Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng đón khách dịp Quốc khánh 2.9
VHO - Dịp lễ Quốc khánh 2.9 năm nay kéo dài 4 ngày (từ 31.8- 23.9), nhiều địa phương đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động, sự kiệnvăn hoá, thể thao và du lịch để thu hút và phục vụ du khách.
Thừa Thiên Huế: Xu hướng trải nghiệm văn hóa và khám phá thiên nhiên
Trong dịp lễ Quốc khánh 2.9 năm nay, ngành hàng không và đường sắt đều tăng tàu, tăng chuyến bay để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đường sắt Việt Nam có chính sách giảm giá vé cho khách đoàn và khách lẻ nên đã thu hút lượng lớn khách hàng mua vé từ sớm.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, với các chính sách này, dự báo lượng khách chọn phương tiện tàu hỏa đến và đi từ Huế sẽ tăng mạnh, dự tính có khoảng 13.000 khách đến và đi tại ga Huế.
Riêng đoàn tàu du lịch “Kết nối Di sản miền Trung” (Huế - Đà Nẵng và ngược lại) đã có 3.500 khách đăng ký trong dịp nghỉ lễ này. Cùng với đó, từ 28.8 đến 3.9, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài cũng sẽ có khoảng 330 chuyến bay đi và đến, với khoảng 59.400 lượt khách.
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, trong dịp lễ Quốc khánh, dự kiến sẽ có khoảng 120.000 lượt khách đến Huế, tăng 22,4% so với cùng kỳ; doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 132 tỉ đồng. Dự báo, lưu trú dự báo đạt 48.000 lượt, tăng 31,3%; trong đó có khoảng 16.500 lượt khách quốc tế. Công suất buồng phòng bình quân của các khách sạn đạt khoảng 64%; riêng các ngày 31.8 và ngày 1.9, nhiều cơ sở lưu trú đạt trên 80%.
Hầu hết các khách sạn ở trung tâm TP. Huế; các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển, đầm phá và suối thác, các homestay trên địa bàn TP. Huế, huyện Phú Lộc và huyện A Lưới gần như đã đạt tối đa trong các ngày 31.8 và 1.9. Các khách sạn nghỉ dưỡng trên địa bàn đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm ẩm thực và sản phẩm nghề thủ công truyền thông địa phương tại chỗ dành cho du khách.
“Xu hướng của du khách trong dịp lễ này là đi theo nhóm gia đình bằng phương tiện ô tô cá nhân và tàu hỏa, có nhu cầu nghỉ ngơi trải nghiệm khám phá văn hóa và thiên nhiên địa phương”, ông Nguyễn Văn Phúc nhận định.
Trao đổi với Báo Văn Hóa, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin: chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa tại những điểm di tích để phục vụ du khách.
Đặc biệt, trong ngày lễ 2.9, trung tâm sẽ mở cửa đón khách tham quan miễn phí ở các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Để đảm bảo an toàn, thuận lợi cho du khách trong những ngày lễ, đơn vị cũng chuẩn bị phương án bán vé và điều tiết, phân luồng du khách ở những điểm tập trung đông đúc du khách.
Trong dịp lễ này, nhiều hoạt động văn hóa thể thao cũng sẽ phục vụ cộng đồng địa phương và du khách, như: chương trình “Hue Jogging - Cùng chạy vì cộng đồng” sáng 1.9; Giải đua ghe truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế trên sông Hương vào sáng 2.9; các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại phố đi bộ Hoàng thành Huế vào các đêm cuối tuần…
Các địa phương lên kế hoạch đón du khách Quốc khánh 2.9
Dịp 2.9, tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức hàng loạt hoạt động vui chơi, chương trình giải trí, lễ hội âm nhạc dành cho du khách. Tại NovaWorld Phan Thiet sẽ diễn ra các sự kiện Best In Swimsuit - Miss Universe Vietnam 2024, Lễ hội té nước, biểu diễn âm nhạc pháo hoa nghệ thuật với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng… phục vụ miễn phí du khách.
Dịp này, Sở VHTTDL Bình Thuận cũng có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý du lịch trên địa bàn. Trong đó, chú trọng ứng xử văn hóa với du khách, đẹp cảnh quan các tuyến đường dẫn đến những khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra về giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông… Đảm bảo môi trường du lịch, dịch vụ lưu trú… ở các khu, điểm đến tại địa phương. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng “chặt chém”, lừa gạt du khách, chèo kéo, quấy nhiễu… khách du lịch. Tăng cường công tác cứu hộ tại các bãi tắm ven biển, điểm du lịch mạo hiểm.
Dự báo lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương dịp Lễ 2.9 sẽ tăng cao, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có kế hoạch tiếp đón, phục vụ du khách chu đáo; đặc biệt là chấp hành các quy định đối với kinh doanh du lịch.
Thanh tra Sở Du lịch sẽ tăng cường kiểm tra các quy định pháp luật trong hoạt động phục vụ khách du lịch để đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh và thân thiện. Kịp thời chuẩn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm liên quan.
Đảm bảo nghỉ lễ an toàn
Mới đây, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng ban hành văn bản số 1877/CDLQGVN-VP gửi Sở Du lịch; Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo các hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định, đây là dịp để người dân, du khách trong cả nước đi tham quan, du lịch, đồng thời cũng là cơ hội để ngành Du lịch cùng các địa phương kích cầu du lịch, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường.
Nhằm chuẩn bị các điều kiện phục vụ khách du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị Sở Du lịch; Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn quản lý. Kiểm tra, kiểm soát chất lượng của các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.
Tại các khu, điểm du lịch có dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước và phương tiện vận chuyển khách du lịch nghiêm túc thực hiện giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, nhất là đường thủy nội địa. Các doanh nghiệp lữ hành tuyệt đối không sử dụng các phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo an toàn để phục vụ khách tham quan du lịch.
Chủ động tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp nghỉ lễ; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; giới thiệu sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2024 với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”.
Xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch tại đơn vị; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng chống ngộ độc thực phẩm; bố trí cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Chấp hành quy định pháp luật về giá, tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; không để xảy ra tình trạng tuỳ tiện nâng giá, chèo kéo, ép khách, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của địa phương và du lịch Việt Nam nói chung. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch; bố trí đủ nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ khách.
Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khách du lịch nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và bảo đảm quy định về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; tổ chức tuyên truyền rộng rãi về những điểm đến hấp dẫn tại địa phương, các sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách.