Cần “dẹp” những hình ảnh làm xấu du lịch Huế

VHO- Khi lượng khách đến Huế tăng mạnh trở lại thì cũng xuất hiện nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Đó là nạn chèo kéo, chặt chém, và “cò” du lịch đang quay trở lại, dù đó là số ít nhưng lại làm phiền lòng không ít du khách.

Cần “dẹp” những hình ảnh làm xấu du lịch Huế - Anh 1

Xích lô du lịch Huế chèo kéo khiến nhiều du khách phiền lòng

 Như Văn Hóa đã có bài Vấn nạn xích lô du lịch tại TP Huế: Không để “con sâu làm rầu nồi canh”, phản ánh về thực trạng nhiều xích lô du lịch có dấu hiệu lừa khách, chặt chém, chèo kéo… Tình trạng này tiếp tục được chúng tôi “trải nghiệm” khi vừa dẫn du khách là người thân tham quan tại Huế.

Một số xích lô đón khách theo kiểu tranh giành, khi không nhận được khách thì có thái độ khó chịu và lớn giọng chửi bới. Phần lớn đó là những xích lô hành nghề tự do. Không chỉ có sự chêch lệch về giá, mà cách “đón tiếp” nhiều xích lô tự do cũng khiến du khách cảm thấy phiền lòng, ảnh hưởng đến những người hành nghề xích lô thuộc Nghiệp đoàn xích lô du lịch. Chèo kéo, cạnh tranh không lành mạnh, và “dẫn mối” khách cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng lưu niệm…, các cá nhân hành nghề xích lô đã làm xấu xí môi trường du lịch Huế.

Theo bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội tại Huế, để quản lý tình trạng “xích lô dù” thì chính quyền địa phương cần có quy định mức giá cụ thể, rõ ràng căn cứ theo thời gian chở khách (1 giờ, 2 giờ…); mức giá ở nội thành, ngoại thành. Sớm ban hành và niêm yết công khai giá do Nghiệp đoàn xích lô du lịch Huế đề xuất, và dán bảng giá trên mỗi xe, giúp du khách yên tâm hơn khi chọn lựa dịch vụ. Quan trọng hơn là triển khai việc dán “tem” trên những xe đảm bảo đủ điều kiện hoạt động phục vụ du lịch, giúp cho các tài xế xích lô chân chính không bị ảnh hưởng, và sống được với nghề.

“Riêng về phía Hội Lữ hành tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyên truyền trên các trang truyền thông của ngành, khuyến cáo du khách nên chọn lựa những xe có tem, có logo của Nghiệp đoàn xích lô du lịch Huế để trải nghiệm dịch vụ”, bà Công Lý nói.

Lượng khách du lịch đến Huế tăng trưởng trở lại thì tình trạng “cò” du lịch ở chợ Đông Ba cũng là vấn đề nhức nhối. Ban Quản lý chợ Đông Ba đã có thông báo đến đông đảo tiểu thương và cộng đồng, du khách để tránh tình trạng mua hàng bị “hớ” do các “cò” này dẫn mối. Đồng thời, kêu gọi các tiểu thương không vì lợi nhuận tức thời mà tiếp tay cho “cò”, chèo kéo du khách làm xấu hình ảnh của chợ, ảnh hưởng đến du lịch địa phương và những hộ kinh doanh làm ăn chân chính.

Cần “dẹp” những hình ảnh làm xấu du lịch Huế - Anh 2

 Fanpage của Ban Quản lý chợ Đông Ba, TP Huế thông báo và khuyến cáo đến các tiểu thương, cộng đồng du khách về tình trạng “cò” du lịch

Lãnh đạo Sở Du lịch cũng thừa nhận xuất hiện tình trạng “cò” du lịch ở khu vực chợ Đông Ba, song khi cơ quan chức năng lập tổ công tác kiểm tra thì gần như các “cò” lặn mất bởi nhóm người này đã biết mặt của các cán bộ công an, ngành du lịch, chính quyền địa phương… Muốn xử lý nhóm người này thì cần phải có chứng cứ. Hiện nay, Sở Du lịch đang phối hợp với Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh (Hue-S) để theo dõi qua hệ thống camera các hình ảnh có dấu hiệu vi phạm; đồng thời, khuyến khích, vận động người dân chứng kiến tình trạng “cò” du lịch có thể quay lại clip của những người vi phạm để có hình thức, cơ sở xử lý.

Ông Trần Thanh Tú, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Tú Trần, TP Huế cho rằng, để giải quyết quyết liệt hơn thì TP Huế nên cấp mã số định vị cho cho mỗi xích lô, thuyền du lịch trên sông Hương. Đây được xem như mã số hành nghề, và cũng giúp cho đơn vị quản lý kịp thời nhận được phản ánh của du khách để có hướng xử lý phù hợp. Ngoài ra, cần nhanh chóng thành lập Ban phản ứng nhanh về du lịch, trực thuộc UBND TP Huế, chuyên về kiểm tra xử phạt các đối tượng cò mồi, bắt chẹt, chèo kéo du khách ở các điểm tham quan du lịch của địa phương, kể cả các cơ sở bán hàng lưu niệm cho khách.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch, hiện Sở và các đơn vị liên quan đang nghiên cứu thành lập Đội phản ứng nhanh về du lịch để xử lý các vấn đề ảnh hưởng đến môi trường du lịch của địa phương. Đội phản ứng nhanh không chỉ có lực lượng của các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn có sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch để cùng “bắt tay” chấn chỉnh và làm sạch môi trường du lịch cho địa phương.

Dự kiến trong tháng 8 này, UBND TP Huế sẽ phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị nhằm có các giải pháp mạnh để chấn chỉnh những vấn đề tiêu cực, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, lành mạnh. 

 THÙY AN - MINH NGỌC

Ý kiến bạn đọc