Đà Nẵng: Tạo sản phẩm phù hợp để đón du khách Hồi giáo

VHO - Nhằm thu hút đa dạng thị trường khách quốc tế, Sở Du lịch Đà Nẵng vừa tổ chức chương trình chia sẻ kỹ năng phục vụ thị trường khách du lịch Hồi giáo (Halal) cho các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, khu, điểm, doanh nghiệp vận chuyển du lịch, nhà hàng, hướng dẫn viên trên địa bàn thành phố.

Qua đây các doanh nghiệp dịch vụ du lịch có thể xây dựng các sản phẩm phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ thị trường Hồi giáo, đồng thời cũng là tiền đề để Đà Nẵng chuẩn bị những điều kiện tốt, sẵn sàng phục vụ hiệu quả thị trường khách Halal thời gian tới. Ông Subhash Chandar, Tổng giám đốc Công ty Asia DMC (đơn vị hàng đầu trong việc khai thác phục vụ thị trường khách Halal) đã chia sẻ các thông tin liên quan đến thị trường khách du lịch Hồi giáo.

Cụ thể là thực trạng thị trường, nhu cầu, thị hiếu, cách phát triển các sản phẩm phục vụ thị trường khách Halal, chia sẻ kinh nghiệm nắm bắt tâm lý, kỹ năng phục vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách... Nguyên tắc sử dụng thực phẩm, đồ uống, điểm tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm, dịch vụ mặt đất (hướng dẫn viên, tài xế).

Đà Nẵng: Tạo sản phẩm phù hợp để đón du khách Hồi giáo - Anh 1

Đón khách Ấn Độ tại khách sạn Đà Nẵng

Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết, thời gian qua, top 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng bên cạnh những thị trường khách truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Mỹ, Australia, còn có thị trường mới Ấn Độ. Thành phố Đà Nẵng đã tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, truyền thông quảng bá mạnh mẽ để khôi phục các thị trường, thu hút thị trường Hồi giáo thông qua tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch tại Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, đón đoàn famtrip, presstrip đến Đà Nẵng khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Thị trường du khách Hồi giáo được xem là thị trường rất có triển vọng nhưng cũng đầy thách thức, những người làm du lịch trên địa bàn thành phố luôn nỗ lực để tạo sản phẩm ổn định, phù hợp để thu hút dòng khách này. Một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã chủ động chuẩn bị về nhân lực, cơ sở hạ tầng để đón đầu thị trường, trong đó ngành khách sạn Đà Nẵng tổ chức nhiều buổi tập huấn chuyên môn cho các khách sạn thành viên về những nhu cầu cũng như đặc tính đi du lịch của du khách là những người theo đạo Hồi.

Đại diện một số quán ăn phục vụ khách Hồi giáo tại Đà Nẵng cũng cho rằng dòng khách này là một trong những thị trường rất tiềm năng nhưng tại Đà Nẵng thì còn chưa phát triển thuận lợi, thành phố cần kết nối thêm các chuyến bay tới các thị trường khách Hồi giáo, đồng thời có thêm đơn vị có chức năng cung cấp các chứng chỉ Halal để thuận tiện hơn cho các nhà hàng muốn phục vụ thị trường khách này.

Chị Nguyễn Thị Duyên, quản lý nhà hàng Maharaja Indian (số 9 đường An Thượng 2, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đánh giá, khách từ thị trường Halal (khách Hồi giáo) thường có các tiêu chuẩn riêng về thực phẩm nên phải có chứng nhận Halal để phục vụ cho khách (chuẩn Halal là giấy chứng nhận sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal và đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm). Để phục vụ cho thị trường khách này, ngoài chuẩn Halal, nhà hàng Maharaja Indian còn tuyển dụng thêm 4 đầu bếp là người Ấn Độ để nấu các món chính để đáp ứng nhu cầu ăn uống cho đông đảo khách Hồi giáo mỗi ngày.

Đà Nẵng: Tạo sản phẩm phù hợp để đón du khách Hồi giáo - Anh 2

Dòng khách hướng đến trải nghiệm du lịch sức khỏe, quan tâm đến yếu tố văn hóa Hồi giáo

Tại Hội thảo “Phát triển chuỗi dịch vụ du lịch cho thị trường khách Hồi giáo tại miền Trung” do Công ty TNHH du lịch Duy Nhất Đông Dương phối hợp với Tổng cục Du lịch Quốc gia Malaysia tại Việt Nam, Trung tâm du lịch Hồi giáo (Bộ Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Malaysia) và Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức, bà Marina Muhamad, Giám đốc Trung tâm Du lịch hồi giáo (Bộ Nghệ thuật, Văn hóa và Du lịch - Malaysia thông tin: Cộng đồng khách du lịch theo đạo Hồi có xu hướng lên mạng để tìm hiểu trước điểm du lịch. Họ thích những nơi có nhiều hoạt động du lịch bền vững, sạch sẽ, vệ sinh, hướng đến sức khỏe, trải nghiệm và đặc biệt có sự trân trọng văn hóa Hồi giáo.

Vì những lý do đó, bà Marina Muhamad cho rẳng để đó và phục vụ tốt cho dòng khách này, ngành du lịch các địa phương cần quan tâm hơn đến dịch vụ Halal, đầu tư các khu vực cầu nguyện để tạo cảm giác an toàn, gần gũi và thuận tiện cho du khách người Hồi giáo tại cơ sở lưu trú, bởi khách Hồi giáo sẽ cần cảm nhận an toàn, thân thiện, và nhất là thực phẩm hợp khẩu vị.

Sau Covid-19, Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, không phải tất cả các đơn vị cơ sở du lịch có thể mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn còn khó khăn. Vì vậy, việc định hướng phát triển thị trường quốc tế khác nhau nhằm đa dạng thị trường, kiến tạo dư địa, cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp du lịch tham gia vào phát triển du lịch sẽ là yêu cầu cấp bách và cần thiết trong thời điểm này.

Từ tháng 10 năm 2022, việc mở hai đường bay thẳng đầu tiên từ hai thành phố lớn và quan trọng nhất của Ấn Độ là Mumbai và New Delhi đến Đà Nẵng của Hãng hàng không Vietjet Air là tiền đề thuận lợi để kết nối nguồn khách đến thành phố. Tháng 12 năm 2023, đường bay từ Cebu (Philippines) đến Đà Nẵng được mở hứa hẹn sẽ mở ra nhiều tiềm năng đón nhiều thị trường khách mới.

Theo báo cáo mới nhất về xu hướng du lịch của trang Skyscanner tại Ấn Độ (trang web tìm kiếm vé máy bay, phòng khách sạn, thuê xe.. .), Đà Nẵng dẫn đầu trong 10 điểm đến hàng đầu dành cho du khách Ấn Độ với tổng số lượt tìm kiếm tăng mạnh nhất trong những năm qua (tăng 1.141%).

MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc