Cảnh báo rủi ro từ mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” (Bài​​​​​​​ 2): Nhiều người nhận “quả đắng”…

VHO- Nhận thông báo tăng phí thường niên cao bất thường; không được đặt phòng khi đã đóng 100% tiền mua kỳ nghỉ 35 năm; không được cung cấp báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán…, nhiều chủ sở hữu kỳ nghỉ của Công ty TNHH V.T.Đ (Công ty V.T.Đ) cay đắng phải gửi đơn thư khắp nơi để kiến nghị khẩn.

Cảnh báo rủi ro từ mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” (Bài​​​​​​​ 2): Nhiều người nhận “quả đắng”… - Anh 1

 Khu nghỉ dưỡng A tại Cam Lâm (Khánh Hòa)

 Ngày 29.5 vừa qua, các bà N.T.M.N (Ba Đình, Hà Nội) đã gửi đơn kiến nghị khẩn thiết đến các cơ quan chức năng và các địa phương liên quan đến việc công ty này tăng phí thường niên quá cao gây thiệt hại cho khách hàng và có dấu hiệu áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng vi phạm luật cạnh tranh 2018.

Đơn kiến nghị khẩn thiết liên quan đến V.T.Đ

Bà N.T.M.N cho biết: “Tháng 4.2018, tôi có mua 1 tuần nghỉ căn F26 với Công ty V.T.Đ tại khu nghỉ dưỡng A (Bãi Dài, Cam Ranh, Khánh Hòa) thông qua hợp đồng số PBRC-H-029084. Khi mua, tôi có xem xét đến yếu tố quan trọng là phí thường niên. Tháng 9.2022, Công ty V.T.Đ đột nhiên tăng phí thường niên tạm thu năm 2022, 2023 cao bất thường với nhiều căn, trong đó có căn F, từ 9,6 triệu lên 16,4 triệu đồng. Trong khi đó, căn A lại hạ từ 7,5 triệu đồng xuống 4,9 triệu đồng và căn B từ 8,2 triệu đồng xuống 7,6 triệu đồng”.

“Việc tăng phí này hoàn toàn theo chủ ý từ V.T.Đ, không hề tham khảo cũng như cung cấp lý do xác đáng cho người mua. Vì vậy, tôi có lý do nghi ngờ rằng V.T.Đ đã tăng phí thường niên của các căn biệt thự đã bán hết, trong đó có căn F và giảm phí thường niên ở các căn còn tồn nhiều là các căn hộ A,B với mục đích câu khách mua căn A,B”, bà N.T.M.N phân tích. Việc này gây ra nhiều tổn thất lớn cho những người đã mua căn F. Chủ sở hữu như bà N.T.M.N thiệt hại 6,8 triệu đồng/năm. Chỉ với các căn F, phía V.T.Đ đã thu tăng hơn 360 triệu đồng/năm. Với khoảng 80 căn biệt thự G,F, phía V.T.Đ thu tăng đến hơn 40 tỉ đồng/năm cho phí duy trì, chưa kể căn C,D,E,H cũng tăng tương tự. V.T.Đ cũng đang yêu cầu các chủ sở hữu năm 2022, 2023 phải nộp một khoản phí thường niên lên đến 250 tỉ đồng mỗi năm để vận hành khu du lịch. Trong khi đó, đến 31.12.2022 báo cáo kiểm toán chi phí vận hành khu du lịch A năm 2021 vẫn chưa có. Bà N.T.M.N đặt nghi vấn: “Không biết bao nhiêu tiền trong số đó thực tế dùng để chi cho việc vận hành những tuần nghỉ của chúng tôi. Công ty V.T.Đ còn đơn phương không cho tôi đặt phòng tuần 26 với căn F của tôi khi tôi đã hoàn thành 100% tiền (trên 500 triệu đồng) mua kỳ nghỉ 35 năm từ lâu và đã đóng đầy đủ trước 2 năm phí thường niên năm 2020, 2021”.

Bà N.T.M.N đã gửi email phản đối việc tăng phí vô lý này và đề nghị V.T.Đ cung cấp lý do xác đáng, tuy nhiên, phía V.T.Đ không làm được việc này. Qua đó cũng cho thấy, V.T.Đ đã lợi dụng quyền quản lý khu du lịch để đơn phương, tuỳ tiện nâng giá phí thường niên khiến cho các chủ sở hữu thực sự của khu du lịch không thể vào nghỉ tại kỳ nghỉ mà mình đã mua đứt 35 năm (toàn bộ thời gian mà V.T.Đ được thuê đất) nếu như không chấp nhận mức phí vô lý mà V.T.Đ áp đặt. Bà N.T.M.N còn tố, những chủ sở hữu tuần nghỉ của khu du lịch V.T.Đ đa số đều bị những nhân viên bán hàng của V.T.Đ lừa gạt “mua tuần nghỉ với mức giá cao ngất ngưởng để sau này được V.T.Đ cho thuê lại”.

Tuy nhiên, việc “được V.T.Đ cho thuê lại” 3 năm qua không hề xảy ra dẫn đến có rất nhiều chủ sở hữu (đa phần là người đã về hưu) bị lừa gạt bỏ nhiều tỉ đồng mua hàng chục tuần nghỉ để rồi hằng năm phải đóng một khoản phí thường niên hàng trăm triệu đồng, và mòn mỏi chờ đợi bộ phận cho thuê của V.T.Đ ra đời trong vô vọng

Bị phạt vì cung cấp thông tin không chính xác

Năm 2022, trên cơ sở tiếp nhận một số khiếu nại của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) đã tiến hành thanh tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Công ty TNHH V.T.Đ và đã ban hành Quyết định số 300/QĐ-XPVPHC ngày 28.12.2022 xử phạt vi phạm hành chính đối với khu nghỉ dưỡng đối với hai hành vi: “Cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho người tiêu dùng và sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có cỡ chữ nhỏ hơn quy định. Đến nay, đơn vị vẫn đang trong quá trình thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là: “Buộc cải chính thông tin đối với hành vi cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho người tiêu dùng”.

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng khi đó cảnh báo về một số điều khoản trong hợp đồng chưa phù hợp với pháp luật Việt Nam tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng A. Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản ngày càng nở rộ các chiêu thức dụ khách hàng gây thiệt hại cho người mua. Theo phản ánh của nhiều khách hàng, một số dự án đang biến tướng từ mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ” thành hút tiền đa cấp. Người mua kỳ nghỉ dưỡng không có quyền chuyển nhượng cũng không có quyền linh hoạt sử dụng. Nếu như bản chất của “Sở hữu kỳ nghỉ” là mang đến cho người tiêu dùng những kỳ nghỉ đúng nghĩa thì một số chủ đầu tư lại chỉ tập trung vào tâm lý đầu tư “lướt sóng” đầy rủi ro. Chất lượng dịch vụ của loại hình này cũng không đáp ứng được cam kết.

Có những khách hàng đã thanh toán nhiều đợt cho phía doanh nghiệp với trị giá lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng nhưng họ vẫn chưa được sử dụng dịch vụ kỳ nghỉ như doanh nghiệp đã cam kết. Khi cảm thấy không hài lòng hay thậm chí cảm thấy là mình đã bị lừa, khách hàng muốn chấm dứt hợp đồng và hoàn trả lại tiền thì thường bị doanh nghiệp gây khó dễ và tìm cách trì hoãn. Theo đại diện Tổng cục Du lịch, thời gian qua đã có hơn 140 chủ sở hữu kỳ nghỉ tại khu nghỉ dưỡng V.T.Đ gửi đơn thư kiến nghị tới Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL phản ánh cùng nội dung: Công ty V.T.Đ tăng mức phí duy trì (phí thường niên) quá cao gây thiệt hại cho khách hàng; áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng, vi phạm luật cạnh tranh 2018.

Các đơn thư gửi tới nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có Tổng cục Du lịch. Các chủ “Sở hữu kỳ nghỉ” của V.T.Đ kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét toàn diện sự việc của Công ty V.T.Đ; kiểm tra báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán các năm 2020, 2021, 2022; kiểm tra việc phân bổ các chi phí vận hành cho các chủ sở hữu một cách hợp tình, hợp lý; bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng Việt Nam. 

 Theo đại diện Tổng cục Du lịch, thời gian qua đã có hơn 140 chủ sở hữu kỳ nghỉ tại khu nghỉ dưỡng A gửi đơn thư kiến nghị tới Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL phản ánh cùng nội dung: Công ty V.T.Đ tăng mức phí duy trì (phí thường niên) quá cao gây thiệt hại cho khách hàng; áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng, vi phạm luật cạnh tranh 2018.

NGUYỄN ANH

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc