Việt Nam xếp thứ 7 châu Á chỉ số thông thạo Anh ngữ

VHO - Ngày 11.12, tại TP.HCM, Công ty TNHH EF Education First Việt Nam (gọi tắt là EF) đã công bố ấn bản Chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu năm 2023 (EPI 2023). Chỉ số thành thạo tiếng Anh của Việt Nam năm 2023 đạt 505/800 điểm, xếp thứ 58 trên tổng số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 7 khu vực châu Á và thứ 4 Đông Nam Á.

Việt Nam xếp thứ 7 châu Á chỉ số thông thạo Anh ngữ - Anh 1

Đại diện EF thông tin về kết quả khảo sát 

Tại buổi công bố, đại diện EF cho biết, để tạo ra ấn bản EPI 2023 (Chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu năm 2023), đơn vị đã phân tích kết quả của 2,2 triệu người trưởng thành đã tham gia bài kiểm tra Tiếng Anh EF SET trong năm 2023, với sự tập trung đặc biệt vào các xu hướng thay đổi về trình độ tiếng Anh trên toàn cầu kể từ khi ấn bản EF EPI đầu tiên được công bố vào năm 2011.

“Trình độ tiếng Anh của thế hệ trẻ đang bị suy giảm ở một số nơi. Nhóm tuổi trẻ nhất (18-20 tuổi) đang có sự suy giảm về khả năng sử dụng tiếng Anh, đặc biệt là khu vực Châu Á và châu Mỹ La tinh. Lý do có lẽ đến từ sự gián đoạn của hệ thống giáo dục trong thời kỳ đại dịch. Hiện chưa rõ liệu sự thiếu hụt kiến thức do Covid-19 có thể tự điều chỉnh được trong tương lai hay không, nhưng đối với thế hệ học sinh sau này, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi sự phục hồi nhanh chóng”, đại diện EF cho biết. 

Đáng chú ý, trình độ tiếng Anh của lực lượng lao động đang tăng. Những người đi làm đang ngày càng nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh kể từ năm 2015, đây cũng là năm đầu tiên EF bắt đầu công bố điểm số EPI theo nhóm tuổi. Lực lượng lao động đang phát triển khả năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường công việc thông qua các chương trình đào tạo sẵn có hoặc qua sự tự phát triển của cá nhân. Điều này phù hợp với nhu cầu tăng lên đáng kể về các khóa học tiếng Anh chuyên nghiệp trong thập kỷ qua, khi các công ty và nhân viên đang cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa yêu cầu của môi trường làm việc toàn cầu và khả năng tiếng Anh họ đã học trong các chương trình giáo dục chính thống.

Ở góc độ giới, trong suốt thập kỷ qua trên toàn cầu, trình độ tiếng Anh của nam giới đã được cải thiện, trong khi ở phụ nữ lại giảm nhẹ. Điều này có vẻ gây ngạc nhiên bởi các quốc gia đã có sự tiến bộ trong việc đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng về giáo dục, sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong các bậc học cao hơn và kết quả học tập tổng thể của các học sinh nữ. Các quốc gia có mức mất cân bằng kỹ năng giữa nam và nữ cao sẽ cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

Châu Âu vẫn đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh. Tuy nhiên, một số nền kinh tế lớn của châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Ý) vẫn chưa đạt được cùng mức độ thành thạo ngôn ngữ này giống như các nước láng giềng của họ. 

Khu vực Nam Á và Đông Nam Á có sự giảm nhẹ về trình độ tiếng Anh trung bình, tuy nhiên nhiều quốc gia trong khu vực này vẫn giữ điểm số ổn định hoặc tăng nhẹ. Số điểm trung bình ở khu vực này bị ảnh hưởng bởi trình độ tiếng Anh ở Ấn Độ đã giảm dần trong vài năm qua. Thêm vào đó, điểm số của Thái Lan cũng bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch. Ở Trung Á, trình độ tiếng Anh thấp và ổn định, với khoảng cách giới tính cao hơn mức trung bình, xu hướng chênh lệch nam giới hơn nữ giới đều có ở hầu hết các quốc gia này.

Ông Mark Do, Giám đốc Quốc gia EF Education First Việt Nam cho biết: Chỉ số thành thạo Anh ngữ của Việt Nam năm 2023 đạt 505/800 điểm, xếp thứ 58 trên tổng số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, và nằm trong nhóm có mức độ thông thạo trung bình. 

Cách đây hai năm, Việt Nam chỉ đạt 486 điểm và nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ thông thạo thấp. Trong báo cáo năm nay, mức độ thông thạo tiếng Anh của người Việt đã tăng 9 điểm, xếp thứ 7 trong khu vực châu Á, cao hơn điểm số của Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang xếp vị trí thứ 4, chỉ sau Singapore, Philipines và Malaysia. 

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc