Du lịch Đà Nẵng:

Bài 2 - Hoạch định kết nối và truyền thông

TẠ ĐÌNH DŨNG - THUỴ BẤT NHI

VHO - Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, năm 2025 sẽ là năm tập trung sắp xếp tinh gọn bộ máy gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế.

Do đó, ngành Du lịch địa phương cần xác định rõ và đốc thúc những hoạch định đề ra, thực sự kết nối và truyền thông, phát triển du lịch thành mũi nhọn kinh tế đột phá cho Đà Nẵng.

Xác định những mục tiêu lớn

Trao đổi với ngành Du lịch Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường cho rằng, những kết quả có được từ nỗ lực chấn hưng sau dịch bệnh, nhất là với năm củng cố 2024 đang cho phép Đà Nẵng lấy lại được đà tăng tốc du lịch. Những con số báo cáo có được của năm hoạt động này là rất khả quan.

Bài 2 - Hoạch định kết nối và truyền thông - ảnh 1
Đà Nẵng không ngừng tăng cường kết nối thu hút du khách

Cụ thể đến nay, dịch vụ lưu trú của Đà Nẵng đã có 1.290 cơ sở lưu trú, với 46.527 phòng, trong đó hạng 4 – 5 sao và tương đương có 110 cơ sở với 21.293 phòng; dịch vụ lữ hành có 548 đơn vị với 5.988 hướng dẫn viên đã có thẻ, trong đó có 4.276 hướng dẫn viên quốc tế. Thành phố hiện có 16 khu, điểm du lịch; tổ chức 23 đường bay định kỳ đến Đà Nẵng, tần suất trung bình 111 chuyến bay/ngày, trong đó có 52 chuyến quốc tế…

Với nội lực hoạt động như vậy, ông Trần Chí Cường đề nghị ngành Du lịch địa phương phải mạnh dạn xác định rõ những mục tiêu lớn phải đạt trong năm 2025, năm “bùng nổ” quan trọng. Ngành cần xác định 3 mũi đột phá quan trọng, về đầu tư, phát triển sản phẩm, xúc tiến mở rộng các thị trường, và nâng cao chất lượng dịch vụ cùng nguồn nhân lực.

Ông Trần Chí Cường nhấn mạnh: Thứ nhất, phải tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp xác định tại Đề án định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đôn đốc triển khai các chỉ đạo từ lãnh đạo Thành ủy, UBND Đà Nẵng, triển khai lộ trình kế hoạch năm 2025, kế hoạch phát triển kinh tế đêm, đường thủy nội địa, đưa ẩm thực thành sản phẩm du lịch…

Thứ hai, tập trung vào 3 khâu đột phá thúc đẩy phát triển du lịch. Nhóm sản phẩm du lịch sẽ gồm khai trương Bảo tàng Đà Nẵng, tổ chức các lễ hội DIFF 2025, Liên hoan phim châu Á, Đà Nẵng Food Tour, Đại hội du lịch Golf Châu Á 2025…, đầu tư các đề án phố đi bộ Bạch Đằng, phố du lịch An Thượng, cảnh quan 2 bờ sông Hàn, khu tổ hợp công trình pháo hoa…

Nhóm mở rộng thị trường sẽ nghiên cứu thị trường và xu hướng để truyền thông hiệu quả, tập trung tăng trưởng khách nội địa, duy trì các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), Nhật Bản, Trung Quốc…, mở rộng thị trường Ấn Độ, Mỹ, Úc, Trung Đông, Nga, Đông Âu, các nước thuộc CIS…

Bài 2 - Hoạch định kết nối và truyền thông - ảnh 2
Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch ra các thị trường tiềm năng cũng là ưu tiên của du lịch Đà Nẵng

Nhóm chất lượng dịch vụ sẽ xây dựng và công bố áp dụng Bộ tiêu chí “Chất lượng cao” về du lịch địa phương, cùng kế hoạch nguồn nhân lực chất lượng.

Thứ ba, về môi trường du lịch, cần tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường, an toàn, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, cứu hộ cứu nạn…

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dựng trí tuệ nhân tạo trong quản lý, truyền thông xúc tiến, quảng bá và giới thiệu điểm đến để hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh.

Thứ năm, tích cực triển khai các nội dung hợp tác về liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế, hướng đến các thị trường tiềm năng, trọng điểm; phát huy vai trò chủ động của Hiệp hội du lịch, các hội thành viên trong liên kết kết nối chuỗi cung ứng, trao đổi nguồn khách…

Thứ sáu, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nghiên cứu các chính sách phát triển du lịch; hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm, nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ…

“Đặc biệt, thành phố phải cùng hợp tác, mong người dân đồng lòng chung tay phát triển du lịch, xây dựng môi trường ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, hướng đến tiêu chí “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”, tạo nên hình ảnh Đà Nẵng xanh - sạch - đẹp và thân thiện mến khách”. Ông Trần Chí Cường lưu ý như vậy.

Hiệu quả với từng sản phẩm du lịch

Để làm rõ những phần việc cần đầu tư, bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, đến nay, thành phố đã phát triển được 10 loại hình sản phẩm du lịch cần tiếp tục nhân rộng, gồm:

Du lịch lễ hội, sự kiện, như lễ hội Pháo hoa quốc tế, Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng, cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng, IRONMAN, lễ hội tận hưởng Đà Nẵng, giải Golf phát triển châu Á, các sự kiện âm nhạc…

Du lịch tham quan, trải nghiệm với các sản phẩm, show diễn ở Sun World Bà Nà Hills, Da Nang Downtown, khu phức hợp Mikazuki, công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, khu vực dù lượn bán đảo Sơn Trà…

Bài 2 - Hoạch định kết nối và truyền thông - ảnh 3
Du lịch ẩm thực được Đà Nẵng xác định là thế mạnh mới

Du lịch ban đêm với các phố đi bộ Bạch Đằng và dịch vụ phục vụ du lịch về đêm tại Công viên bờ Đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi, các hoạt động ở Cầu Rồng, Quảng trường 2/9, các chương trình trải nghiệm sông Hàn…

Du lịch nghỉ dưỡng biển với các khách sạn, căn hộ, khu nghỉ dưỡng ven biển tương đương 5 sao, một số khu nghỉ dưỡng cao cấp…

Du lịch văn hóa di sản, lịch sử cộng đồng như di tích Hải Vân Quan, cụm 8 mô hình du lịch nông nghiệp, cộng đồng tại Hòa Vang, các sản phẩm OCOP du lịch địa phương, các chương trình tour ngắm voọc trên bán đảo Sơn Trà…

Du lịch đường thủy nội địa với đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2024 – 2025 đang được xúc tiến.

Du lịch hội nghị hội thảo (MICE) đang là thế mạnh thu hút du khách theo đoàn, tính riêng năm 2024 Đà Nẵng đã đón hơn 200 đoàn khách MICE với hơn 70 ngàn lượt khách…

Du lịch cưới với kết quả trong năm 2024 đã đón 45 đám cưới của các cặp đôi người Việt ở nước ngoài, đến từ Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ…, đủ dữ liệu xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch cưới Đà Nẵng, tổ chức Hội nghị “Du lịch cưới Đà Nẵng - Cơ hội và thách thức”…

Du lịch Golf với các giải đấu nội địa và quốc tế, hợp tác với nhiều nhà đầu tư lớn để nghiên cứu mở rộng thêm nhiều giải đấu quy mô trong năm 2025…

Du lịch ẩm thực với các chương trình xây dựng bản đồ số ẩm thực, thí điểm Hộ chiếu ẩm thực, chiến dịch Đà Nẵng Food Tour, tôn vinh các điểm đến ẩm thực trong danh sách Michelin Guide, đạt danh hiệu Bib Gourmand (cơ sở ẩm thực được Michelin giới thiệu)…

“Những sản phẩm du lịch này, chúng tôi đều đang tổ chức, xây dựng với kế hoạch truyền thông chặt chẽ, tạo hiệu ứng lan tỏa giá trị, cùng phối hợp với nhiều bên tổ chức, tận dụng các nguồn lực xã hội hóa, đầu tư hiệu quả. Tất cả hứa hẹn sẽ mang lại một diện mạo thay đổi rất lớn cho du lịch Đà Nẵng, từ đầu năm mới 2025 này”, bà Hoài An đánh giá.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc