Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ để phòng tránh tai nạn thương tích
VHO - Trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên, trẻ lại chưa có ý thức và kỹ năng để phòng tránh rủi ro có thể xảy ra nên rất dễ gặp tai nạn. Vì vậy cần xây dựng môi trường sống an toàn, nhà an toàn cho trẻ.
Các tai nạn thương tích của trẻ thường gặp là kẹp ngón tay, bỏng dầu mỡ, uống nhầm hoá chất đựng trong chai nước ngọt, ngã xuống ao, hồ…
Vừa qua, các y bác sĩ khoa Chỉnh hình (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho bé gái (3 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng búp ngón tay bị đứt lìa do bị kẹp tay vào cửa.

Gia đình bệnh nhi cho biết, trẻ cùng mẹ đi siêu thị không may bị kẹp tay vào cửa kính thủy lực và bị đứt lìa búp ngón tay. Sau khi được sơ cấp cứu tại bệnh viện địa phương, trẻ nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
BS Nguyễn Vũ Hoàng – Khoa Chỉnh hình (Bệnh viện Nhi Trung ương) – người trực tiếp phẫu thuật bệnh nhi cho hay, các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu kịp thời, xử lý vùng mềm dập nát, đặt lại móng, khâu tạo hình ngón, do đó đã tránh được nguy cơ phải cắt cụt đốt ngón tay cho trẻ.
Sau phẫu thuật trẻ được dùng kháng sinh, chống phù nề, giảm đau, định kỳ thay băng vết thương 2 ngày/lần để đánh giá tổn thương. Sau hơn 10 ngày điều trị, vết thương khô, đầu ngón tay trẻ hồng ấm, sức khỏe tiến triển tốt nên đã được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng thông tin thêm, hằng năm, khoa Chỉnh hình – Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ vào viện điều trị do kẹp tay vào cửa gây tổn thương tay như bong móng, dập búp ngón tay, vỡ xương, đứt rời…gây đau đớn cho trẻ.
Cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ, tránh để trẻ đùa nghịch với các cánh cửa. Đối với gia đình có trẻ nhỏ, cha mẹ nên chọn lựa những loại cửa nhẹ, cần có tay đóng mở thuỷ lực để đảm bảo an toàn, đặc biệt là với nhà ở chung cư, vì gió lùa rất mạnh”.
Một số tai nạn khác của trẻ là trẻ trẻ ngã vào chậu nước trong nhà vệ sinh, trẻ với tay làm đổ nồi canh, chảo dầu vừa sôi, xung quanh nhà có ao hồ nhưng không được rào chắn, biển cảnh báo…
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, Bộ LĐ,TB&XH đã ban hành quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH về tiêu chí xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ. Người dân có thể dựa theo các tiêu chí này để rà soát lại ngôi nhà để đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết ngôi nhà an toàn phải có 33 tiêu chí chia làm 6 nhóm: An toàn xung quanh ngôi nhà, an toàn trong các phòng trong nhà, an toàn về điện, an toàn cầu thang và lan can, an toàn các đồ dùng gia đình và một số quy định an toàn khác.
Ngôi nhà an toàn phải đảm bảo trong năm không có trẻ em bị tai nạn thương tích tại nhà và phải đạt 23/33 các tiêu chí trong đó có 15 tiêu chí bắt buộc. Đặc biệt, trong các tiêu chí có những tiêu chí đảm bảo an toan cho trẻ dưới 6 tuổi rất cần thiết đối với các bậc phụ huynh.

Những tiêu chí an toàn là xung quanh ngôi nhà cần có cửa, cổng, hàng rào chắc chắn, độ cao phù hợp với lứa tuổi của trẻ em; đường đi vào nhà và sân quanh nhà phải phù hợp, không trơn trượt và an toàn cho trẻ em. Nền nhà cao phải có bậc thềm cho trẻ lên, xuống phù hợp với lứa tuổi; xung quanh ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực nhà ở phải có hàng rào chắc chắn đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Giếng nước, bể nước hoặc các đồ dùng chứa nước khác phải có nắp đậy an toàn; xung quanh ngôi nhà phải được phát quang; vật nuôi trong nhà phải được nuôi giữ đảm bảo an toàn cho trẻ; những dụng cụ, đồ dùng nguy hiểm hoặc vật chứa chất độc hại nguy hiểm phải để trong kho chứa đồ an toàn.
Trước thực trạng số trẻ bị tai nạn thương tích diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 14.10.2024 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25.12.2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm thống nhất trong chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động về vị trí, vai trò của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em và trách nhiệm thực hiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25.12.2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (Chỉ thị số 28-CT/TW) để các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng chương trình hoặc kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Kế hoạch đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em…