Việt Nam đứng thứ 8 về chỉ số thông thạo tiếng Anh tại châu Á
VHO - Ngày 13.11, Tổ chức giáo dục Education First Việt Nam (EF Việt Nam), chính thức công bố chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu năm 2024 (English Proficiency Index 2024 (EF EPI 2024).
Đây là báo cáo đánh giá và xếp hạng uy tín trên thế giới, được công bố hằng năm từ 2011 với quy mô hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, Việt Nam được xếp hàng thứ 8 về mức độ thông thạo tiếng Anh ở khu vực châu Á.
Chỉ số EPI năm 2024, được phân tích từ kết quả kiểm tra của 2,1 triệu người không phải người bản ngữ nói tiếng Anh, từ 18 tuổi trở lên, tại 116 quốc gia và khu vực, đã chỉ ra rằng tình trạng trình độ tiếng Anh trên toàn thế giới đang giảm sút, trong đó nam giới vẫn thành thạo hơn phụ nữ và người trẻ ở độ tuổi lao động thì thành thạo hơn cả sinh viên và người lớn trên 40 tuổi.
Những phát hiện quan trọng trong báo cáo EPI 2024 cho biết trình độ tiếng Anh toàn cầu đang giảm sút, khoảng cách giới tính vẫn tồn tại, sự thay đổi theo khu vực, tác động của trí tuệ nhân tạo (AI),…
Năm nay là năm thứ tư liên tiếp trình độ tiếng Anh toàn cầu giảm, với 60% các quốc gia trong bảng xếp hạng có điểm số thấp hơn so với năm ngoái.
Tuy nhiên, một điểm sáng là nhóm tuổi trẻ từ 18-20 đã chững lại đà suy giảm kéo dài (tăng 5 điểm so với 2023 sau khi đã giảm 89 điểm từ năm 2015). Dù vậy, vẫn còn quá sớm để dự đoán liệu xu hướng hồi phục có thể tiếp diễn.
Nói về khoảng cách giới tính vẫn tồn tại, EF Việt Nam cho biết, trong khi trình độ tiếng Anh của phụ nữ giữ ổn định, thì của nam giới lại giảm, giúp thu hẹp khoảng cách giới tính. Tuy nhiên, vẫn có 40 quốc gia mà nam giới vượt trội hơn phụ nữ đáng kể (hơn 20 điểm), tương tự năm 2023.
Đáng chú ý, châu Phi là lục địa duy nhất mà phụ nữ có trình độ tiếng Anh tốt hơn nam giới một cách bền vững, và đây cũng là khu vực mà phụ nữ cải thiện rõ rệt nhất.
Trên toàn cầu, chênh lệch giới tính lớn nhất ở nhóm tuổi trẻ (14 điểm) và thu hẹp dần với nhóm trên 40 tuổi (còn 3 điểm).
Theo báo cáo EPI 2024, chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu năm 2024 đang có sự thay đổi theo khu vực. Châu Á ghi nhận mức giảm lớn nhất về trình độ tiếng Anh so với năm ngoái, phần lớn do Ấn Độ và phần nào là do Trung Quốc.
Ở châu Âu, trình độ tiếng Anh cũng giảm nhẹ, với mức giảm rõ rệt hơn trong EU so với ngoài EU trong bốn năm qua. Tại Mỹ Latinh, trình độ tiếng Anh duy trì ổn định sau nhiều năm tăng trưởng, nhưng một số quốc gia như Brazil, El Salvador và Cuba giảm hơn 10 điểm, trong khi Mexico có dấu hiệu phục hồi nhẹ, còn Uruguay và Colombia tiếp tục cải thiện đều đặn.
Ngược lại, tại Trung Đông, trình độ tiếng Anh dần tăng trưởng ổn định với sự dẫn đầu của Saudi Arabia.
Ngày nay, các mô hình ngôn ngữ lớn mang đến nhiều lợi ích cho người học tiếng Anh, như luyện tập, giải thích, và sửa lỗi mà không gây cảm giác ngại ngùng cho người học.
Những công cụ mới này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn, chẳng hạn việc cá nhân hóa hỗ trợ cho các nhu cầu cụ thể như đánh giá khả năng nói, đóng vai trong hội thoại, và đưa ra góp ý thân thiện.
Theo đánh giá, nhờ hiệu quả vượt trội của các công cụ AI hỗ trợ dạy tiếng Anh, các chỉ số đánh giá sự thông thạo ngôn ngữ này có thể tăng thêm theo thời gian, thay vì giảm đi, vì người nói tiếng Anh có thể tiếp cận nhiều công cụ hỗ trợ AI mạnh mẽ, đáng tin cậy hơn những người khác.
Về mối quan hệ giữa tiếng Anh và việc làm, nghiên cứu năm nay chỉ ra rằng nhóm ngành dịch vụ, hàng không, truyền thông, thể thao và giải trí là các nhóm ngành có nguồn nhân lực với mức thông thạo Tiếng Anh cao nhất.
Đối với nhiều chuyên gia, dù kinh nghiệm chuyên môn ở mức cao, nhưng trình độ Tiếng Anh thấp hơn mức trung bình là rào cản cho sự phát triển nghề nghiệp và tiếp cận thông tin.
Đối với các cá nhân, việc nói tiếng Anh mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, cơ hội học tập đa dạng, cơ hội có mức lương cao hơn và sự độc lập hơn so với mặt bằng lao động chung của từng địa phương. Hầu hết các cá nhân học Tiếng Anh thường thu nhận những kiến thức cơ bản thông qua những chương trình đào tạo quy chuẩn.
Do đó, sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các chương trình đào tạo Anh Ngữ chất lượng được xem như một nhân tố thúc đẩy sự không công bằng. Điều này sẽ kìm hãm tiềm năng phát triển của con người và truyền dẫn sự bất công này sang các thế hệ tiếp theo.
Tại Việt Nam, chỉ số thành thạo tiếng Anh của năm 2024 đạt 498 điểm, xếp thứ 63 trên tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ, và nằm trong nhóm có mức độ thông thạo “thấp”.
So sánh với 2023, xu hướng thành thạo tiếng Anh của người Việt đã giảm 5 bậc so với năm ngoái (2023 - 58 trên 113 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Việt Nam được xếp hàng thứ 8 về mức độ thông thạo tiếng Anh ở khu vực châu Á, sau Singapore, Philippines, Malaysia, Hong Kong, Nam Hàn, Nepal và Bangladesh.
Ông Mark Do, Giám đốc EF Education First tại Việt Nam, chia sẻ: “Việc đầu tư phát triển các kỹ năng ngoại ngữ cho thế hệ trẻ luôn nhận được sư quan tâm mạnh mẽ từ các cơ quan ban ngành và từ chính các bậc phụ huynh cùng học sinh.
Chúng tôi tự hào khi chứng kiến sự thành công của các bạn trẻ Việt Nam khi họ ngày càng phát triển các kỹ năng mềm, trong đó có tiếng Anh.
Thông qua ngôn ngữ quốc tế này, các bạn không những chỉ có cơ hội làm việc trực tiếp với các đồng nghiệp và đối tác từ khắp nơi trên thế giới mà còn tiếp cận được nguồn tri thức vô tận cũng như tăng cường những hiểu biết về nhiều nền văn hóa khác nhau”.
Giám đốc EF Education First tại Việt Nam bày tỏ hi vọng chỉ số EPI năm nay, như thường lệ, sẽ góp phần bổ sung thêm một góc nhìn khách quan cho việc định hướng chiến lược đào tạo và kế hoạch phát triển trình độ tiếng Anh cho học sinh, sinh viên, và nguồn nhân lực trẻ trong bối cảnh toàn cầu hóa đã và đang diễn ra sâu rộng tại Việt Nam.