Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 :
Áo dài- đại sứ giới thiệu du lịch Thủ đô
VHO - Tối 4.10, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Hà Nội - Tinh hoa áo dài” đã khai mạc tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long.
Sự kiện này do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024),
Tham dự Lễ khai mạc có Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội; đại diện đại sứ quán các nước; lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở VHTTDL; đại diện các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan báo chí.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà cho biết, với mục tiêu phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội sẽ tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị.
“Thành phố sẽ quan tâm phát triển các sản phẩm văn hoá, du lịch có thương hiệu mang tầm quốc tế; kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hoá với phát triển kinh tế, trong đó văn hoá, con người vừa là mục tiêu, vừa là nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô”, bà Vũ Thị Hà nói.
Trong 9 tháng của năm 2024, Hà Nội đón khoảng 21,12 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,45 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 40% so với năm 2023) và 16,66 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 6% so với năm 2023), đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng GRDP của Thủ đô.
Với mục tiêu phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội xác định: Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị; quan tâm phát triển phát triển các sản phẩm văn hoá, du lịch có thương hiệu mang tầm quốc tế.
Kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hoá với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, trong đó văn hoá, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.
Trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội đón khoảng 21,12 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,45 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 40% so với năm 2023) và 16,66 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 6% so với năm 2023), đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng GRDP của Thủ đô.
Sau 3 lần tổ chức, đến nay, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội đã trở thành Lễ hội vào mỗi dịp tháng 10 hàng năm với định hướng xây dựng một sản phẩm văn hóa, du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội, điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.
Đồng thời, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác, tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt Nam đặc sắc với tà áo dài của dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, là nguồn cảm hứng đến thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống. Từ đó, tiếp tục sáng tạo để tiếp nối mạch nguồn văn hóa, lan tỏa, quảng bá vẻ đẹp của áo dài Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm nay được đầu tư công phu, có quy mô lớn, thu hút sự tham gia của 6 nghệ nhân, 85 nhà thiết kế của 3 miền Bắc - Trung - Nam; gần 100 gian hàng của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài, cơ sở phụ kiện, doanh nghiệp lữ hành…
Điểm nhấn của lễ hội là chương trình khai mạc với các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, làm sống lại một phần hình ảnh của Thủ đô Hà Nội 70 năm lịch sử. Công nghệ âm thanh, ánh sáng trong lễ khai mạc càng làm chương trình thêm ấn tượng.
Màn trống hội, bài hát Thăng Long- Hà Nội đất rồng bay và Bài ca Đại Việt cùng với bộ sưu tập áo dài “Hoàng long”, “Tâm sen”, “Lương duyên” của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam mở màn đầy hào khí và tự hào của Thăng Long, vùng đất “rồng bay lên”.
Chương trình khai mạc Lễ hội với chủ đề “Hà Nội- Tinh hoa áo dài” gồm 3 chương: Lịch sử vàng son - Nhịp cầu giao thoa - Hành trình lan tỏa đã làm sống lại những ngày tháng gian nan cũ và cả những ngày Hà Nội rực rỡ cờ hoa; những năm đất nước mở cửa; hội nhập quốc tế, lan toả hình ảnh thành phố hoà bình khắp năm châu.
Rất nhiều bài hát hay về Hà Nội trong chương trình khiến người dân và du khách tham dự Lễ khai mạc vô cùng xúc động, nhớ lại những ngày tháng cũ: Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh), Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang, thơ Phan Vũ), Trời Hà Nội xanh (Văn Ký), Em bé Hà Nội (Hoàng Vân), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà); Dạo chơi Hà Thành (xẩm), Áo lụa Hà Đông (Ngô Thuỵ Miên), Xin chào Hà Nội của tương lai (Hoàng Hồng Ngọc, Rica), Một thoáng quê hương (Từ Huy, Thanh Tùng), Xinh tươi Việt Nam (Nguyễn Hồng Thuận), Hello Việt Nam (Marc Lavoine), Đến với con người Việt Nam tôi (Xuân Nghĩa)…
Trong chương trình, các bộ sưu tập áo dài của nhiều nhà thiết kế áo dài nổi tiếng được giới thiệu: “Thuỵ Vũ Nghênh Hy” của nhà thiết kế Vũ Thảo Giang; bộ sưu tập “Giao mùa đêm Hà Nội” của nhà thiết kế Hà Thành; bộ sưu tập “Màu thời gian” của NTK Lưu Quỳnh Lan; bộ sưu tập “Lụa thời gian” của NTK hoa hậu Ngọc Hân; bộ sưu tập Lúng liếng của NTK Cao Minh Tiến; bộ sưu tập áo dài “Truyền thống trong thực tại” - La Hằng Design; bộ sưu tập áo dài “Thiên chương” - Thuy Design House…
Trong chương trình, khán giả được xem nhiều hoạt cảnh, bài múa, tiết mục trình diễn thời trang tái hiện lại Hà Nội - Thủ đô anh hùng, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, đang không ngừng đổi mới, phát triển và hội nhập.
Bên cạnh các tiết mục âm nhạc, còn có phần trình diễn các bộ sưu tập áo dài của 70 nhà thiết kế, trong đó có những tên tuổi như: Đỗ Trịnh Hoài Nam, Đức Hùng, Quang Hòa, Cao Minh Tiến, Hoa hậu Ngọc Hân, Thủy Nguyễn, La Hằng, Vũ Thảo Giang, Lưu Quỳnh Lan...
Lễ hội được diễn ra liên tục trong 3 ngày từ ngày 4-6.10, với nhiều chương trình, hoạt động thu hút đông đảo người dân tham gia như: City Bus Tinh hoa áo dài; Trình diễn áo dài của các nhà thiết kế và chung kết cuộc thi thiết kế áo dài; Carnaval áo dài diễn ra vào ngày 5.10 với sự tham gia của 1.000 người…
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 còn có các hoạt động bên lề như: Không gian trưng bày, giới thiệu áo dài của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài nổi tiếng; các sản phẩm, dịch vụ du lịch, làng nghề truyền thống; không gian workshop trải nghiệm quy trình thiết kế và tạo ra các sản phẩm áo dài mini; thao diễn tác phẩm của các nghệ nhân đến từ các làng nghề lụa Vạn Phúc, Trạch Xá; không gian trò chơi dân gian; không gian ẩm thực Hà thành “Thăng Long ngũ vị”...
Lễ khai mạc và các hoạt động tại Lễ hội đã mang tới cho bạn bè quốc tế, du khách và nhân dân những trải nghiệm ấn tượng, cảm xúc sâu sắc về nét đẹp văn hóa dân tộc, cùng hành trình lịch sử Hà Nội 70 năm trong dòng chảy di sản và phát triển.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội kỳ vọng, Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội sẽ mở ra định hướng mới cho phát triển văn hóa, du lịch Thủ đô, góp phần để Việt Nam và Hà Nội trở thành điểm đến yêu mến và sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách trong nước và bạn bè quốc tế, là Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu thế giới.