Thanh Hoá:
Công bố 12 tuyến du lịch đi bộ trong rừng tại các huyện miền núi
VHO - Nhằm khai thác tối đa các lợi thế sẵn có của các huyện miền núi trong phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, ngày 7.12, tại huyện Bá Thước, Sở VHTTDL Thanh Hoá đã tổ chức công bố các tuyến du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour) tại các huyện miền núi.
Ở Việt Nam, loại hình du lịch trekking đã phát triển khá thành công tại một số địa phương, ngày càng được ưa chuộng và thịnh hành, mang lại cho du khách cơ hội khám phá vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa đa dạng của các dân tộc và tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời bên người thân.
Bên cạnh đó, loại hình du lịch trekking còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn tự nhiên và phát triển cộng đồng gắn với việc tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân bản địa.
Khu vực các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, trù phú, có địa hình đa dạng, từ những cánh rừng nguyên sinh xanh ngát, những thửa ruộng bậc thang vàng óng mùa lúa chín, đến những dòng suối trong veo, thác nước hùng vĩ nằm ẩn mình giữa các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên rất phù hợp để hình thành những cung đường trải nghiệm từ ngắn ngày, dễ đi, đến những cung đường dài ngày, nhiều thử thách.
Bên cạnh đó, miền núi Thanh Hóa là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với những nét văn hóa độc đáo như Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú, Thổ, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống, phong tục tập quán của người dân địa phương, thưởng thức những món ăn đặc sản và lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ.
Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng núi - rừng, du lịch trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa vùng miền núi xứ Thanh, và là cơ sở để hình thành nên sản phẩm du lịch hết sức độc đáo, mới lạ tại Thanh Hóa vốn được giới trẻ và khách du lịch quốc tế rất yêu thích, đó là loại hình du lịch đi bộ trong rừng – trekking tour.
Theo ông Phạm Nguyên Hông, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hoá, sau thành công của các giải chạy Marathon xuyên rừng Pù Luông và hiệu ứng nổi bật của thương hiệu du lịch Pù Luông đối với du khách trong nước và quốc tế trong thời gian vừa qua, Sở VHTTDL đã phối hợp với các chuyên gia hàng đầu về loại hình trekking của Việt Nam tiến hành khảo sát, xây dựng 12 tuyến trekking trên địa bàn 03 huyện miền núi Thanh Hoá: Bá Thước, Quan Hoá, Thường Xuân nhằm phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
Tại buổi lễ, Sở VHTTDL Thanh Hoá đã công bố 12 tuyến trekking trên địa bàn các huyện Bá Thước, Quan Hoá, Thường Xuân.
Trong đó có 4 tuyến trên địa bàn huyện Bá Thước, gồm: Tuyến trekking đỉnh Pù Luông (1.700m); Tuyến trekking mạo hiểm hòn Con Sói; Tuyến trekking đỉnh Pù Luông - Hòn Con Sói; Tuyến trekking cung đường di sản Pù Luông (Tuyến liên huyện Bá Thước - Quan Hóa).
Huyện Quan Hóa gồm 3 tuyến: Tuyến trekking đỉnh Pù Hu (1.440m); Tuyến trekking cây di sản chò xanh; Tuyến trekking đỉnh Pù Hu - Cây di sản chò xanh.
Huyện Thường Xuân gồm 5 tuyến: Tuyến trekking đỉnh Pù Gió (1.600m); Tuyến trekking thăm cây di sản pơ mu, sa mu; Tuyến trekking ngắm voọc xám và vượn đen má trắng; Tuyến trekking ngắm voọc xám, vượn đen mà trắng và thăm cây di sản pơ mu, sa mu; Tuyến trekking đỉnh Pù Xèo - Thác 7 tầng - Di tích lịch sử Hội thề Lũng Nhai.
Ngoài các tuyến du lịch trên, các tour trekking còn được thiết kế dựa trên nhu cầu, sở thích của khách du lịch.
Phát biêu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Văn Thi đề nghị Sở VHTTDL tiếp tục chủ động tổ chức các hoạt động khảo sát, thiết kế, xây dựng thêm các tuyến trekking mới trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh. Trong đó cần tập trung tăng tính trải nghiệm, sự mạo hiểm, khám phá trong mỗi cung đường trekking, song cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.
Cùng với đó, tăng cường quảng bá, xúc tiến, liên kết tour, tuyến du lịch, đưa khách du lịch về với các huyện miền núi; hỗ trợ bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ hướng dẫn du lịch, đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng sinh tồn... đối với hướng dẫn viên của các tour du lịch mạo hiểm, tour đi bộ trong rừng.
Các huyện Quan Hóa, Thường Xuân, Bá Thước, ban quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên và các khu, điểm du lịch trên địa bàn các huyện miền núi cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành trong việc tổ chức khai thác các tuyến du lịch trekking.
Đặc biệt, cần chú trọng làm tốt công tác quản lý, giám sát và bảo vệ tài nguyên rừng và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Khẩn trương rà soát, bổ sung các biển hướng dẫn nội quy, quy chế trong rừng, đặc biệt trên các cung đường trekking; truyền tải thông điệp đối với khách du lịch: “Không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”.
Đối với các doanh nghiệp khi khai thác tour du lịch trekking cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch tham gia trải nghiệm. Cùng với đó, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các dịch vụ phục vụ khách du lịch; tập trung phát triển và khai thác sản phẩm mới, đáp ứng được xu hướng mới của thị trường.