Để tránh “dồn toa” trong mùa cao điểm

TẠ DŨNG - NGUYÊN ĐỨC

VHO - Năm 2025, khi thị trường du lịch phục hồi mạnh mẽ sau dịch, lượng khách tăng đột biến đã buộc các địa phương và doanh nghiệp phải nghĩ đến một chiến lược lâu dài và khoa học hơn đó là phân luồng du khách.

 Để tránh “dồn toa” trong mùa cao điểm - ảnh 1
Phân luồng du khách vào những dịp lễ, Tết là vấn đề ngành Du lịch cần chú ý

 Những con số lớn và áp lực không nhỏ

Mới đây, lượng khách đổ về khu du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng) đạt con số kỷ lục lên đến gần 32.000 người trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ - gấp ba lần so với các mùa cao điểm trước đó, là minh chứng rõ nét cho sức hút của điểm đến và sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch. Thế nhưng, đằng sau con số ấn tượng ấy là những thách thức không nhỏ.

Ông Huỳnh Nam Thắng, Tổng giám đốc Sun Group khu vực miền Trung, thẳng thắn nhìn nhận: “Niềm vui sẽ không trọn vẹn nếu chúng ta không kịp thích ứng với áp lực về hạ tầng, vận hành và phục vụ. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, các đợt cao điểm sắp tới có thể dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng”.

Chính vì vậy, Sun Group đã gấp rút đầu tư thêm tuyến cáp treo số 8 và triển khai thi công tuyến cáp số 10, dự kiến nâng tổng công suất lên 40.000 khách/ ngày. Đồng thời, một nhà hàng buffet mới với sức chứa tới 10.000 khách cũng được đưa vào khai thác.

Doanh nghiệp này không chỉ tăng năng lực phục vụ mà còn tổ chức thêm các show diễn, hoạt động giải trí để giãn bớt dòng người tập trung ở một điểm duy nhất.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng, những giải pháp từ phía doanh nghiệp là chưa đủ. Một mình doanh nghiệp không thể “gồng gánh” toàn bộ bài toán điều tiết khách du lịch, nếu thiếu sự phối hợp, phân luồng và quản lý đồng bộ từ ngành chức năng và các đối tác du lịch.

Ví dụ điển hình được chia sẻ từ một lãnh đạo ngành du lịch Đà Nẵng, trong chuyến công tác tại Thái Lan, ông được giới thiệu tour “lịch trình thông minh” nhân dịp lễ hội té nước Songkran.

Theo đó, thay vì chen chúc trong ngày đầu tiên lễ hội - lúc cao điểm, du khách được gợi ý tham gia các tour khám phá rừng, bảo tồn sinh thái, làng nghề… với giá ưu đãi.

Sau đó, khách mới trở lại trung tâm để hòa mình vào lễ hội. Kết quả là trải nghiệm trọn vẹn, không chen lấn, giá cả hợp lý và du khách hài lòng. Bài học rút ra là sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, từ đơn vị lữ hành, khách sạn, đến điểm đến, cùng với chính quyền, sẽ giúp xây dựng lộ trình dịch chuyển của du khách khoa học, tránh hiện tượng “dồn toa” khiến hệ thống dịch vụ bị quá tải cục bộ.

Tại Nhật Bản, việc tổ chức các lễ hội truyền thống ở từng vùng cũng được lên kế hoạch kỹ lưỡng, chia đều thời điểm tổ chức, hạn chế trùng lặp, từ đó thu hút khách rải rác cả mùa, thay vì đổ dồn về một thời điểm. Điều này giúp đảm bảo nguồn lực phục vụ ổn định và tăng doanh thu đều cho các đơn vị.

 Để tránh “dồn toa” trong mùa cao điểm - ảnh 2

Lộ trình và tầm nhìn dài hạn

Theo các chuyên gia, việc phân luồng du khách không thể chỉ mang tính ứng phó mùa vụ, mà cần có chiến lược dài hạn. Với những thành phố du lịch lớn như Đà Nẵng, TP.HCM, Nha Trang (Khánh Hòa)… việc quy hoạch lại các điểm đến, nâng cấp hạ tầng giao thông, phân cấp từng khu vực phục vụ cho nhóm khách riêng biệt là điều cần thiết.

Một lộ trình bền vững có thể bắt đầu từ những yếu tố như: Ứng dụng công nghệ vào điều phối khách, cần có hệ thống dữ liệu du lịch thời gian thực, cảnh báo số lượng khách tại các điểm du lịch, giúp du khách tự điều chỉnh lịch trình.

Ứng dụng đặt tour, khách sạn có thể tích hợp đề xuất các điểm đến ít đông hơn, nhưng vẫn hấp dẫn, từ đó giãn mật độ tập trung. Thay vì chỉ tập trung tại một vài thành phố lớn, các địa phương cần xây dựng các cụm du lịch vệ tinh, chia sẻ lượng khách.

Ví dụ, khi Đà Nẵng tổ chức lễ hội pháo hoa kéo dài 5 tuần, các tour trong ngày đến Hội An (Quảng Nam), Huế, Lý Sơn (Quảng Ngãi)… có thể phối hợp nhịp nhàng để du khách không chỉ “dồn về một chỗ”.

Giá vé và dịch vụ linh hoạt theo khung giờ, ngày: Doanh nghiệp du lịch có thể áp dụng mức giá ưu đãi vào các ngày cận lễ hoặc khung giờ ít khách. Đây là cách hiệu quả để “rải” lượng khách và tối ưu hóa công suất dịch vụ.

Cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần truyền thông rõ ràng về lợi ích của việc trải nghiệm du lịch hợp lý, không chen lấn. Cần phổ biến rộng rãi các hành trình thay thế, các “điểm đến xanh”, điểm mới nổi ít người biết.

Câu chuyện phân luồng du khách không chỉ là giải pháp tạm thời để tránh ùn tắc, mà còn là chiến lược nâng cao chất lượng du lịch Việt Nam. Khi du khách cảm nhận được sự chuyên nghiệp trong tổ chức, sự thuận tiện trong di chuyển và được chăm sóc chu đáo, họ sẵn sàng quay lại và giới thiệu với bạn bè.

Bên cạnh đó, việc phân luồng còn mang lại lợi ích rõ rệt cho kinh tế địa phương, giúp các vùng lân cận hưởng lợi từ dòng khách lan tỏa, giảm chênh lệch phát triển giữa trung tâm và vùng ven. Quan trọng hơn cả, du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, không đánh đổi môi trường và chất lượng sống của cư dân địa phương.

Phân luồng du khách không còn là “giải pháp tình thế” mà đã trở thành yêu cầu tất yếu, khi ngành Du lịch Việt Nam bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt và hội nhập toàn cầu.

Để làm được điều đó, cần sự bắt tay thực chất giữa nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng địa phương. Có như vậy, du lịch Việt Nam mới phát triển bền vững, văn minh và đủ sức thu hút du khách trở lại nhiều lần.