Bé gái 4 tuổi bỏng nặng do nghịch bật lửa

PHẠM NGÂN

VHO - Trong lúc bất cẩn gia đình không để ý đến, bé gái N.H.Y., 4 tuổi chơi đùa với bật lửa và bị cháy bén vào áo. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt, cổ, bụng, tay phải, trên nền tổn thương có màng thuốc thầy lang đắp đang bám, nhiều dịch và giả mạc.

Ngày 22.10, khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đơn vị đang tích cực điều trị cho một bệnh nhi 4 tuổi bị bỏng nặng do lửa cháy lây sang người.

Trước đó, cháu N.H.Y., 4 tuổi, trú tại xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhập viện trong tình trạng tổn thương bỏng vùng mặt cổ, ngực bụng, tay phải, trên nền tổn thương có màng thuốc thầy lang đắp đang bám, nhiều dịch và giả mạc.

Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành hội chẩn, kết luận bệnh nhi bị bỏng nhiệt khô 20% độ III, IV. Cháu Y. được điều trị bằng kháng sinh, truyền dịch và nâng cao thể trạng. Các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cắt lọc những phần bị hoại tử và ghép da tự thân.

Bé gái 4 tuổi bỏng nặng do nghịch bật lửa - ảnh 1
Bệnh nhi đang được theo dõi và điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng. Ảnh: Hoàng Yến

Sau ca ghép da, cháu Y. được theo dõi chặt chẽ và chăm sóc đặc biệt. Mỗi tuần, khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng sẽ thực hiện ghép da tự thân cho cháu một lần.

TS.BS. Thái Văn Bình, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đây là trường hợp bị bỏng lửa nặng. Vết bỏng chủ yếu ở những vị trí cực kỳ nguy hiểm. Nếu bệnh nhi không được cấp cứu, phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Cháu Y. đã trải qua 2 lần ghép da và đang được tiếp tục theo dõi.

Gia đình cháu N.H.Y. cho biết trong lúc bất cẩn không để ý đến, cháu Y. chơi đùa với bật lửa và bị cháy bén vào áo. Phát hiện sự việc, gia đình lập tức dập lửa và đưa bé tới thầy lang gần nhà đắp thuốc điều trị.

Sau đó, Y. xuất hiện co giật, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Quang Thành cấp cứu. Tuy nhiên bị quá nặng, bệnh nhi được chuyển vào khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vào ngày 30.9.

Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng trung bình mỗi ngày điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân, trong đó có từ 10 đến 15 bệnh nhi bị bỏng các loại. Theo bác sĩ cho biết: Khoa đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhi bị bỏng các loại: bỏng nước, bỏng lửa, bỏng do chế tạo pháo... Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ nhỏ chưa hiểu hết được mức độ nguy hiểm khi không may gặp sự cố. Bên cạnh đó là sự bất cẩn của phụ huynh, không để ý, giám sát chặt chẽ đến trẻ.

Qua đây các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm, giáo dục và để xa tầm tay của trẻ các vật dụng nóng, sôi, các chất dễ cháy nổ, các chất sinh lửa, đồ điện... Khi phát hiện trẻ bỏng cần rửa vết bỏng bằng nước sạch để làm giảm nhiệt độ tại vết bỏng và giảm độ sâu của vết bỏng. Nếu bị bỏng ở tay hoặc chân có thể ngâm tay, chân trong chậu nước hoặc dùng vòi nước chảy xả trực tiếp vào vùng bị bỏng. Sau đó cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc