Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng
VHO - Thành công vang dội khi UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông lần thứ hai là một cơ hội vàng để tỉnh phát triển du lịch. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, việc xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với bảo tồn di sản là một nhiệm vụ hết sức cấp bách và cần được ưu tiên hàng đầu.
Danh hiệu cao quý trên đã tạo lợi thế quảng bá hình ảnh địa phương nói riêng, Việt Nam nói chung ra thế giới, lưu giữ những giá trị văn hóa đa dạng, tạo đòn bẩy cho ngành Du lịch tỉnh Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững.
Giá trị văn hóa, lịch sử rất lớn
Trải dài trên diện tích 4.760km2, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long và TP Gia Nghĩa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (Công viên) có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước…
Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học. Vùng đất này cũng lưu giữ nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.
Là một phần của cao nguyên M’Nông nên thơ, hùng vĩ, Công viên là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.
Điểm đặc biệt nhất trong khu vực Công viên là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp-Chư R’Luh, được phát hiện từ năm 2007. Hệ thống hang động núi lửa này đã được Hiệp Hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ…
Trong khu vực Công viên còn có các di sản địa kiểu cổ sinh như các hóa thạch Cúc đá, Sò, Hai mảnh vỏ… để chứng minh thời kỳ này nơi đây còn là một phần của đại dương rộng lớn.
Ngoài ra, còn có các hồ nước tự nhiên đầy thơ mộng như hồ Ea Snô, hồ Tây…được tạo thành từ các sụt võng kiến tạo, các miệng núi lửa độc đáo và đặc trưng như Nâm Blang, Nâm Kar, Băng Mo…và hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ như thác Gia Long, thác Trinh Nữ, Dray Sáp…
Các phát hiện về di chỉ khảo cổ người tiền sử sinh sống trong khu vực hang động núi lửa của Công viên đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước. Kết quả nghiên cứu bước đầu cùng với việc thu thập các di vật khảo cổ có mật độ khá dày đặc, ghi nhận đây là dấu tích văn hóa của cư dân Hậu kỳ Đá mới và Sơ kỳ Kim khí có niên đại (3.500-3.000 năm) cách ngày nay. Các di vật khảo cổ được phát hiện bao gồm đồ đá, đá nguyên liệu và các công cụ đá hình đĩa, rìu ngắn, công cụ mảnh tước, phiến tước, hòn ghè, hòn kê, hòn mài…
Ngoài những nét đặc trưng nêu trên, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông còn là khu vực có bề dày văn hóa, lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh tại Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; di tích cấp quốc gia đặc biệt Đường mòn Hồ Chí Minh và 5 di tích cấp quốc gia khác như Ngục Đắk Mil, Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, Di tích lịch sử lưu niệm N’Trang Gưh, Địa điểm Chiến thắng Đồi 722 – Đắk Sắk, Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ.
Công viên còn là nơi lưu giữ văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, thể hiện rõ nét qua các tín ngưỡng dân gian, các nghi lễ, lễ hội, ngữ văn dân gian, nghệ thuật diễn xướng, các trò chơi dân gian,…những di sản văn hóa cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Cần phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn di sản
Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với bảo tồn di sản địa chất và văn hóa tại Công viên là vấn đề đặt ra và cần thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Mô hình du lịch cộng đồng không chỉ là một công cụ để nâng cao đời sống người dân mà còn là một cách để bảo vệ những giá trị độc đáo của Đắk Nông. Bằng cách mời du khách tham gia vào đời sống thường ngày của cộng đồng, du lịch cộng đồng không chỉ mang lại thu nhập mà còn góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn môi trường và văn hóa địa phương.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, Công viên không chỉ là một di sản địa chất quý giá mà còn là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và tăng cường ý thức cộng đồng.
Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào phát triển các loại hình dịch vụ gắn với du lịch, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong vùng công viên địa chất. Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế trên cơ sở bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, đa dạng sinh học. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch gắn với công viên địa chất. Đồng thời, xúc tiến, quảng bá và xây dựng các chương trình hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài khu vực.
Để du lịch cộng đồng gắn với các giá trị đặc trưng của Công viên địa chất Đăk Nông phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả thì trong thời gian tới, các huyện, thành phố trong vùng công viên địa chất cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, từng bước hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khuyến khích cộng đồng địa phương phát triển du lịch gắn với công viên địa chất. Đồng hành và hướng dẫn người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, nhằm tạo ra sinh kế từ hoạt động du lịch, đặc biệt là đối với cộng đồng các dân tộc sinh sống trong khu vực các điểm đến đã được quy hoạch trên 3 tuyến của công viên địa chất.
Nhận định về những xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng, du khách sẽ tìm đến các khu vực thiên nhiên với sự yên tĩnh, không khí trong lành để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, rèn luyện sức khỏe, chữa bệnh.
Đồng thời, cũng mong muốn trải nghiệm văn hóa một cách sâu sắc hơn. Chính vì thế, du lịch dựa vào cộng đồng sẽ có bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới, vì loại hình du lịch này hướng đến sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, tạo ra sự gắn kết giữa người dân và du khách.