Đến Đồng Cam lắng nghe mạch sống quê hương
VHO- Đập Đồng Cam do các kỹ sư người Pháp xây dựng từ năm 1924 đến nay, nếu tính cả thời gian thăm dò, khảo sát, thiết kế, công trình đã có tuổi gần một thế kỷ. Không chỉ là công trình đại thủy nông có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật mà còn có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, đập Đồng Cam là di sản văn hóa kết tinh công sức và trí tuệ của những người đi trước.
Đập Đồng Cam là công trình do các kỹ sư người Pháp xây dựng Ảnh: Dương Thanh Xuân
Ví như “dạ dày kháng chiến”
Đồng bằng Tuy Hòa (Phú Yên) với diện tích khoảng 300 km2 do phù sa sông Ba bồi đắp với đất đai màu mỡ rất thích hợp để sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, trong quá khứ, việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước để tưới cho cây trồng, nhất là về mùa khô. Vì thế, ý tưởng việc xây dựng một hệ thống thủy lợi trên sông Ba để lấy nước tưới cho đồng bằng Tuy Hòa đã được hai kỹ sư người Pháp là Desbos và Fayard đề xuất từ cuối thế kỷ XIX nhưng chưa được thực hiện do khó khăn về ngân sách.
Đến đầu thế kỷ XX, ý tưởng này tiếp tục được kỹ sư người Pháp Lefevre hoàn thiện và được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt vào tháng 11.1923. Vị trí được chọn xây dựng đập thuộc khu vực Đồng Cam cách TP Tuy Hòa khoảng 35 km về phía Tây, vì thế công trình này được mang tên đập Đồng Cam. Công trình đập Đồng Cam được chính thức khởi công xây dựng vào năm 1924 và được khánh thành vào ngày 7.9.1932. Đập Đồng Cam gồm hệ thống công trình đầu mối và mương dẫn thủy. Công trình đầu mối gồm 1 đập dâng, cống lấy nước và cống xả cát ở 2 đầu thân đập. Khối lượng thực hiện khoảng 19.000m3, toàn bộ được xây bằng đá granit trong đó có khoảng 1.000m3 được đẽo gọt công phu với những quy định nghiêm ngặt về kỹ thuật và tinh xảo về mỹ thuật. Việc xử lý nền móng công trình đầu mối phải phá 22.000m3 đá, thi công các đê quây, đường vận chuyển nội bộ phải dùng 30.000m3 đá hộc. Kinh phí xây dựng là 3.650.000 đồng Đông Dương và 5.350.000 ngày công lao động. Trung bình mỗi ngày trên công trường xây dựng có 1.200 người làm việc, đợt cao điểm có đến 5.000 người.
Sau khi hoàn thành, hệ thống đập đầu mối với 1 đập chắn xây dựng trên nền đá tự nhiên có chiều cao trung bình là 5m, trong đó nơi cao nhất là 10m và nơi thấp nhất là 3m. Chiều dài đập 654,9m, chiều dài phần tràn nước là 590m, kết cấu bằng đá xây. Ở hai đầu thân đập, chỗ tiếp giáp với bờ sông có hệ thống cống lấy nước và cổng xả cát với 3 cửa cống ở phía Bắc và 4 cửa cống ở phía Nam. Từ các cửa cống, nước được cho chảy vào kênh Chính Bắc và kênh Chính Nam. Tổng chiều dài kênh chính hữu ngạn dài 36 km, 9 kênh phụ và mương dài 49 km tưới cho 11.000 ha lúa. Kênh chính tả ngạn là 32 km, 7 kênh phụ và mương dài 48 km tưới cho 8.000 ha.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhờ công trình thủy nông đập Đồng Cam mà đồng bằng Tuy Hòa được ví như “dạ dày kháng chiến” của vùng tự do Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cho đến nay, đập Đồng Cam vẫn được xem là hình mẫu về kỹ thuật xây dựng công trình thủy nông phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đập Đồng Cam là một danh lam thắng cảnh nổi bật trên sông Ba chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên Ảnh: Dương Thanh Xuân
Xem như “mạch sống quê hương”
Từ khi hệ thống thủy nông đập Đồng Cam đưa vào sử dụng năm 1933 đến nay, việc quản lý khai thác trải qua nhiều thời kỳ. Hiện nay, công trình được UBND tỉnh Phú Yên giao cho Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam trực tiếp quản lý và khai thác.
Theo ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, mới đây đơn vị đã có văn bản gửi UBND tỉnh Phú Yên đưa di tích cấp quốc gia đập Đồng Cam vào quy hoạch du lịch trong nhiệm kỳ 2025-2030 và kiến nghị tỉnh kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái để đập Đồng Cam trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh tại Phú Yên. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với địa phương để quản lý, khai thác di tích, danh lam thắng cảnh này hiệu quả.
Đề cập giá trị của đập Đồng Cam, bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên, cho biết từ khi có hệ thống thủy nông Đồng Cam, toàn bộ sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Tuy Hòa có bước phát triển nhảy vọt, từ một vùng đồng bằng chỉ sản xuất một vụ bấp bênh với tên gọi là “Đồng Gieo”, sau khi có công trình thủy nông đập Đồng Cam đã trở thành một vùng đồng bằng trù phú với 2 đến 3 vụ lúa, năng suất tăng lên gấp nhiều lần. “Thời gian qua, công trình đã được thường xuyên tu bổ, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho toàn bộ diện tích trồng lúa ở khu vực đồng bằng Tuy Hòa, góp phần đem lại đời sống ấm no cho người dân Phú Yên. Từ lâu, hệ thống thủy nông Đồng Cam đã được xem “mạch sống quê hương” ăn sâu vào ký ức của người của người dân Phú Yên”, bà Thái chia sẻ. Theo bà Thái, ngày nay, đập Đồng Cam là một danh lam thắng cảnh nổi bật trên sông Ba chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên. Hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng Giêng, hàng vạn người nô nức tìm về dâng hương, tham gia lễ hội đập Đồng Cam nhằm tôn vinh, tưởng nhớ những người đã góp công sức xương máu để xây dựng nên công trình này.
Đặc biệt là để tưởng nhớ, tri ân 54 người đã ngã xuống trong quá trình xây dựng công trình đầu mối thủy nông Đồng Cam, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn trong truyền thống văn hóa của dân tộc, với những giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên đó, đập Đồng Cam đã được xếp hạng là di tích quốc gia danh lam thắng cảnh vào ngày 5.9.2022.
PHAN HIẾU