“Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”

NGỌC HÀ

VHO - Từ một môn học bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, Giáo dục địa phương hiện đã được học sinh yêu thích và hào hứng đón nhận. Môn học không chỉ giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước, mà còn nâng cao ý thức về lòng tự tôn và niềm tự hào dân tộc.

 “Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” - ảnh 1
Học sinh tiếp thu kiến thức lịch sử qua trải nghiệm tham quan thực tế tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa

Tự hào nơi “chôn nhau cắt rốn”

Năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP tổ chức biên soạn, thẩm định và trình Bộ GD&ĐT phê duyệt tài liệu Giáo dục địa phương dành cho các lớp 4, 8 và 11. Tài liệu được xây dựng theo hướng tích hợp, chú trọng vào tính thực tiễn và khả năng vận dụng trong đời sống.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của môn học, các đơn vị và trường học đã tăng cường giảng dạy, đồng thời linh hoạt tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Công tác giáo dục lịch sử, truyền thống anh hùng cách mạng cũng được chú trọng và triển khai vừa trong các tiết học chính khóa, vừa trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Tại Trường THCS Nguyễn Huệ (TP Đà Nẵng), chương trình học đã tích hợp những di sản văn hóa nổi bật của TP như Thành Điện Hải, Đình làng Hải Châu, danh thắng Ngũ Hành Sơn, di tích Hải Vân Quan, cùng các làng nghề truyền thống như làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, nghề làm nước mắm Nam Ô và nhiều di tích khác.

Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Ban đầu, một số học sinh có thể chưa quen với phương pháp học chủ động hoặc chưa nhận thức được tầm quan trọng của môn học. Tuy nhiên, khi được hướng dẫn và tiếp cận thông qua các hoạt động hấp dẫn, các em dần trở nên yêu thích, hào hứng. Đến nay, học sinh tỏ ra rất say mê khi được học về các đặc điểm địa lý, nhân vật lịch sử, di tích, văn hóa của chính nơi mình sinh ra và lớn lên. Từ việc được bổ sung kiến thức và sự hiểu biết, các em có cái nhìn sâu sắc hơn về quê hương, hình thành lòng tự hào và trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát huy những giá trị vốn có của địa phương”.

Thầy Lê Văn Sức, Tổ trưởng tổ Lịch sử - Địa lý Trường THCS Lê Hồng Phong, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) cho biết: “Sau hơn 3 năm triển khai bộ môn Giáo dục địa phương, tôi nhận thấy học sinh tiếp nhận môn học rất chủ động. Các em đã có những hiểu biết cơ bản về TP Đà Nẵng, bao gồm lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa và nghệ thuật. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo đã nỗ lực sáng tạo kết hợp dạy lý thuyết với hoạt động trải nghiệm, tham quan thực tế, đưa công nghệ tiên tiến vào giảng dạy để giới thiệu các địa điểm đẹp, bảo tàng, lễ hội và du lịch địa phương. Cụ thể, các em đã tìm hiểu về Di chỉ khảo cổ học Vườn đình Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), các bảo vật quốc gia tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, danh thắng Ngũ Hành Sơn, Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng, Nhà trưng bày Hoàng Sa, Sơn Trà, Bà Nà, các làng nghề truyền thống, cùng rất nhiều nội dung khác liên quan đến mảnh đất văn hóa, con người nơi đây”.

Việc dạy và học môn Giáo dục địa phương đã được các trường học triển khai một cách linh hoạt và sáng tạo. Tại quận Thanh Khê, Phòng GD&ĐT quận đã đưa tài liệu về các trường học, chuyển đến từng phụ huynh và đăng tải trên website của trường.

Tại Trường THCS Nguyễn Trãi, ngay sau khi nhận tài liệu, nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch giáo dục và chỉ đạo giáo viên tổ chức giảng dạy một cách khoa học và hợp lý. Đến nay, học sinh lớp 9 của trường đã hoàn thành hai chủ đề trong giáo trình, gồm: “Lịch sử Đà Nẵng từ đầu thế kỷ XX đến nay” và “Huyện đảo Hoàng Sa”.

 “Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” - ảnh 2
Trường THCS Lê Hồng Phong dẫn học sinh đi tìm hiểu nghề truyền thống tại làng Mân Thái, quận Sơn Trà

Tăng trải nghiệm và sáng tạo cho học trò

Kết hợp “học” với “hành”, một số nội dung của môn học đã được các trường tổ chức dưới dạng tham quan thực tế và dự án tìm hiểu địa phương, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sinh động và gắn kết hơn.

Theo thầy Lê Văn Sức, giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, nhận thấy các hoạt động ngoại khóa hỗ trợ rất nhiều cho môn học, nhà trường đã cố gắng tạo điều kiện để thầy cô và học sinh đi thực tế tại các địa phương có nghề truyền thống.

Thầy Sức cho biết: “Tùy theo điều kiện và nội dung học của từng khối, chúng tôi đã tổ chức các chuyến tham quan phù hợp. Ví dụ, lớp 6 được tham quan Bảo tàng điêu khắc Chăm; lớp 7 tham quan Bảo tàng Đà Nẵng và Đình làng Hải Châu; lớp 8 tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa, kết hợp trải nghiệm làm nước mắm Mân Thái; lớp 9 tham quan Bảo tàng Quân khu V hoặc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng… Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức Ngày hội văn hóa dân gian, mời các nghệ sĩ CLB Bài chòi Hải Vân đến để học sinh được trải nghiệm. Mặc dù thời lượng học môn Giáo dục địa phương chỉ có một tiết mỗi tuần (35 tiết/năm học), nhưng học sinh vẫn được trang bị nhiều kiến thức bổ ích. Qua đó, các em không chỉ thêm yêu quê hương mà còn có sự định hướng nghề nghiệp trong tương lai và có thể giới thiệu với bạn bè, người thân về thành phố quê hương với niềm tự hào”.

Là người tham gia biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương TP Đà Nẵng, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng đánh giá cao việc đưa bộ môn này vào giảng dạy trong nhà trường. Theo ông, đây là cơ hội để học sinh hiểu và yêu quê hương mình, đồng thời hình thành ý thức trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có của nơi “chôn rau cắt rốn”.

Đây cũng là điều kiện để xây dựng thế hệ người Đà Nẵng có văn hóa, bản sắc riêng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. “Thành phố cần quan tâm hơn đến việc phát triển giáo dục, ưu tiên đầu tư thực sự, coi đó là quốc sách hàng đầu. Cần xây dựng một đội ngũ nhà giáo trở thành tấm gương sáng về văn hóa để học sinh noi theo, có văn hóa và thái độ ứng xử văn hóa”, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc dạy và học môn Giáo dục địa phương, thầy Lê Văn Sức cũng chia sẻ, việc học tập và tìm hiểu của học sinh, phụ huynh vẫn chưa đạt được như kỳ vọng: “NXB Giáo dục và TP Đà Nẵng vẫn chưa hỗ trợ việc in ấn và phát hành bộ tài liệu Giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12, vì vậy việc học tập và tìm hiểu của học sinh, phụ huynh vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, giáo viên dạy môn này chưa được tập huấn đầy đủ, chưa có các hội thảo để trao đổi, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy…”. 

 Đà Nẵng phát động phong trào ủng hộ sách và tặng sách cho trung tâm học tập cộng đồng

 Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng phối hợp với Công ty Văn hóa và Truyền thông 1980 Books vừa tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng lần thứ nhất. Ngày hội với chủ đề Mùa xuân và những trang sách đang diễn ra đến hết ngày 16.2 tại khuôn viên và vỉa hè trước Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng.

Nhiều hoạt động tạo không khí khai xuân đọc sách diễn ra như: Trưng bày tài nguyên thông tin chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2025) và 50 năm giải phóng TP Đà Nẵng (29.3.1975 - 29.3.2025); trưng bày tranh, ảnh, bài dự thi cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng các năm; tổ chức các chương trình nói chuyện, tọa đàm giới thiệu sách và giao lưu giữa các nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà văn, chuyên gia với độc giả; các cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách... Đặc biệt, người dân có thể tham gia phát động phong trào ủng hộ sách, tặng sách cho các phòng đọc, trung tâm học tập cộng đồng.

QUANG TÙNG