Nghệ An:
Xã biên giới oằn mình khắc phục hậu quả sau trận lũ lịch sử
VHO - Sau trận lũ lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha) và hoàn lưu, xã biên giới Nghệ An hiện đang chìm trong bùn đất, cây cối đổ ngổn ngang, tài sản của người dân bị cuốn trôi, thiệt hại nặng nề. Chính quyền địa phương đang huy động tổng lực để dọn dẹp, khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống cho người dân.
Chiều 23.7, khi nước lũ bắt đầu rút dần, toàn bộ xã Mường Xén vẫn trong tình trạng hoang tàn. Bùn đất dày đặc phủ kín khắp đường làng, ngõ xóm, có nơi ngập sâu đến hơn 50cm khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Trên các tuyến đường liên bản, cây cối bị lũ cuốn đổ la liệt, cùng với rác rưởi và vật dụng sinh hoạt lẫn lộn tạo nên khung cảnh tan hoang.

Chị Nguyễn Thị Oanh, người dân xã Mường Xén, chưa hết bàng hoàng kể lại: “Chiều tối 22.7, nước lũ bất ngờ dâng rất nhanh. Cả nhà chỉ kịp đưa người già và trẻ nhỏ đến nơi cao, còn đồ đạc, tài sản thì không thể mang theo được. Hôm nay về chúng tôi mở cửa ra thì nhà cửa ngập trong bùn đất, nhiều vật dụng đã bị cuốn trôi”.
Những gì còn sót lại sau trận lũ là những đống bùn nhão nhoẹt, cây cối gãy đổ và tiếng thở dài của người dân vừa thoát khỏi thiên tai.

Lực lượng chức năng địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, huy động máy múc, xe cào để dọn bùn, giải tỏa đường đi, khơi thông cống rãnh.
Tại cầu Mường Xén tuyến giao thông huyết mạch kết nối xã với các vùng lân cận rác thải và cây cối bịt kín mặt cầu, khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn.
Nhiều đoạn Quốc lộ 7, tuyến đường quan trọng nối từ Quốc lộ 1A lên vùng cao các bản làng xã khác vẫn đang bị ngập sâu, buộc các phương tiện lưu thông đến địa bàn Con Cuông phải quay đầu.

Không chỉ mất mát về tài sản, mưa lũ còn gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, đến chiều 23.7, toàn tỉnh ghi nhận 1 người chết, 1 người mất tích và 4 người bị thương do lũ.
Cụ thể, bà Vừ Y Xìa (78 tuổi, trú bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai) bị đất đá từ núi sạt xuống vùi lấp; bà Lỳ Y Dinh (70 tuổi, bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn) bị lũ cuốn trôi, hiện vẫn đang mất tích.

Tổng cộng có 417 căn nhà bị hư hỏng, thiệt hại nghiêm trọng tại các xã: Bạch Ngọc, Quang Đồng, Yên Thành, Vĩnh Tường, Châu Bình, Nhôn Mai, Yên Hòa, Na Loi, Hữu Kiệm, Mường Xén, Yên Na, Nậm Cắn, Lượng Minh, Tri Lễ.
Hơn 3.200 hộ dân bị ngập nhà, trong đó riêng huyện Tương Dương có tới 2.210 hộ, Con Cuông 340 hộ, Tam Quang 145 hộ, Mường Xén 528 hộ…
Tại các trụ sở cơ quan, trường học, bùn đất tràn vào lớp học, phòng làm việc. Cán bộ, công chức và các lực lượng tại chỗ phải dọn rửa từng bức tường, từng ô cửa sổ với hy vọng sớm đưa mọi hoạt động trở lại bình thường.
Trên các bản làng, người dân bắt đầu trở về sau lũ, thu gom những vật dụng còn sót lại, dọn dẹp tạm bợ trong căn nhà ngập bùn.

Một cán bộ xã Tương Dương nghẹn ngào nói: “Lũ đến quá nhanh, người dân không kịp trở tay. Tài sản tích góp cả đời giờ mất sạch. Dù sống ở vùng lũ đã lâu, nhưng trận lũ lớn như lần này tôi chưa từng chứng kiến. Nhiều gia đình bây giờ không còn gì cả, đã nghèo nay lại càng khốn khó hơn”.
Hỗ trợ bà con vùng lũ, lực lượng Bộ đội Biên phòng vẫn đang đóng vai trò nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn.
Ngay từ trước khi bão số 3 đổ bộ, các đồn Biên phòng đã rà soát, bổ sung phương án phòng chống thiên tai, duy trì trực chiến 100%, tổ chức lực lượng xuống từng bản làng xung yếu giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Sau khi lũ rút, cán bộ, chiến sĩ tiếp tục có mặt tại các điểm bị cô lập, hỗ trợ nhân dân dọn bùn đất, khơi thông đường sá, tiếp tế nhu yếu phẩm. Tinh thần “giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim” đã được phát huy mạnh mẽ.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn, chính quyền các xã miền núi và các lực lượng hỗ trợ đang nỗ lực để giúp người dân vượt qua giai đoạn hậu thiên tai.
Các đoàn cứu trợ cũng đã bắt đầu tiếp cận được nhiều điểm bị chia cắt, mang theo nhu yếu phẩm, nước sạch, lương thực hỗ trợ bà con vùng lũ.