Đại hội Du lịch Golf châu Á 2025:

Cú hích cho du lịch cao cấp tại Đà Nẵng

TẠ DŨNG - NGUYÊN ĐỨC

VHO - Ngành Du lịch TP. Đà Nẵng vừa hoàn tất đăng cai Đại hội Du lịch Golf châu Á 2025, với những chỉ số tăng trưởng tích cực, nhận định tăng điểm định vị thu hút phân khúc khách du lịch cao cấp và có sức chi tiêu cao.

Giải đấu này, Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Du lịch Golf Thế giới tổ chức, với sự tham dự của khoảng 450 đại biểu, trong đó có 350 đại biểu đến từ hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đà Nẵng thăng hạng trong làng golf châu lục

Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, đây là lần thứ hai địa phương tổ chức sự kiện này. Lần đầu tiên vào năm 2017, Đà Nẵng đã có những kết quả rất tích cực về môi trường du lịch golf; và do những ảnh hưởng từ dịch bệnh, việc tái đăng cai đã phải lùi lại đến hôm nay.

Qua sự phối hợp giữa các sở ngành quản lý địa phương, sự kiện golf châu Á 2025 đã diễn ra thuận lợi trong những ngày qua tại Đà Nẵng.

Cú hích cho du lịch cao cấp tại Đà Nẵng - ảnh 1
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Tán Văn Vương chia sẻ thông tin về Đại hội Du lịch Golf châu Á 2025

Với điểm nhấn chính là giải vô địch golf châu Á 2025 và chương trình tổ chức khảo sát sân golf dành cho các đơn vị lữ hành quốc tế về bộ môn này.

Theo ông Peter Walton, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Thế giới, so với năm tổ chức 2017, lần này sự kiện có nhiều tiến bộ. Thay vì chỉ có 4 sân, hiện tại Đà Nẵng đã phát triển 8 sân golf tiêu chuẩn, với nhiều dấu ấn địa hình độc đáo hơn, đều đạt tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế.

Thống kê cho thấy, ảnh hưởng từ sự kiện, năm 2025 Đà Nẵng dự kiến sẽ đạt 410.000 vòng thi đấu golf, vượt xa kết quả năm 2017 là 387.000 vòng golf, cho thấy sức phát triển bộ môn này ở địa phương rất khả quan.

Ông Peter Walton nhấn mạnh, Đại hội Du lịch Golf châu Á thu hoạch 3 giá trị hoạt động cho Đà Nẵng.

Thứ nhất, 168 công ty lữ hành chuyên về du lịch golf đã trải nghiệm thực tế các khu nghỉ dưỡng và sân golf tại đây.

Thứ hai, đã có hơn 4.500 cuộc gặp gỡ được lên lịch giữa các công ty lữ hành quốc tế và các nhà cung cấp dịch vụ du lịch golf; hứa hẹn tạo doanh thu gia tăng cho các điểm đến golf tại châu Á, Việt Nam và riêng ở Đà Nẵng.

Thứ ba, sự kiện đã mời các công ty lữ hành dẫn đầu từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đến dự, là cơ hội để ngành du lịch địa phương mở rộng thị trường.

Ông Tán Văn Vương nhìn nhận, Đại hội Golf đã là cơ hội quảng bá cơ sở hạ tầng và tiềm năng phát triển du lịch golf tại địa phương.

Sự kiện trực tiếp thu hút du khách và doanh nghiệp ngành golf đến Đà Nẵng, khẳng định vị thế “Đà Nẵng – Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á”.

Sự kiện cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch golf Đà Nẵng, Việt Nam kết nối, giao lưu với các đơn vị lữ hành golf quốc tế, góp phần đa dạng hóa hoạt động du lịch của địa phương.

Nhất là, qua sự kiện, Đà Nẵng có thể thu hút thêm phân khúc khách du lịch cao cấp và có sức chi tiêu cao.

Cần những đầu tư chiều sâu để đón làn sóng du lịch golf cao cấp

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cho biết, năm 2017,  ông trực tiếp tham gia tổ chức Đại hội Du lịch Golf châu Á. Lần này ở cương vị phối hợp tổ chức, ông nhận rõ thêm nhiều yêu cầu cần tiếp tục đầu tư chiều sâu của địa phương.

Cú hích cho du lịch cao cấp tại Đà Nẵng - ảnh 2
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, trao đổi thông tin về du lịch golf ở Đà Nẵng

“Định hướng phát triển du lịch chất lượng cao, trong đó có du lịch golf, thông qua việc đăng cai và tổ chức các sự kiện tầm cỡ, như Lễ hội Du lịch Golf, Giải Golf Phát triển châu Á, hay Đại hội Du lịch Golf châu Á… là lựa chọn của thành phố Đà Nẵng.

Trong hướng mở rộng không gian hành chính, dư địa phát triển lĩnh vực này sẽ còn tăng lên nhiều lần. Theo đó, việc đầu tư, tổ chức quy hoạch hiệu quả hơn nữa các hoạt động du lịch golf và du lịch sự kiện là thật sự cần thiết”, ông Bình đánh giá.

Theo ông Tán Văn Vương, cách đặt vấn đề này rất có ý nghĩa đối với tổ chức phát triển không gian, điều kiện môi trường du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới, cụ thể sau khi sáp nhập với tỉnh Quảng Nam về địa giới hành chính.

Cụ thể, với mốc 410.000 vòng golf của năm 2025, có thể thống kê doanh thu từ du khách chơi golf sẽ đạt gần 500 triệu đô la Mỹ, chưa kể các chi tiêu khác quanh mảng du lịch này, có thể tăng 40% giá trị nữa.

Nếu lĩnh vực golf Đà Nẵng mở rộng thêm ra nhiều khu vực khác ở Quảng Nam, có thể hình dung mức độ phát triển doanh thu du lịch địa phương đến thế nào, đó đúng là những con số tăng trưởng lạc quan.

Cú hích cho du lịch cao cấp tại Đà Nẵng - ảnh 3
Các đơn vị lữ hành golf khảo sát

Hơn nữa, hoạt động du lịch sự kiện còn giúp tăng giá trị thương hiệu bản địa, tăng sức quảng bá lịch cùng hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng địa bàn, mở ra nhiều cơ hội hợp tác du lịch golf và du lịch cao cấp cho vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng.

Chỉ riêng tại Đại hội Du lịch Golf lần này, Hiệp hội Du lịch Golf Thế giới vinh danh các sân golf và điểm đến xuất sắc mà các đơn vị lữ hành golf bình chọn.

Theo đó, Đà Nẵng nhận giải Cống hiến dành cho Du lịch Golf (Outstanding Contribution to Golf Tourism), đã là một dấu ấn giá trị cần ghi nhận trong lịch trình phát triển du lịch địa phương.

Những định hướng, quy hoạch du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng, cũng như cả vùng kinh tế miền Trung, cần được đặt ra chi tiết và xác thực hơn.

Trong đó, các tiêu chí đầu tư bền vững về quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch du lịch golf gắn với các giá trị tăng trưởng bất động sản khu vực… sẽ là những vấn đề đáng được các cấp quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đặt lên bàn thảo luận, xem xét.

“Chúng tôi tin rằng, xu thế phát triển kinh tế thế giới, điều kiện hội nhập các giá trị văn hóa, xã hội, địa chính trị ngày càng sâu sắc, thì những bài toán cụ thể về đầu tư các lĩnh vực như du lịch, sản xuất… tại từng vùng lãnh thổ, địa bàn sẽ càng nghiêm túc và mở rộng hơn. Nên hoạt động du lịch văn hóa, du lịch xã hội tại địa phương Đà Nẵng – Quảng Nam và nhiều vùng kinh tế của cả nước, càng cần có thêm nhiều hoạt động xúc tác để chứng minh hiệu quả hơn nữa, ví dụ giải golf châu Á…”, ông Tán Văn Vương bày tỏ.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc