Đà Nẵng tăng tốc chuẩn bị đón khách Trung Đông, CIS và du khách Hồi giáo
VHO - Nhằm đón đầu các cơ hội mới từ đường bay trực tiếp Dubai - Đà Nẵng và đẩy mạnh thu hút khách du lịch từ các thị trường tiềm năng như Trung Đông, khối các nước SNG (CIS), cũng như khách theo đạo Hồi, TP Đà Nẵng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Từ nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, bồi dưỡng nhân lực đến xúc tiến truyền thông - tất cả đều hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, chuyên nghiệp và phù hợp với nhu cầu đặc thù của các dòng khách mới.
Cơ sở vật chất từng bước hoàn thiện theo hướng chuyên biệt
Đánh giá thực trạng hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước tại Đà Nẵng nhận định rằng cơ sở vật chất và dịch vụ phục vụ khách quốc tế đã có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn cần được nâng cao để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường đặc thù như Trung Đông, CIS và khách theo đạo Hồi. Các cuộc họp quán triệt, kiểm tra thực tế tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đang được tổ chức thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng và tính sẵn sàng của hệ thống dịch vụ du lịch.
Đặc biệt, thành phố cũng tích cực phối hợp với các tổ chức chuyên môn trong việc thẩm định và cấp chứng nhận Halal – một tiêu chí quan trọng với du khách Hồi giáo – để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch có nhu cầu đăng ký và đạt chuẩn.
Đối với các doanh nghiệp lữ hành, việc nắm bắt thông tin thị trường và triển khai các chương trình tour đã được đẩy mạnh. Đơn cử, từ tháng 6.2025, các tour đối ứng Đà Nẵng – Dubai sẽ được khai thác bởi các công ty lữ hành lớn. Trong khi đó, thị trường CIS hiện vẫn được khai thác chủ yếu từ Kazakhstan qua các đơn vị như Anex và Crystal Bay, với hệ thống dịch vụ đang được hoàn thiện dần theo nhu cầu thực tế.

Hệ thống cơ sở lưu trú cũng không đứng ngoài cuộc. Nhận thấy khách Trung Đông thường có mức chi tiêu cao và thời gian lưu trú dài, nhiều khách sạn 4-5 sao như Novotel, Premier Village, Pullman... đã đầu tư thêm các sản phẩm ẩm thực và dịch vụ chuyên biệt như buffet 3 bữa/ngày, chương trình trà chiều, happy hour tại quầy bar, và đặc biệt là buffet ẩm thực Halal hoặc Trung Đông. Tuy nhiên, một số dịch vụ nội khu như khu vui chơi giải trí, khu trẻ em (kids' club) hay thực đơn đa dạng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để nâng cấp nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu thị trường này.
Tại các khu điểm du lịch, công tác số hóa thông tin cũng được đẩy mạnh. Việc tích hợp tiếng Nga vào các mã QR hướng dẫn, in ấn mã trên vé và bảng thông tin, cũng như đăng tải lên các kênh truyền thông số của điểm đến giúp khách du lịch dễ dàng tiếp cận thông tin, đồng thời thể hiện sự quan tâm cụ thể đến nhóm khách nói tiếng Nga – chiếm phần lớn trong dòng khách từ khu vực CIS.

Tăng tốc nâng cao chất lượng dịch vụ và đào tạo nhân lực
Theo Sở VHTTDL thành phố Đà Nẵng, để xây dựng năng lực phục vụ nhóm khách mới, thành phố đã ban hành các kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nội dung trọng tâm là phát triển thị trường khách quốc tế qua các đường bay mới. Kế hoạch phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc năm 2025 cũng nằm trong chiến lược đồng bộ này.
Song song với đó, các chương trình chia sẻ kiến thức, cập nhật thông tin chuyên ngành cho nhân sự du lịch đang được tổ chức. Thành phố đã tổng hợp danh sách các cơ sở ăn uống phù hợp với nhu cầu của khách Hồi giáo để cung cấp đến du khách, đồng thời xây dựng và phát hành ấn phẩm chuyên biệt – “Bản đồ ẩm thực quốc tế tại Đà Nẵng” (Da Nang International Food Map), dự kiến ra mắt trong tháng 6.2025.
Việc đào tạo ngoại ngữ, đặc biệt là các ngôn ngữ hiếm như tiếng Nga và tiếng Ả Rập, đang được triển khai tại các cơ sở lưu trú du lịch, hướng đến đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên du lịch. Nội dung đào tạo không chỉ dừng ở ngoại ngữ mà còn bao gồm tư duy dịch vụ và thái độ phục vụ, góp phần nâng cao trải nghiệm du khách.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp lữ hành cũng được tăng cường nhằm tháo gỡ các khó khăn thực tế, hỗ trợ cung cấp thông tin sản phẩm, hướng dẫn viên, và tổ chức các chương trình khảo sát để bổ sung sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu và văn hóa của khách Trung Đông và CIS.

Truyền thông chủ động, xúc tiến thị trường trọng điểm
Một trong những hoạt động nổi bật trong công tác truyền thông là lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Sun Group và hãng hàng không Emirates vào ngày 30.4.2025.
Theo thỏa thuận, hai bên sẽ triển khai các chiến dịch quảng bá chung, giới thiệu Việt Nam – trong đó có Đà Nẵng – như một điểm đến hấp dẫn trên mạng lưới toàn cầu của Emirates. Các chương trình trải nghiệm dành cho đại diện truyền thông, đại lý du lịch từ thị trường mục tiêu cũng sẽ được tổ chức để nâng cao nhận thức và hỗ trợ xúc tiến bán hàng.
Vào chiều 20.5, Đà Nẵng đã tổ chức thành công chương trình hội thảo trực tuyến (webinar) giới thiệu điểm đến đến thị trường khách du lịch Trung Đông. Các hoạt động tiếp theo cũng được triển khai rầm rộ, bao gồm đón đoàn quay phim quảng bá du lịch Đà Nẵng kết hợp đường bay Dubai – Đà Nẵng trong hai ngày 22-23.5; và từ 2-6.6.2025, sẽ tiếp tục đón đoàn KOLs đến từ UAE và châu Âu để tham quan và quảng bá hình ảnh thành phố.
Đặc biệt, trong tháng 5.2025, hãng Emirates đã phối hợp tổ chức chương trình famtrip outbound cho các công ty lữ hành tại Đà Nẵng, góp phần kích cầu và xúc tiến du lịch hai chiều giữa Đà Nẵng và các thị trường quốc tế.
Với hàng loạt hoạt động cụ thể, có trọng tâm và đồng bộ từ cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực đến truyền thông, Đà Nẵng đang thể hiện quyết tâm rõ ràng trong việc tiếp cận và phục vụ tốt các thị trường du lịch tiềm năng nhưng đòi hỏi cao.
Không chỉ là bước đi chiến lược nhằm mở rộng thị trường khách quốc tế, đây còn là một phần trong tầm nhìn dài hạn đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực và thế giới, đáp ứng xu hướng cá nhân hóa, chuyên biệt hóa trong ngành công nghiệp không khói toàn cầu.