Phải có những cơ chế, chính sách đủ mạnh

VHO- Có thể khẳng định rằng, sự tăng trưởng của du lịch sẽ có những đóng góp cho nền kinh tế, quảng bá hình ảnh quốc gia và tạo ra đòn bẩy cho nhiều ngành, lĩnh vực liên quan.

Phải có những cơ chế, chính sách đủ mạnh - Anh 1

 Du lịch phát triển tạo đòn bẩy cho các ngành phát triển theo

Thế nhưng để tăng trưởng bền vững trong môi trường cạnh tranh toàn cầu thì ngành Du lịch cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu nhằm đảm bảo năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; được đầu tư nguồn lực tương xứng và ổn định cho phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư bài bản cho công tác xúc tiến quảng bá; có những cơ chế linh hoạt, thích ứng nhanh với thị trường...

Không lý gì lại không được ưu tiên

Mặc dù có xuất phát điểm thấp với những điều kiện khó khăn, nhưng du lịch Việt Nam đã có sự phát triển liên tục trong những năm gần đây và đang tăng tốc để thu dần khoảng cách với các nước du lịch phát triển của khu vực. Đặc biệt, giai đoạn 2015- 2019, ngành Du lịch đã tăng trưởng vượt bậc về khách du lịch quốc tế (tăng 22,7%/năm), nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới và đạt 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019. Du lịch nội địa cũng gia tăng mạnh mẽ, tạo ra sự sôi động ở mọi miền Tổ quốc với con số ấn tượng là 85 triệu lượt năm 2019. Hiện nay, mọi điều kiện phát triển du lịch được định hình rõ rệt: Hệ thống sản phẩm du lịch ngày một hoàn thiện và rõ nét về du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái... Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đã hình thành ở hầu khắp các vùng miền, với nhiều địa bàn có số lượng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại có quy mô lớn. Đã thu hút được sự vào cuộc của nhiều tập đoàn lớn như: VinGroup, SunGroup, FLC, BIM Group, CEO Group… đầu tư, hình thành các tổ hợp du lịch, giải trí tầm cỡ, quy mô quốc tế.

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được cải thiện nhanh chóng. Theo báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2009 xếp hạng Việt Nam thứ 89 thì đến năm 2019 đã vươn lên thứ 63. Trong những năm gần đây, các điểm đến và nhiều doanh nghiệp nhận được những giải thưởng danh giá về điểm đến hàng đầu khu vực, thế giới. Du lịch đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Tổng thu về du lịch năm 2019 đạt 755.000 tỉ đồng, đóng góp 9,2% vào GDP. Du lịch ngày càng khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, kéo theo sự phát triển của các ngành liên quan, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Có thể nói, du lịch phát triển tạo ra đòn bẩy tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực tham gia ngày càng rộng trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Rõ nhất là mối quan hệ mật thiết giữa du lịch với các ngành GTVT, xây dựng, công nghiệp, thương mại, bưu chính viễn thông, điện lực, y tế, giáo dục, dịch vụ... Thực tiễn này càng khẳng định rõ bản chất của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và có lợi thế phát triển.

Du lịch không phát triển riêng rẽ, thông qua du lịch là cơ hội kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, giúp làm gia tăng sản lượng, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn cho các lĩnh vực ngành hàng tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; giúp đa dạng hóa mặt hàng cung ứng của các ngành; phát huy được tối ưu và tạo ra nguồn thu từ các giá trị có lợi thế của các ngành. Du lịch không chỉ dựa vào các ngành, lĩnh vực khác như các yếu tố mang tính điều kiện để hình thành sản phẩm du lịch mà thực sự đã có vai trò thúc đẩy tăng trưởng giá trị các ngành, lĩnh vực cũng như có ý nghĩa góp phần kép vào tăng trưởng kinh tế. Vì thế, không lý gì mà du lịch lại không được ưu tiên.

Cần có những cơ chế đặc thù

Thông qua du lịch để phát triển kinh tế, cũng có nghĩa là cần vận dụng mọi nguồn lực để thúc đẩy hình thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn và có khả năng vươn tới thị trường một cách tối ưu. Du lịch là một ngành kinh tế, thực tế đang vận hành theo các quy luật của kinh tế thị trường, quy luật cung cầu và đặc biệt là trong môi trường thị trường quốc tế toàn cầu với sự xoay chuyển hết sức nhanh chóng, đòi hỏi những cơ chế linh hoạt để đáp ứng cuộc chơi quốc tế. Điểm đến hấp dẫn và thu hút được khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế không những cần thực sự mới mẻ, hấp dẫn, phù hợp nhu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết nhưng cũng cần dễ dàng tiếp cận với khách quốc tế, được giới thiệu kịp thời; chất lượng sản phẩm, dịch vụ được quản trị chặt chẽ và dài hơi.

Cũng như các ngành kinh tế khác, ngành du lịch đối mặt với quy luật cạnh tranh rất ngặt nghèo. Bên yếu thế sẽ dễ dàng bị thị trường quay lưng. Các quốc gia trong khu vực hầu như đều tập trung vào các chính sách nới lỏng thị thực để kéo dòng khách, tập trung quản lý chất lượng và có chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch để có được chất lượng cao và giá thành cạnh tranh.

Giai đoạn 2016- 2019 là thời kỳ phát triển đỉnh cao của du lịch Việt Nam, nhưng dù có nhiều kết quả vượt trội so với giai đoạn trước, thực tế du lịch Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế và rào cản để vận hành theo được quy luật cạnh tranh quốc tế. Giá cả các dịch vụ du lịch so với các nước trong khu vực chưa có tính cạnh tranh do chưa có chính sách phù hợp về tính giá điện cho các cơ sở lưu trú, về diện tích và tiền thuê đất, thuế đất. Khả năng tiếp cận với thị trường quốc tế còn hạn chế do chính sách thị thực của ta chưa thông thoáng bằng các nước trong khu vực. Các chính sách này đã được Tổng cục Du lịch và các doanh nghiệp trong ngành Du lịch nhiều lần đề xuất, kiến nghị nhưng chưa được cải thiện nhiều. Việc quản lý, khai thác các khu, điểm du lịch, sự gắn kết liên vùng ở các địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả một phần do thẩm quyền, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch chưa đủ mạnh. Nhiều “hạt sạn” trong quá trình phục vụ khách du lịch vẫn tồn tại, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch quốc gia lại thường đến từ các khâu mắt xích thuộc sản phẩm, dịch vụ của các ngành như vận chuyển khách, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả dịch vụ...

Vì thế, để tăng trưởng bền vững trong môi trường cạnh tranh toàn cầu thì ngành Du lịch cần: Thứ nhất phải tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu nhằm đảm bảo năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, cần có một hệ thống quản lý chặt chẽ và đủ mạnh cả từ Trung ương đến địa phương, có đủ vai trò và thẩm quyền trong việc dẫn dắt, hướng dẫn thực thi các chính sách. Đồng thời, có năng lực điều phối, tạo sự gắn kết thực sự với các ngành, lĩnh vực; phát huy được vai trò trong các cơ chế hợp tác liên vùng, cơ chế hợp tác công- tư, trong việc quản lý chất lượng tổng thể của sản phẩm, dịch vụ để duy trì sự phát triển bền vững và làm tốt vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các ngành cùng phát triển.

Thứ hai, ngành Du lịch cần được đầu tư nguồn lực tương xứng và ổn định cho phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư bài bản cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng dịch vụ, tăng cường năng lực cho nguồn nhân lực, đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia để hình thành hệ thống sản phẩm, điểm đến du lịch hấp dẫn, chất lượng cao. Đầu tư cho du lịch là đầu tư kép cho liên ngành và cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, cần có những cơ chế linh hoạt, thích ứng nhanh với thị trường hoặc để đối mặt với những khủng hoảng, dịch bệnh. Trong nhiều trường hợp, cần có những cơ chế đặc thù, vượt khung các quy định cơ bản. Điều này cũng đã được xác định tại Nghị quyết số 08-NQ/TW về việc cho phép thí điểm những chính sách cấp bách tạo đột phá cho phát triển du lịch mà chưa có đủ quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ với sự ưu tiên và nhận thức rõ về vai trò kết nối, dẫn dắt của ngành Du lịch. Cơ cấu lại ngành Du lịch không chỉ là nhiệm vụ của ngành Du lịch và cơ cấu lại vấn đề thuộc quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch mà phải cơ cấu lại toàn bộ hệ thống các sản phẩm, dịch vụ tham gia trong chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch, các yếu tố tham gia trực tiếp, gián tiếp của các ngành, lĩnh vực khác.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Ngoài những giải pháp cốt yếu này, ngành Du lịch cần tập trung cho công tác quản lý, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm du lịch với quan điểm đón đầu xu hướng và phù hợp nhu cầu thị trường. Như vậy, cần thực hiện nghiêm túc và bài bản công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng và hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn, quy định quản lý thông suốt tới các địa phương, doanh nghiệp. Đảm bảo sự cam kết về chất lượng, tức là các khâu trong từng mắt xích của chuỗi giá trị, phụ thuộc vào yếu tố lĩnh vực ngành nghề nào cũng cần được hoàn thiện theo hướng đảm bảo chất lượng chung của sản phẩm du lịch theo hướng bền vững.

Du lịch phát triển trong bối cảnh nền kinh tế trong nước ngày càng lớn mạnh, tình hình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, du lịch tăng trưởng vượt bậc và ở vào giai đoạn phát triển thuận lợi để có thể mang đến những đóng góp tích cực. Ở bình diện quốc tế và cả trong nước, du lịch ngày nay đã trở thành một trong những nhu cầu quan trọng trong đời sống của con người. Tổ chức Du lịch thế giới đã dự báo lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu sẽ đạt con số 1,8 tỉ lượt vào năm 2030. Hiện nay, dưới tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch toàn cầu đang bị ngưng trệ nghiêm trọng. Tuy vậy, các quốc gia đều đang nỗ lực để hồi phục du lịch sau đại dịch. Thực tế chứng minh, trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng khác nhau thì du lịch luôn là một biện pháp hồi phục kinh tế nhanh nhất. Nhu cầu du lịch sẽ tăng trưởng lại, xu hướng tiêu dùng có thể có những thay đổi nhưng sức tăng trưởng sẽ hồi phục dần và trở lại mạnh mẽ.

Để hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế- xãhội của nước ta trong giai đoạn tới, du lịch làmột hướng phát triển quan trọng đểthúc đẩy phát triển kinh tếcho đất nước, như quan điểm của Nghịquyết 08-NQ/TƯ của BộChính trị“Phát triển du lịch trởthành ngành kinh tếmũi nhọn làđịnh hướng chiến lược đểphát triển đất nước”.

 Cần có một hệ thống quản lý chặt chẽ và đủ mạnh cả từ Trung ương đến địa phương, có đủ vai trò và thẩm quyền trong việc dẫn dắt, hướng dẫn thực thi các chính sách. Đồng thời, có năng lực điều phối, tạo sự gắn kết thực sự với các ngành, lĩnh vực.

 TS ĐỖ CẨM THƠ

Ý kiến bạn đọc