Xu hướng học tiếng Trung – Nhật – Hàn đang ngày càng thu hút học sinh Việt Nam

HOÀNG TÔN

VHO - Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, việc hiểu biết thêm những ngoại ngữ mới mang lại cho học sinh thêm ưu thế và mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Hiện nay, thay vì lựa chọn học những chứng chỉ Tiếng Anh như: IELTS, TOEIC,... nhiều bạn trẻ chuyển hướng học ngôn ngữ mới. Trong số những ngoại ngữ được ưa chuộng, tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Hàn đã và đang thu hút sự quan tâm của học sinh Việt Nam.

Xu hướng học tiếng Trung – Nhật – Hàn đang ngày càng thu hút học sinh Việt Nam - ảnh 1
NXB Giáo dục Việt Nam hiện đã và đang biên soạn, xuất bản các sách giáo khoa ngoại ngữ 1 như: tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức...

Sức hút của các ngôn ngữ đến từ Châu Á với học sinh Việt Nam

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia có nền văn hóa độc đáo và kinh tế phát triển hàng đầu ở khu vực Châu Á. Những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên cũng tăng cường mạnh mẽ, số doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản ở Việt Nam gia tăng, trong khi số lượng người Việt Nam đi học và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng lên nhanh chóng.

Đặc biệt, trong năm 2023 vừa qua, Việt Nam - Trung Quốc vừa kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện mở ra nhiều cơ hội mới cho cả 2 quốc gia. Trong đó lĩnh vực giáo dục cũng được quan tâm. Các chính sách thu hút như: Học bổng CSC, học bổng CIS… với chi phí thấp, dễ dàng di chuyển, nhiều đãi ngộ hấp dẫn người người trẻ. 

Tại Việt Nam, làn sóng đầu tư của các nước nói trên cũng phát triển rất mạnh mẽ, nhiều công ty yêu cầu nhân lực thành thạo những ngoại ngữ này đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người trẻ.

Vậy nên, học sinh, sinh viên nước ta ngoài việc đầu tư học tiếng Anh như một ngoại ngữ bắt buộc, nếu thành thạo thêm một ngôn ngữ khác sẽ gia tăng đáng kể cơ hội việc làm và học tập cho các em. Việc đầu tư học ngoại ngữ không chỉ mang lại cơ hội nghề nghiệp mà còn làm giàu thêm trải nghiệm cá nhân và kiến thức văn hóa của người học. Điều này đặt ra thách thức và cơ hội cho giáo dục ngoại ngữ nói chung ở Việt Nam.

Từ đó có thể thấy, thúc đẩy dạy các ngoại ngữ như tiếng Trung,  tiếng Nhật và tiếng Hàn trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay là điều vô cùng cần thiết và phù hợp với xu hướng. 

Xu hướng học tiếng Trung – Nhật – Hàn đang ngày càng thu hút học sinh Việt Nam - ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh (áo trắng) đề xuất, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng dạy các môn ngoại ngữ này cần được triển khai bài bản

Xu hướng ngoại ngữ mới – vẫn còn nhiều thách thức

Bên cạnh cơ hội việc làm và học tập rộng mở cho những học sinh, sinh viên biết nhiều ngoại ngữ, thì việc đưa một môn học vào giảng dạy hiệu quả cần có rất nhiều yếu tố, trong đó cần sự chung tay góp sức, phối hợp của cả giáo viên lẫn học sinh.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Chủ biên bộ sách giáo khoa tiếng Trung Quốc - NXB Giáo dục Việt Nam là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ chia sẻ: “Hiện nay, các em học sinh muốn học tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật đều tiếp thu kiến thức từ rất nhiều nguồn không chính thống khác nhau, dẫn đến tình trạng học bồi, không đảm bảo được chất lượng học, lại gây tốn kém, mất thời gian, ảnh hưởng đến kết quả học tập chính của các em. Điều này đến từ thực trạng thiếu lớp, thiếu sách tại các trường học”.

Theo đó, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh và yêu cầu đa dạng của xã hội về đào tạo nguồn nhân lực, theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, học sinh phổ thông Việt Nam bắt buộc phải học một ngoại ngữ (gọi là Ngoại ngữ 1) và được tự chọn thêm ít nhất một ngoại ngữ khác (gọi là Ngoại ngữ 2) theo nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Ngoại ngữ 1 (gồm: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Đức) là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Ngoại ngữ 2 (gồm: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn) là môn học tự chọn, có thể tổ chức dạy học bắt đầu từ lớp 6 và kết thúc ở bất kì lớp nào tuỳ theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Xu hướng học tiếng Trung – Nhật – Hàn đang ngày càng thu hút học sinh Việt Nam - ảnh 3
Học ngoại ngữ giúp học sinh hiểu biết thêm về đất nước, con người và văn hóa của các đất nước khác nhau

PSG.TS Nguyễn Hoàng Anh đề xuất, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng dạy các môn ngoại ngữ này cần được triển khai bài bản, bên cạnh đó nâng cao nhận thức của các em học sinh, để các em tiếp cận được với những nguồn kiến thức chính thống, tạo thêm cơ hội việc làm đối với các cử nhân được đào tạo đúng chuyên ngành ngoại ngữ. 

NXB Giáo dục Việt Nam hiện đã và đang biên soạn, xuất bản các sách giáo khoa ngoại ngữ 1 như: tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức với đầy đủ các bước theo quy trình biên soạn sách giáo khoa (tổ chức bản thảo, thực nghiệm và thẩm định bởi Hội đồng thẩm định quốc gia, lấy ý kiến giáo viên, giới thiệu, tập huấn…) nhằm đảm bảo chất lượng chương trình trước khi đưa vào nhà trường phổ thông Việt Nam. 

Đây là nguồn học liệu chuẩn mực, tin cậy dành cho học sinh, giáo viên và nhà trường. Các bộ sách giáo khoa ngoại ngữ 1 hứa hẹn giúp các em học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ mới thông qua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.

Học sinh sẽ có hiểu biết thêm về đất nước, con người và văn hóa của các đất nước khác nhau; có thể sử dụng ngôn ngữ một cách tự tin, hiệu quả phục vụ học tập và giao tiếp trong môi trường quốc tế hóa.

Ngay cả khi không đăng ký học môn Ngoại ngữ 1, Ngoại ngữ 2 theo chương trình của nhà trường, các em học sinh hay bất kỳ người học nào cũng có thể dễ dàng tự học và làm quen với các môn ngoại ngữ khách theo các sách giáo khoa ngoại ngữ đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo phê duyệt. 

PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh đánh giá bộ sách Tiếng Trung Quốc là một cải tiến mới giúp hệ thống lại kiến thức tiếng Trung Quốc cho các bạn học sinh trong thời đại các bạn đang phải chọn lọc quá nhiều kiến thức đến từ nhiều nguồn. PSG.TS cho rằng bộ sách giáo khoa mới này đã thành công đưa tiếng Trung trở nên gần gũi với các bạn học sinh hơn bằng việc đưa ra các ví dụ, bài học về quê hương, đất nước, con người Việt Nam, để khi học ngoại ngữ các em học sinh đồng thời có thể giới thiệu với bạn bè nước ngoài về văn hóa, con người Việt Nam.

Việc xây dựng sách giáo khoa ngoại ngữ 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đổi mới chương trình, hoàn thiện trọn bộ sách giáo khoa với đầy đủ các môn học ngoại ngữ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng được các yêu cầu và mục tiêu chương trình môn Ngoại ngữ 1, Ngoại ngữ 2 đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.