Chuẩn bị chu đáo cho các sự kiện điểm nhấn của Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025
VHO - Chiều ngày 3.3, Thứ trưởng Hồ An Phong và đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với UBND Thành phố Huế về công tác chuẩn bị các hoạt động chính của Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025.

Năm Du lịch Quốc gia 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới” sẽ có hơn 160 các hoạt động. Trong đó, Bộ VHTTDL và các cơ quan trung ương tổ chức 8 hoạt động, Thành phố Huế tổ chức 62 hoạt động và các tỉnh, thành trong nước tổ chức 102 hoạt động hưởng ứng.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Huế Trần Thị Hoài Trâm cho biết, địa phương đang khẩn trương hoàn thiện các nội dung về kịch bản, sân khấu, các khâu chuẩn bị công tác lễ tân - hậu cần, khách mời và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025.
Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2025 được tổ chức vào tối 25.3 tại sân khấu ven bờ sông Hương (ở khu vực Bia Quốc Học). Sâu khấu được xây dựng trên mặt nước và trên bờ, chương trình biểu diễn bán thực cảnh với kết hợp với màn hình nước, visual mapping, sắp đặt âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng hỏa thuật...

Chương trình nghệ thuật tại đêm khai mạc với chủ đề chung là “Lời tự tình của dòng sông”, nội dung về dòng sông kể chuyện và dòng sông kết nối các vùng di sản văn hóa. Điểm nhấn là sông Hương và mở rộng ra các con sông nổi tiếng theo dọc chiều dài đất nước Việt Nam.
Đồng thời, những di sản văn hóa, tinh hoa ẩm thực của xứ Huế cũng được quảng bá qua các tiết mục biểu diễn và nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng...
Theo dự kiến, sẽ có các đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc Uzbekistan tham gia biểu diễn tại chương trình khai mạc. Đến nay, việc đấu thầu về gói âm thanh ánh sáng, sân khấu, khán đài đã hoàn thành. Hiện địa phương đang mở gói thầu của chương trình nghệ thuật.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thành phố Huế cho biết, có nhiều hoạt động văn hóa sẽ được Sở và các đơn vị, địa phương tại Huế tổ chức trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia 2025.
Có 2 hoạt động Sở VHTT sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ VHTTDL tổ chức. Trong đó, triển lãm “Không gian du lịch, di sản văn hóa và danh thắng Việt Nam” năm 2025, hiện đã có 21 tỉnh, thành tham gia...

UBND Thành phố Huế kiến nghị Bộ VHTTDL hỗ trợ địa phương trong công tác tổ chức một số hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia 2025, như: Lễ hội Văn hóa - Du lịch và chương trình giới thiệu du lịch, ẩm thực, làng nghề Việt Nam kết nối doanh nghiệp tại thị trường Châu Âu; Hội nghị quốc tế về các ngành công nghiệp văn hóa - nền tảng phát triển du lịch bền vững và các hoạt động bên lề.
Cùng với đó là chuỗi các hoạt động: Lễ hội ẩm thực Huế giao lưu bốn phương; Hội thi đầu bếp giỏi quốc gia năm 2025; Tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế khảo sát điểm đến Huế và Hội nghị quốc gia về du lịch Net Zero...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh: Bộ VHTTDL luôn đồng hành cùng Thành phố Huế tổ chức tốt các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia 2025. Địa phương phải đặt rõ mục tiêu cho Năm Du lịch Quốc gia, phải thành công tạo dựng và lan tỏa thương hiệu du lịch Huế; đột phá về số lượng khách đến Huế; đặc biệt, phải có sản phẩm mới, đường bay mới, liên kết mới...
Thứ trưởng Hồ An Phong lưu ý các nội dung chuẩn bị cho những chương trình điểm nhấn, gồm: Chương trình khai mạc, Hội thảo quốc tế và phát triển công nghiệp văn hóa; hoạt động giới thiệu, quảng bá Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025 tại Châu Âu; Bế mạc Năm Du lịch Quốc gia 2025...

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã có những ý kiến đóng góp trong công tác tổ chức các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025. Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho biết: Hội nghị quốc tế về các ngành công nghiệp văn hóa sẽ do Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với Thành phố Huế và các đơn vị liên quan tổ chức.
Dự kiến, Ban Tổ chức sẽ mời khoảng 300 đại biểu, có lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, tỉnh, thành, doanh nghiệp... Đồng thời, Bộ cũng mời các tổ chức quốc tế, như: đại diện UNESCO, tổ chức du lịch của Liên hợp quốc, Hội Lữ hành thế giới, đại diện các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản...
Theo dự kiến thời gian tổ chức vào tháng 6.2025, Cục Bản quyền tác giả đang xây dựng kế hoạch để trình lãnh đạo Bộ thống nhất, lựa chọn thời gian phù hợp.

Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Nguyễn Anh Vũ nêu ý kiến: Trong công tác tổ chức của địa phương, đầu mối tuyên truyền là Sở TT&TT, nhưng hiện đã thực hiện sáp nhập. UBND Thành phố Huế cần sớm thông báo về việc phân công đầu mối truyền thông cho Năm Du lịch Quốc gia 2025 đến các cơ quan báo chí nói chung và Báo Văn Hóa nói riêng để thuận lợi cho công tác tuyên truyền.
Năm Du lịch Quốc gia 2025 là sự kiện lớn, địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông hơn nữa. Thành phố Huế có thể xin ý kiến Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tổ chức một chuyên đề để thông tin về Năm Du lịch Quốc gia 2025 tại kỳ giao ban báo chí hàng tuần, nhằm có định hướng tuyên truyền sâu hơn.
“Với tư cách là cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL, Báo Văn Hóa cam kết sẽ đồng hành với các sự kiện của Năm Du lịch Quốc gia 2025. Địa phương có định hướng tuyên truyền chuyên sâu, báo chí đa nền tảng, thì có thể giao Sở Du lịch, Sở VHTT trao đổi với Báo Văn Hóa để phối hợp triển khai, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc” - ông Nguyễn Anh Vũ cho biết.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, công tác truyền thông, quảng bá là vô cùng quan trọng, cần đi trước một bước. Địa phương đã thông qua logo và sologan của Năm Du lịch Quốc gia 2025 với “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới”, cần đẩy mạnh truyền thông, xuất hiện nhiều hơn trên các ấn phẩm, các nền tảng...

Các nội dung, hoạt động, sự kiện gắn với Năm Du lịch Quốc gia đều phải được thông tin liên tục và các đơn vị lữ hành, các đối tác bán tour gắn liền với sự kiện.
“Hiện nay, thực hiện chương trình kích cầu của Du lịch Việt Nam năm 2025, chúng tôi cũng đang trình lãnh đạo Bộ yêu cầu các địa phương thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ; xây dựng các gói kích cầu để quảng bá trên trang kích cầu ngành du lịch 2025, trong đó có Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025”- ông Hà Văn Siêu thông tin.
Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, trong Ban Tổ chức của Năm Du lịch Quốc gia 2025 có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong nước. Thành phố Huế cũng cần chủ động có ý kiến để các địa phương, Bộ, ngành quan tâm lan tỏa về Năm Du lịch Quốc gia 2025 và tạo điều kiện kết nối, tổ chức các chương trình sự kiện tại Huế.
Theo NSND Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nên nghiên cứu để nhiều “đặc sản” của Huế về ẩm thực, về văn hóa, nghệ thuật... xuất hiện tại đêm khai mạc. Đồng thời, cần bố trí các tiết mục biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế và trong nước một cách phù hợp, tạo sự đan xen giao lưu văn hóa nhưng vẫn làm nổi bật được giá trị di sản văn hóa Huế.

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cho biết, thời gian qua, nhiều chương trình với sự góp mặt của các nghệ sĩ trẻ trong nước đã thu hút rất đông khán giả trẻ. Các chương trình, hoạt động văn hóa - du lịch tại Huế nên cân nhắc có thể mời thêm các ca sĩ trẻ đang hot, góp phần tạo sức lan tỏa, thu hút khách về Huế...
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Huế cho biết, địa phương đang xây dựng đề án “Phát triển du lịch, dịch vụ du lịch Thành phố Huế giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, lấy mốc Năm Du lịch Quốc gia 2025 là điểm mở đầu.
Thành phố Huế đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động, sự kiện của Năm Du lịch Quốc gia gắn với Festival Huế 2025. Sau chương trình khai mạc sẽ là chuỗi các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch hấp dẫn, được tổ chức nối tiếp nên cũng cần Bộ cho ý kiến và thống nhất thời gian sớm địa phương chủ động.
“Đêm khai mạc, sân khấu thực cảnh với hướng là không gian mở, khán đài có sức chứa khoảng 5.500 chỗ. Khi chọn địa điểm ven sông Hương, chúng tôi đã cân nhắc và thận trọng, để sân khấu phù hợp với cảnh quan, không làm ảnh hưởng đến dòng sông di sản nổi tiếng của Huế” - ông Nguyễn Thanh Bình nói.
Lãnh đạo UBND Thành phố Huế cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của đại diện cơ quan báo chí của Bộ VHTTDL và các đơn vị của Bộ để giao cho công tác cho Sở VHTT và Sở Du lịch triển khai.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ An Phong yêu cầu địa phương sớm chỉnh lại bộ nhận diện thương hiệu thành các sản phẩm truyền thông, phù hợp trên các nền tảng, các hình thức thể hiện, chú ý phù hợp trên các nền tảng số.
Về chương trình khai mạc, cơ bản nhất trí phương án của Huế. Thứ trưởng đánh giá cao sự chuẩn bị rất chu đáo, kịch bản có nghề của đơn vị chuyên môn. Chương trình nghệ thuật có yếu tố trong nước và quốc tế, có yếu tố của riêng Huế...; tuy nhiên lưu ý đừng để sa đà vào yếu tố nước nước ngoài mà phải đọng lại dấu ấn văn hóa Việt Nam mà nổi bật là văn hóa Huế.
Qua đó, tôn vinh bản sắc văn hóa Huế - trung tâm du lịch và công nghiệp văn hóa lớn của Việt Nam; nâng tầm vóc của vận hội mới của Thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Việt Nam đang vươn mình vào kỷ nguyên mới.
Các hoạt động liên quan đến xúc tiến ở thị trường Châu Âu, hội nghị về du lịch Net Zero, đoàn khảo sát du lịch của các hãng lữ hành trong nước và quốc tế..., ngành du lịch Huế cần tranh thủ cơ hội, chuẩn bị chu đáo, kết nối với các doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả.
Đối với Hội nghị quốc tế về các ngành công nghiệp văn hóa - nền tảng phát triển du lịch bền vững, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng: dự kiến ban đầu sẽ tổ chức cùng dịp khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2025, tuy nhiên để chương trình thực sự bài bản, hiệu quả, “ra tấm ra món” nên Bộ sẽ chọn thời gian khác phù hợp. Thành phố Huế cũng cần xây dựng và giới thiệu sản phẩm công nghiệp văn hóa ban đêm trong dịp này để quảng bá và lan tỏa.