Bình yên trải nghiệm sinh hoạt đời thường ở chợ nổi Ngã Năm
VHO - “Lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác dậy sớm đi ghe ra chợ nổi và ngắm nhìn cuộc sống đầy sinh động dọc theo hai bên bờ sông Phụng Hiệp, ta nói nó mê!” là chia sẻ của một khách du lịch tại Hà Nội khi tham quan chợ nổi ở xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.
Trên trang facebook cá nhân, chị khách viết: Ngày xưa chưa có đường lộ thì người dân Miền Tây di chuyển bằng ghe thuyền là chính, nay có đường lộ rồi thì họ bớt đi đường sông hơn. Chợ nổi cũng vì thế mà chuyển lên bờ và tạo thành các khu chợ đầu mối vô cùng tấp nập.
Người dân ở xứ này sống hồn hậu và đơn giản lắm. Nhà cửa cũng không có gì cầu kỳ, thậm chí họ xây cái cổng nhưng không xây tường bao quanh luôn. Hiếm hoi lắm mới thấy cái nhà hai tầng, còn lại đều là nhà một tầng nhỏ với vườn cây to oành trồng cam, quýt, nhãn, sầu riêng đủ cả...
Ngoài ra người ta còn trồng nấm rơm nữa, đi một khúc lại thấy rơm được rải thành luống theo từng ụ cạnh sông để trồng nấm. Quá ư là trù phú!
“Đợt này em đi Chợ nổi Ngã Năm Sóc Trăng, mọi trải nghiệm đều do Út Thuỷ sắp xếp rất chu đáo và mến khách lắm luôn! Mùa này nước dâng cao, cá tôm về nhiều, rau củ quả tươi tốt, đi Mekong là đúng bài rồi các bác ạ. Mưa thì có áo mưa, chứ không mưa thì sông ngòi làm gì có nước, phù sa không về thì làm gì có một Mekong trù phú và giàu đẹp như thế”, nữ du khách chia sẻ.
Ngắn gọn như thế thôi nhưng đã bao hàm một miền quê thanh bình, trù phú và mát mắt khiến những cư dân ưa dịch chuyển chỉ muốn xách ba lô lên và đi. Theo chị, Từ TP.HCM bắt xe khách Phương Trang là đi thẳng đến Ngã Năm luôn, hơn 3 tiếng: “Khoẻ re! Út Thuỷ nấu ăn siêu ngon mà lại còn có vườn cây ăn quả đi mỏi chân không hết nữa cơ”.
Út Thuỷ là cách gọi thân mật của chị khách đối với bà Nguyễn Thị Long Thuỷ (sinh năm 1067, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng). Ở xã Hưng Phú, cái tên Út Thuỷ được gắn với homestay Chợ nổi Ngã Năm, bởi bà là một trong những người đầu tiên của xã dám bỏ tiền tỉ ra đầu tư xây dựng homestay để thu hút khách du lịch theo sự động viên, khuyến khích của huyện và xã.
Nhớ lại những ngày khởi đầu, bà Nguyễn Thị Long Thuỷ cho biết, trong lần khảo sát về du lịch nông thôn của huyện Mỹ Tú, các cán bộ khen địa hình của gia đình bà đẹp nên đã động viên gia đình xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch. Sau đó bà được mời tham gia các tập huấn về du lịch. Cứ được mời là bà tham gia, lúc đó bà mới biết thế nào là kinh doanh du lịch, là dịch vụ, là khai thác tiềm năng thiên nhiên của địa phương để thu hút khách, phát triển kinh tế gia đình…
Đến đầu năm 2019, gia đình bà bắt đầu đầu tư để xây dựng homestay Chợ nổi Ngã Năm. Nhưng không may, dịch Covid- 19 ập đến khiến homestay bị đóng cửa, thị trường du lịch trong nước và nước ngoài ảm đảm, khiến suốt những năm 2022 – 2023, du khách đến với homestay khá èo uột, chỉ khoảng 200 lượt khách.
Sang năm 2024, mới có thể tạm gọi là khởi sắc của homestay khi đón 400 – 500 lượt khác từ 8 quốc gia trên thế giới như Pháp, Ý, Đức, Mỹ, Nhật, Thuỵ Sĩ, Anh… “Chắc chắn năm 2025 sẽ đông hơn vì đến nay đã có 40 đoàn du lịch đặt phòng ở homestay chúng tôi”, bà Út Thuỷ phấn khởi khoe.
Theo bà chủ homestay Chợ nổi Ngã Năm, du khách chủ yếu là người nước ngoài. Khi đến trải nghiệm các hoạt động du lịch ở đây họ rất thích thú. Không màu mè, không các lễ nghi, các hoạt động du lịch ở đây chính là những sinh hoạt, lao động đời thường của người dân trong xã, đó là ngồi ghe đi chợ nổi, tham quan và chứng kiến người dân làm bánh phồng mỳ, bó chổi, thu hoạch nấm… Khi ở homestay họ cũng không ăn sơn hào hải vị mà là những món ăn đồng quê từ những sản vật của địa phương như nấm xào, gỏi cuốn, tép đồng chiên bột, , tôm, cá tươi… Những hoạt động này chắc chắn không chỉ sự khám phá của khách du lịch nước ngoài mà còn là hấp dẫn đối với du khách trong nước.
Cũng theo bà Thuỷ, homestay Chợ nổi ngã Năm hiện chỉ có 1 phòng cộng đồng dành cho 20 người, cùng với chi phí ăn uống thì bà thu về khoảng 450.000 – 500.000 đồng/người bao gồm ở và ăn uống. Mặc dù nhu cầu ở phòng riêng là khá nhiều nhưng với số lượng khách như hiện nay cùng với giá cả khiến bà chưa dám mạnh dạn đầu tư để phát triển.
Phát triển du lịch nông thôn đang là chủ trương của tỉnh Sóc Trăng nói chung và huyện Mỹ Tú nói riêng. Những năm qua, huyện Mỹ Tú đã đạt được nhiều kết quả trong việc phát huy và khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương. Đó là Cụm du lịch cộng đồng ấp Phương An 3, xã Hưng Phú gắn liền với trọng điểm du lịch như Du lịch không gian văn hóa thuần chất Nam Bộ dọc tuyến Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp. Trong đó, tiêu biểu là “Homestay Chợ nổi Ngã Năm”, chủ homestay đã liên kết với các nhà vườn, các nghệ nhân làm bánh dân gian, các làng nghề truyền thống va được Phòng Văn hóa và Thông tin giới thiệu ký hợp đồng với 3 công ty lữ hành tại địa phương.
Huyện đã tỗ trợ các chủ homestay tại du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, cộng đồng tại 2 xã Long Hưng – Hưng Phú viết đề xuất sáng kiến tham gia Chương trình tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo tỉnh. Kết quả hộ kinh doanh homestay Chợ nổi Ngã Năm được tài trợ kinh phí 174 triệu để đầu tư phát triển; hỗ trợ xây dựng hạ tâng như đường dẫn bến tàu, các con kênh rạch…
Tuy nhiên để phát triển du lịch nông thôn một cách đồng bộ, huyện Mỹ Tú nói chung và các hộ kinh doanh nói riêng rất cần cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để hộ dân có tiềm năng làm du lịch tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; tạo môi trường thông thoáng về chính sách, thủ tục chuyển đổi đất đai, thuế để người dân mạnh dạng đầu tư, phát triển du lịch.