phạm vi quốc tế đối với hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam, khẳng định Việt Nam có khả năng đáp ứng yêu cầu dịch vụ du lịch cao cấp khắt khe, trải nghiệm du lịch độc đáo cho giới tinh hoa.

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp - ảnh 11
Đại biểu ở phiên thảo luận mở

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về 3 nội dung trọng tâm: Vai trò của du lịch sang trọng và phân khúc khách quốc tế cao cấp đối với phát triển du lịch Việt Nam; Cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức thu hút khách du lịch quốc tế cao cấp đến Việt Nam; Đề xuất các ý tưởng, định hướng lớn và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm phát triển các loại hình, sản phẩm đáp ứng nhu cầu, xu hướng du lịch sang trọng, cao cấp hiện nay, gắn với trách nhiệm của cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch.

Kết luận Hội thảo, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ. Trong đó, phải nghiên cứu thị trường; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; có các chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp; cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp - ảnh 12
Toàn cảnh Hội thảo

Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư lớn xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm cao cấp; các khu miễn thuế, outlet lớn. Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển; thúc đẩy du lịch golf

Tăng cường khai thác đối tượng khách du lịch đến Việt Nam thông qua các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế đầu tư, hội chợ, hội nghị, các sự kiện thể thao, văn hóa mang tầm quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức…

Triển khai các chiến dịch quảng bá có chiều sâu tập trung vào phân khúc thị trường, sản phẩm, dịch vụ, điểm đến và thương hiệu du lịch cao cấp của Việt Nam. Chủ động tranh thủ hiệu ứng truyền thông từ những chuyến đi tới Việt Nam của những người nổi tiếng thế giới để quảng bá cho du lịch Việt Nam.

Tổ chức nghiên cứu thị trường, nắm bắt hành vi tiêu dùng, mong muốn của dòng khách cao cấp ở từng thị trường để có chiến lược truyền thông, xây dựng và định vị hình ảnh phù hợp.

Hội thảo được đánh giá đã gợi mở, đề xuất được những nội dung quan trọng, khả thi để trên cơ sở đó Bộ VHTTDL có thể tiếp tục tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện định hướng, chương trình hành động cụ thể. Đồng thời, tạo nền tảng, cơ sở để triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp. Từ đó, tạo bước đột phá thúc đẩy thu hút khách du lịch cao cấp đến Việt Nam thời gian tới, góp phần tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển của ngành Du lịch.

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp - ảnh 13
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày một số tham luận liên quan đến phát triển Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam; nhận định về thực trạng thị trường khách du lịch cao cấp tại Việt Nam: Sức hút từ Net Zero tour và du lịch khám phá tại Việt Nam (ông Nguyễn Châu Á, Nhà sáng lập và Tổng giám đốc Oxalis Group)Thu hút khách du lịch cao cấp nghỉ dưỡng (lãnh đạo Tập đoàn Vingroup);Tour du lịch cao cấp ngắm chim (ông Nguyễn Hoài Bảo, Giám đốc Công ty Wild Tour); Thu hút du lịch chất lượng cao tại Đông Nam Á, Báo cáo khảo sát của Oxford Economic (ông Liam Cordingly, Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Nghiên cứu Kinh tế Oxford)

Phần thảo luận trực tiếp chia làm 2 phiên. Ở Phiên thảo luận chuyên gia, dưới sự điều phối của nhà báo Cao Huy Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Truyền thông (Báo Tuổi trẻ) có sự tham gia của diễn giả Phan Đình Huê, Giảng viên, Chuyên gia tư vấn du lịch Đồng bằng sông Cửu Long; bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Chủ tịch HĐTV công ty Cao Fine Jewelry; doanh nhân Phạm Quang Vinh; Master Chef Đỗ Nguyễn Hoàng Long.

Phiên thảo luận mở dưới sự điều phối của nhà báo Trần Xuân Toàn, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đã gợi mở giải pháp thu hút khách cao cấp với thảo luận, trao đổi của Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia du lịch nước ngoài…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc