Bế giảng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024
VHO - Chiều 4.10 tại TP.HCM, đã diễn ra Lễ bế giảng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024.
Chương trình do CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo Báo Văn Hoá (Bộ VHTTDL), Sở Du lịch TP.HCM, UBND huyện Đắk Hà, UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, các giảng viên và học viên tham gia khoá học.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng diễn ra từ ngày 10.4 đến ngày 1.10 với sự tham gia của 18 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Hà. Trong đó, huyện Tu Mơ Rông có 10 học viên, Đăk Hà có 8 học viên.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tấn, Chủ tịch CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam, chương trình thể hiện rõ quan điểm phát triển, trách nhiệm xã hội của CLB và các thành viên là cam kết đóng góp vào phát triển bền vững, thông qua việc cải thiện đời sống người lao động, cộng đồng và xã hội, tạo ra lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn cho biết: “Chương trình cũng thể hiện rõ quan điểm phát triển, trách nhiệm xã hội của Câu lạc bộ Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam và các thành viên là cam kết đóng góp vào phát triển bền vững, thông qua việc cải thiện đời sống người lao động, cộng đồng và xã hội, tạo ra lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội”.
“Chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục cùng các địa phương trên cả nước tiếp tục các Chương trình ý nghĩa này để đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành du lịch cũng như đem lại giá trị lâu dài, bền vững cho các miền đất trên khắp cả nước”, ông Nguyễn Ngọc Tấn nhấn mạnh.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Câu lạc bộ Du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam là hội nhóm có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch. Câu lạc bộ tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đã giúp du lịch Tu Mơ Rông có điều kiện phục vụ khách du lịch tốt hơn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và năng lực cạnh tranh du lịch”.
Cũng theo ông Võ Trung Mạnh, Tu Mơ Rông dù có tiềm năng để phát triển du lịch nhưng còn thiếu nhiều yếu tố để vươn tầm trở thành một khu du lịch nổi tiếng.
Một trong những yếu tố còn thiếu là chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa được chuyên nghiệp. Để giải quyết hạn chế này, huyện đã quyết định “bắt tay”, tín nhiệm chọn CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam để giúp huyện đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho huyện.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024 được triển khai dựa trên Biên bản Thoả thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024 – 2027, ngày 22.1.2024 giữa CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam với UBND huyện Đắk Hà và UBND huyện Tu Mơ Rông.
Chương trình cũng nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022- 2025 và định hướng đến năm 2030.
Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, hướng tới chuyên nghiệp hóa và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch địa phương.
Đồng thời, góp phần nhanh chóng đưa du lịch 2 huyện Tu Mơ Rông và Đắk Hà nói riêng, tỉnh Kon Tum phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Tại chương trình, 18 bạn học viên đã tham dự đủ thời gian, tích cực học tất cả các học phần đào tạo trong chương trình và hoàn tất các bài thu hoạch theo yêu cầu
Qua 29 học phần lý thuyết đã giúp học viên có thể đảm nhận các vị trí công việc: Hướng dẫn viên du lịch; nhân viên của các bộ phận kinh doanh, thiết kế và tổ chức tour, tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, trong các doanh nghiệp lữ hành; nhân viên kinh doanh và phát triển các dịch vụ du lịch tại các khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí, các công ty tổ chức sự kiện, truyền thông về du lịch.
Bên cạnh đó, các học viên đã tham gia các buổi tọa đàm để lắng nghe những chia sẻ của các chuyên gia trong ngành du lịch.
Sau khi học xong các học phần lý thuyết và tham gia các buổi tọa đàm, học viên đã có 3 tháng thực hành nghề tại các cơ sở từ ngày 8.7 đến 1.10.
Các học viên đã hoàn thành các báo cáo: Đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch sau khi khảo sát tuyến, điểm du lịch tại địa phương; giới thiệu sản phẩm, điểm đến du lịch tại địa phương; tổ chức chương trình sự kiện văn hóa, du lịch tại địa phương; thực hành kỹ năng đón tiếp khách du lịch tại cộng đồng địa phương.
Chương trình đào tạo cũng đã giúp các địa phương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tại địa phương nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, tính chuyên nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển du lịch bền vững.
Từ đó, góp phần duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa bản địa, lễ hội truyền thống, tạo động lực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh.