Việt Nam còn nhiều dư địa để đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch Trung Đông và Ấn Độ

VHO - Ngày 9.9, Hội thảo “Thúc đẩy thị trường khách du lịch Trung Đông và Ấn Độ” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Ban tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2022 tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM. Hội thảo có sự tham dự của đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch.

Việt Nam còn nhiều dư địa để đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch Trung Đông và Ấn Độ - Anh 1

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu và người mua quốc tế tham dự

Hai thị trường tiềm năng “khổng lồ”

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), Trung Đông và Ấn Độ là những thị trường có lượng khách ra nước ngoài du lịch tăng nhanh trong thời gian qua. Đây cũng là những thị trường mà Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định là thị trường tiềm năng quan trọng của du lịch Việt Nam, cần ưu tiên mở rộng phát triển. 

Đối với thị trường Trung Đông, đây là một thị trường lớn, gồm 17 nước, 1 vùng lãnh thổ, gần 400 triệu người, không chỉ nổi tiếng về dầu khí, nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ với nhiều Quỹ đầu tư công uy tín, lớn nhất thế giới mà còn là thị trường gửi khách có tiềm năng lớn. Kinh tế phát triển mạnh, tầng lớp giàu có nhiều, nhu cầu du lịch của thị trường Trung Đông được dự báo tăng nhanh trong thời gian tới, dự kiến đạt 165 tỷ USD vào năm 2025 với các thị trường gửi khách hàng đầu là: Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Bốn quốc gia trên đã đóng góp 68% tổng lượng khách của khu vực. “Hiện nay, khách du lịch Trung Đông đến Việt Nam có tăng trưởng qua từng năm, nhưng chưa nhiều, mới đạt khoảng vài chục nghìn lượt và chúng ta còn nhiều dư địa để đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch này”, Phó Tổng cục trưởng cho hay.

Đối với thị trường Ấn Độ, số lượng khách du lịch trao đổi giữa hai nước đã tăng gấp đôi chỉ sau 4 năm 2016-2019, đạt trên 200.000 lượt trong năm 2019. Ngành du lịch Việt Nam và Ấn Độ đã sớm 2 thiết lập mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ. Hiệp định hợp tác du lịch Việt Nam - Ấn Độ đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam và Bộ Du lịch Ấn Độ ký kết trong năm 2001. Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch giữa các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và Ấn Độ đã được các Bộ trưởng du lịch ký kết trong năm 2012. Liên tiếp trong năm 2019, 2020, 2022, hãng hàng không Indigo của Ấn Độ, Vietnam Airlines và Vietjet Air của Việt Nam đã mở 21 đường bay trực tiếp với trên 60 chuyến/tuần kết nối các thành phố lớn của 2 nước. Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng hệ thống cấp thị thực điện tử cho du khách Ấn Độ và Chính phủ Ấn Độ cũng đã công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam. Đây là những điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa 2 quốc gia. 

Thông tin về tình hình thị trường khách du lịch Trung Đông, ông Trần Đức Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Qatar cho biết thêm, khu vực Trung Đông bao gồm 16 nước có dân số 453 triệu người, trong đó Hội đồng các nước vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước Ả rập Xê Út, UAE, Oman, Qatar, Kuwait và Bahrain có dân số 54 triệu và tổng thu nhập hơn 3.464 tỷ USD. Đây là thị trường khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và đi du lịch dài ngày. Khách du lịch từ khu vực Trung Đông ngoài đặc điểm chung là theo đạo Hồi, còn có đặc điểm riêng là khả năng chi trả cao và thích đi nghỉ dưỡng biển, tiện nghi, riêng tư, có spa, safari cho trẻ con, kết hợp đi du lịch để tìm cơ hội thương mại, đầu tư.

Theo chuyên gia, dân số đạo Hồi chiếm khoảng 1/3 trên toàn dân số thế giới. Việt Nam lại có vị trí địa lý tại khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương, nơi tập trung nhiều quốc gia có số lượng người Hồi giáo đông nhất thế giới. Tuy nhiên, khách du lịch đến từ các nước Trung Đông chiếm tỉ lệ không đáng kể, đặc biệt lượng du khách là công dân từ các nước GCC. Trong khi đó, các thị trường du lịch Singapore, Malaysia, Thái Lan... lại thu hút mạnh lượng du khách từ các nước đạo Hồi, chủ yếu là khách hạng sang và có khả năng chi tiêu ở mức cao. Nguyên nhân là do các thông tin về du lịch Việt Nam tới các nước khu vực Trung Đông còn rất hạn chế và chúng ta chưa đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch ra thị trường này một cách bài bản, thường xuyên. 
Sau đại dịch Covid-19, khách du lịch Trung Đông rất thích đi du lịch do ở trong nước trong một thời gian dài do đại dịch. Trong những năm gần đây, họ thường tìm kiếm những địa điểm du lịch mới do những địa điểm du lịch truyền thống như châu Âu đã bão hòa. Những địa điểm du lịch mới phải đảm bảo an toàn, dịch bệnh được kiểm soát và an ninh tốt. Đông Nam Á là thị trường rất được ưa chuộng trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp du lịch cho rằng, Trung Đông và Ấn Độ là hai thị trường có tiềm năng “khổng lồ”. 

Việt Nam còn nhiều dư địa để đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch Trung Đông và Ấn Độ - Anh 2

Chuyên gia cho rằng Việt Nam cần ưu tiên mở rộng phát triển hai thị trường du lịch tiềm năng Trung Đông và Ấn Độ

Khai thác như thế nào?

Trong bối cảnh ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác và phát triển hai thị trường mới mẻ này. Tuy nhiên, đây đều là hai thị trường mới được phát hiện. Du khách từ mỗi quốc gia có những thói quen du lịch khác nhau với những yêu cầu theo những tiêu chuẩn mới. Việt Nam cần mở rộng nhiều loại hình dịch vụ cho những khách du lịch đặc biệt này.

Theo ông Trần Đức Hùng, do Việt Nam là điểm du lịch mới, để thu hút nhóm khách du lịch từ Trung Đông, các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan chính phủ cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thường xuyên tổ chức các chương trình Hội chợ quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế ở quy mô lớn, mời các doanh nghiệp lữ hành các nước Trung Đông tham dự, đồng thời tăng cường truyền thông về du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, cần cung cấp thông tin về các sự kiện du lịch quốc tế tại Việt Nam thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để mời các cơ quan và doanh nghiệp lữ hành tại các nước tham dự. Thiết kế những chương trình du lịch riêng cho đối tượng khách Ả rập, đảm bảo yếu tố tôn giáo như: yêu cầu về thực phẩm Halal, phòng cầu nguyện, sự riêng tư,… Một điểm quan trong không thể bỏ qua là việc đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ du lịch biết tiếng Ả rập để phục vụ khách từ các nước theo đạo Hồi.

Đối với thị trường du lịch TP.HCM, theo Sở Du lịch TP, năm 2019, lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đạt 169.000 lượt, vươn lên tốp 16 thị trường gửi khách cao nhất đến Việt Nam, trong đó có 73% số khách đến TP.HCM. Thông tin về kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch TP.HCM tại thị trường Ấn Độ và Trung Đông, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông luôn được đánh giá là các thị trường khách du lịch tiềm năng của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Thống kê trên công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy thời gian gần đây, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam từ thị trường Ấn Độ đang tăng cao. Điều này phản ánh nhu cầu lớn về du lịch Việt Nam của du khách Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Đông là khu vực hình thành nguồn khách lớn của du lịch thế giới, lượng khách Trung Đông đi du lịch nước ngoài tăng gấp 4,5 lần trong giai đoạn 1990-2010. Thị trường Trung Đông rất triển vọng, thu nhập bình quân đầu người của một số quốc gia Trung Đông thuộc tốp cao nhất thế giới nên khách thường đi du lịch dài ngày, có khả năng chi trả cao và yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ. Trước dịch Covid-19, lượng khách du lịch từ các quốc gia Trung Đông đến Việt Nam và TP.HCM tuy có tăng theo từng năm nhưng vẫn ở mức thấp, chủ yếu đến từ các nước Israel, Iran, Ai Cập, Kuwait… Với tình hình an ninh, trật tự tốt; tài nguyên du lịch phong phú, phù hợp với sở thích và nhu cầu của khách… TP.HCM cũng như Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút hơn nữa khách du lịch từ Ấn Độ và Trung Đông. 

“Việt Nam và Ấn Độ cũng có nhiều nét tương đồng trong văn hóa Phật giáo, tín ngưỡng, văn hóa nên dễ dàng có sự giao thoa và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa.. TP.HCM có khoảng 15 Thánh đường Hồi giáo, một số đền thờ Ấn Độ tại khu vực trung tâm, là điều kiện thuận lợi để du khách ghé thăm và chiêm bái. Nhiều nhà hàng đã triển khai phục vụ du khách ở khu ăn uống riêng biệt với đồ ăn được chế biến theo chuẩn Halal, Ấn Độ. 

Việt Nam còn nhiều dư địa để đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch Trung Đông và Ấn Độ - Anh 3

Với các nước Trung Đông, đặc biệt là 9 quốc gia trọng điểm trong Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2016-2025” là một trong những thị trường mang tính chiến lược trong hợp tác và phát triển du lịch của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Thành phố cũng sở hữu những tài nguyên du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách Trung Đông là tham quan các di sản thế giới, tìm cơ hội kinh doanh, du lịch văn hóa, tìm hiểu khám phá, trải nghiệm làm thủ công truyền thống, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe”, bà Hiếu cho biết. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Du lịch TP cũng nói rằng, bên cạnh những thuận lợi, cũng còn không ít thách thức mà ngành du lịch TP phải đối mặt nếu muốn khai thác tốt 2 thị trường tiềm năng này. Khách Ấn thường kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Họ thường so sánh tỉ mỉ mức giá để đưa ra quyết định. Nếu không thích nghi được, doanh nghiệp không thể khai thác lâu dài thị trường khách này. Trong khi đó, lượng khách du lịch từ các quốc gia khu vực Trung Đông đến Việt Nam vẫn ở mức thấp do thông tin về du lịch Việt Nam vẫn chưa đến được với thị trường khách du lịch này. Khoảng cách địa lý lớn, chi phí đắt đỏ, khác biệt lớn về văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, tôn giáo, ngôn ngữ giữa hai quốc gia là rào cản khiến sản phẩm du lịch Trung Đông chưa phong phú, chưa được đầu tư, thiếu nguồn hướng dẫn viên nói tiếng Ả Rập, cơ sở hạ tầng phục vụ nhóm khách này còn hạn chế, nhỏ lẻ. Thêm vào đó, một số đường bay thẳng từ TP.HCM-Việt Nam đến Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông vẫn chưa được khôi phục do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhận thức được các thách thức trên, ngành du lịch TP.HCM đang xây dựng kế hoạch ngắn hạn và chiến lược dài hạn với mục tiêu thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch từ Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông. 

Để khắc phục những hạn chế, ngành du lịch TP.HCM xác định cần có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du khách từ Ấn Độ và Trung Đông, do nhóm khách này có những nhu cầu đặc thù liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo. Theo Sở Du lịch TP, dù hiện này TP.HCM đang có một số nhà hàng, khách sạn có các dịch vụ thiết yếu cho khách du lịch Ấn Độ và khách theo đạo Hồi nhưng còn nhỏ lẻ và chưa thực sự chuyên nghiệp. Du lịch Halal sẽ là một trong những ngành du lịch phát triển nhanh nhất thế giới và du khách Halal sẽ là một phân khúc chính của thị trường du lịch khi dân số Hồi giáo được dự báo đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030. Thế nên, Thành phố xác định cần có sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài vào cơ sở hạ tầng với các nhà hàng phục vụ ẩm thực Ấn Độ, ẩm thực đạt chuẩn Halal, các khách sạn, sân bay cần bố trí phòng cầu nguyện… để hấp dẫn được khách du lịch từ thị trường này.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn viên thông thạo tiếng Ả Rập, am hiểu văn hóa và thói quen sinh hoạt của du khách các quốc gia Trung Đông và Ấn Độ cũng là một nhiệm vụ mà ngành du lịch cần phối hợp với các cơ sở đào tạo du lịch tiến hành trong thời gian tới. Thành phố cũng tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông trong việc xúc tiến du lịch hai chiều giữa hai bên... 

THÙY TRANG - HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc