Đề nghị thanh tra, kiểm tra toàn diện việc ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ
VHO - Ngày 11.10, Thanh tra Bộ VHTTDL đã báo cáo Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ về những đề xuất, kiến nghị giải pháp liên quan đến khó khăn, vướng mắc qua hoạt động thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch, thể thao.
Các cơ sở lưu trú có tổ chức các hoạt động thể dục thể hình và fitness, bơi, quần vợt, yoga... cho khách du lịch phải đảm bảo các điều kiện an toàn
Tham dự có đại diện Cục Thể dục Thể thao, Cục Du lịch, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ VHTTDL. Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Bộ VHTTDL đã tổ chức 42 đoàn thanh tra chuyên ngành, trong đó có 15 đoàn thanh tra chuyên ngành Du lịch tới 10 cơ quan quản lý nhà nước, 237 tổ chức, cá nhân, trong đó có các cơ sở lưu trú.
Cần hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, doanh nghiệp
Trên cơ sở thanh tra, Thanh tra Bộ VHTTDL đã xử phạt 12 đơn vị, số tiền phạt 86 triệu đồng. Số tiền xử phạt này khá ít so với lỗi của các cá nhân, đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, vì sau dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hồi phục nên việc thanh tra chuyên ngành chủ yếu để nhắc nhở, hướng dẫn, định hướng các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch, thể thao.
Những trường hợp bị xử phạt là do liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của du khách. Đối với nhóm hành vi đảm bảo nguồn nhân lực của cơ sở lưu trú hầu như đều mắc hoặc đối với hành vi liên quan chế độ báo cáo cũng gặp nhiều… nhưng phần lớn được nhắc nhở, đề nghị hoàn thiện.
Qua thanh tra cho thấy, một số cơ sở lưu trú du lịch (đặc biệt là các cơ sở được công nhận tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao) có tổ chức các hoạt động thể dục thể hình và fitness, bơi, quần vợt, yoga... chưa được Sở VHTTDL, Sở VHTT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.
Một số cơ sở lưu trú du lịch có bể bơi không đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BVHTTDL ngày 19.1.2018 của Bộ VHTTDL quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi, lặn. Trong đó, đa số là không đảm bảo kích thước 6m x 12m hoặc có diện tích tương đương (trong đó có những cơ sở lưu trú du lịch đã xây dựng và hoạt động trước ngày ban hành Thông tư này).
Bên cạnh đó, một số cơ sở lưu trú du lịch có phòng tập thể dục thể hình và fitness không đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định tại Thông tư số 10/2018/TT-BVHTTDL ngày 31.1.2018 của Bộ VHTTDL quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn thể dục thể hình và fitness. Trong đó, đa số là không đảm bảo diện tích ít nhất 60m, trang thiết bị tập luyện theo Phục lục 1 ban hành kèm theo.
Bộ VHTTDL đã ban hành các Thông tư quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với các môn thể dục, thể thao, trong đó có nhiều môn được các cơ sở lưu trú du lịch cung cấp như: bơi, thể dục thể hình và fitness, yoga, quần vợt...). Các Thông tư quy định đối tượng áp dụng là “tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động tập luyện, thi đấu và tập huấn nhân viên chuyên môn” đối với các môn thể thao.
Trên thực tế, các cơ sở lưu trú du lịch cung cấp dịch vụ hoạt động thể thao chủ yếu để phục vụ khách du lịch lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch với mục đích giải trí, thư giãn chứ không tổ chức hoạt động tập luyện, thi đấu hay bán vé kinh doanh. “Vấn đề đặt ra, vậy các cơ sở lưu trú du lịch có phải thực hiện quy định tại các Thông tư nêu trên khi cung cấp dịch vụ hoạt động thể thao cho khách du lịch lưu trú tại cơ sở hay không? Việc cung cấp dịch vụ hoạt động thể thao của các cơ sở lưu trú du lịch có được coi là kinh doanh hoạt động thể thao hay không?”, ông Lê Thanh Liêm, Chánh thanh tra Bộ VHTTDL nói.
Trong các Tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch (đặc biệt là với Khách sạn, Biệt thự du lịch, Căn hộ du lịch) quy định, các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao phải có bể bơi cho người lớn, bể bơi cho trẻ em và có phòng tập thể dục thể hình và fitness. Như vậy, các cơ sở lưu trú du lịch phải đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao trước khi thẩm định và công nhận hạng hay sau khi được công nhận hạng phải đảm bảo các điều kiện trên?
Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: Các dịch vụ bổ trợ, hoạt động thể thao như bể bơi, tennis, phòng tập thể dục thể hình và fitness tại cơ sở lưu trú hầu hết chỉ phục vụ khách lưu trú nên chỉ cần đảm bảo các tiêu chí an toàn chứ không cần phải có giấy phép kinh doanh lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở lưu trú được xây dựng từ lâu (khi chưa có bộ tiêu chí) nên không đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra. Hoặc ở các khu nghỉ dưỡng, 1 villa hay 2-3 villa chung 1 bể bơi thì bể bơi đó không thể có kích thước 6m x 12m, đáp ứng các quy định như Thông tư 03 được.
Thống nhất đây là dịch vụ bổ trợ nhưng đại diện Cục Thể dục Thể thao cho rằng cần phải có nhân viên hoặc lực lượng có chuyên môn nghiệp vụ trực tại các khu vực dịch vụ này để đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Về vấn đề này, Thanh tra Bộ đề xuất lãnh đạo Bộ giao Cục Thể dục thể thao chủ trì phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Vụ Pháp chế thống nhất tham mưu quy định, hướng dẫn cụ thể.
Chánh thanh tra Lê Thanh Liêm cho rằng: “Theo quy định tại Luật Du lịch 2017, các cơ sở du lịch tự nguyện đăng ký xếp hạng. Khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận hạng thì không được ưu tiên về việc kinh doanh hàng hóa dịch vụ có điều kiện, trong đó có kinh doanh hoạt động thể thao. Vì vậy, để khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở lưu trú du lịch đăng ký xếp hạng, cũng như phù hợp với điều kiện thực tế, đề nghị có quy định riêng đối với hoạt động thể thao trong các cơ sở lưu trú du lịch”.
Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục khuyến cáo người dân cẩn trọng trước khi ký kết hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ
Cần đưa hợp đồng liên quan đến “Sở hữu kỳ nghỉ” vào danh sách các loại hợp đồng bắt buộc theo mẫu
Liên quan đến kinh doanh hợp đồng kỳ nghỉ du lịch, thẻ du lịch, Chánh thanh tra Lê Thanh Liêm cho biết: “Từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh tra Bộ đã tiếp nhận 279 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến hợp đồng kỳ nghỉ du lịch, thẻ du lịch”.
Trong đó, nhiều đơn liên quan đến Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (địa chỉ trụ sở chính tại Tầng 9, Tòa nhà Gold Coast, 1 phố Trần Hưng Đạo, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà).
Trong khi đó, Luật Du lịch năm 2017 chưa có quy định cụ thể về hợp đồng kỳ nghi du lịch, thẻ du lịch.
Nội dung trong các đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra Bộ VHTTDL. Căn cứ Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 1.10.2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, tùy từng nội dung đơn cụ thể, Thanh tra Bộ đã hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan Tòa án nhân dân, cơ quan Thuế, cơ quan Cảnh sát điều tra.
Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý đơn, Thanh tra Bộ cũng đã có các văn bản khuyến cáo: Công văn số 65/TTr-DL ngày 23.5.2023 gửi các Sở VHTTDL; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tuyên truyền tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ”.
Công văn số 206/TTr-DL ngày 23.5.2023 gửi Tổng cục Du lịch; Báo Văn hoá; Trung tâm Công nghệ thông tin về việc tuyên truyền tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ”.
Thông qua đường dây nóng của Thanh tra Bộ khi tiếp nhận những thông tin về những vụ việc tương tự, Thanh tra Bộ đã liên hệ, chỉ đạo trực tiếp lực lượng Thanh tra các Sở nắm bắt thông tin và khuyến cáo người dân kịp thời.
Đồng thời, phối hợp với một số cơ quan báo chí, cơ quan quản lý đăng nhiều bài viết có nội dung về “Sở hữu kỳ nghỉ” để người dân được biết như: Loạt phóng sự của VTV: Cẩn trọng với hợp đồng sản phẩm “sở hữu kỳ nghỉ”; Giả mạo, thổi phồng về chiêu bài tâm lý của dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ; Thời sự toàn cảnh: Sở hữu kỳ nghỉ hay sở hữu rủi ro; Sở hữu kỳ nghỉ miễn phí nhưng lại mất rất nhiều phí; Sở hữu kỳ nghỉ: Giống như trong mơ hay gánh nặng rủi ro;Cảnh giác với biến tướng của mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ”; Tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”.
Bộ Công an đã khuyến cáo người dân “Cần thận trọng trước khi ký kết hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”… trên cổng thông tin điện tử của Bộ.
Báo Văn hoá cũng đã đăng tải loạt bài dài kỳ Cảnh báo rủi ro từ mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ” cảnh báo người dân cân nhắc kỹ từ thông tin đến giao kết hợp đồng.
Đồng thời, Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) đã ban hành văn bản số 906/TCSL-KS ngày 6.6.2023 gửi Sở Du lịch các tỉnh, thành phố về việc tuyên truyền việc tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ” được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Du lịch.
Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ Công Thương đã khuyến cáo người mua về “Sở hữu kỳ nghỉ”.
Trước tình hình đó, Thanh tra Bộ kiến nghị lãnh đạo Bộ có văn bản chỉ đạo các Sở VHTTDL, Sở Du lịch tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao kết hợp đồng mua kỳ nghỉ du lịch, thẻ du lịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động du lịch đối với các đơn vị có hoạt động kinh doanh kỳ nghỉ du lịch, thẻ du lịch trong phạm vi chức năng quản lý.
Đề nghị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương) kiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện việc ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ mua bán kỳ nghỉ du lịch, thẻ du lịch để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Thanh tra Bộ và đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thống nhất đề nghị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước liên quan tham mưu, đề xuất đưa hợp đồng liên quan đến “Sở hữu kỳ nghỉ” vào danh sách các loại hợp đồng bắt buộc theo mẫu, hợp đồng phải kiểm tra trước (danh sách hợp đồng này do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
Trong thời gian tới, khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch đề nghị phải có quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh mua bán kỳ nghỉ du lịch, thẻ du lịch để có căn cứ quản lý thống nhất và hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ cho biết: “Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục khuyến cáo người dân cẩn trọng trước khi ký kết hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ và sẽ đề nghị đưa hợp đồng liên quan đến “Sở hữu kỳ nghỉ” vào danh sách các loại hợp đồng bắt buộc theo mẫu, hợp đồng phải kiểm tra trước”.
Đối với các cơ sở lưu trú du lịch kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn thể dục thể hình, fitness, bơi, quần vợt, yoga... phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, đáp ứng các tiêu chuẩn điều kiện của Thông tư 03. Với những cơ sở lưu trú du lịch có dịch vụ bổ trợ là các hoạt động thể dục thể thao thì cần đảm bảo an toàn cho khách du lịch, khách lưu trú. Bộ VHTTDL sẽ hướng dẫn các địa phương thực hiện nội dung này.
NGUYỄN ANH