Vì sao tai nạn giao thông vẫn nhức nhối?

THẾ TUẤN

VHO - Mới đây, trong chương trình công tác tại Bắc Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị sơ kết một năm xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” do Tỉnh ủy Bắc Ninh và Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp tổ chức.

Vì sao tai nạn giao thông vẫn nhức nhối? - ảnh 1
Tai nạn giao thông luôn để lại hậu quả nặng nề. Ảnh: NGHĨA TUẤN

 Năm 2023, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”.

Tỉnh an toàn giao thông đầu tiên của cả nước

Các mục tiêu chính là: Thay đổi diện mạo tình hình trật tự ATGT; lấy con người làm trung tâm, là trọng tâm, là chủ thể, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản khi tham giao thông; khơi dậy niềm tự hào, hình thành đặc trưng “văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh; khắc phục triệt để các bất cập trong tổ chức giao thông, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đào tạo lái xe, kiểm định phương tiện; ứng dụng triệt để công nghệ trong xử lý vi phạm giao thông.

Qua một năm triển khai thực hiện, ý thức chấp hành pháp luật tham gia giao thông ở Bắc Ninh chuyển biến rõ nét, trật tự ATGT của tỉnh chuyển biến tích cực. Tổ chức giao thông trên địa bàn tỉnh được rà soát kỹ lưỡng, các điểm đen, tiềm ẩn tai nạn giao thông được xử lý 100%; lắp 100% gờ, gồ giảm tốc từ ngõ ra đường (lắp thêm 6.010 điểm). Hạ tầng giao thông được tăng cường, nhiều công trình trọng điểm được quyết liệt đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành; một số bất cập tồn tại nhiều năm đã được khắc phục. Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ATGT là một nội dung quan trọng trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và là vấn đề liên quan đến mọi người, mọi nhà. Thủ tướng hoan nghênh Bắc Ninh là địa phương đầu tiên được Bộ Công an lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình tỉnh ATGT và đã có những cách làm, bước đi phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện cụ thể trên địa bàn, đạt những kết quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt trật tự ATGT của tỉnh, góp phần bảo vệ cuộc sống bình an của nhân dân.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý công tác bảo đảm trật tự ATGT vẫn còn nhiều thách thức; ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn; tai nạn giao thông ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối. Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác tuyên truyền để thấm sâu vào mỗi người dân, chú trọng giáo dục ý thức giao thông cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ; với những việc mới thì vừa làm vừa thí điểm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; vì an toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà. Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; Tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan bảo đảm trật tự an toàn giao thông tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Từ thành công của mô hình ở Bắc Ninh, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu nhân rộng mô hình “Tỉnh an toàn giao thông”.

Nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông

Thông tin từ Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, tai nạn giao thông trong 8 tháng đầu năm 2024 làm chết 7.077 người, tăng 1.847 vụ (13,01%) so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 8 (tính từngày 15.7 đến ngày 14.8), toàn quốc xảy ra 1.801 vụtai nạn giao thông làm chết 873 người, bị thương 1.272 người.

So với tháng cùng kỳnăm 2023, tai nạn giao thông giảm 7 vụ(0,39%), giảm 119 người chết (-12%), tăng 44 người bị thương (3,58%). Trong đó, đường bộxảy ra 1.780 vụ, làm chết 8.671 người, bị thương 1.266 người. Tai nạn đường sắt 13 vụ, làm chết 8 người, bị thương 5 người. Tai nạn đường thủy ghi nhận 6 vụ, làm 4 người chết, bị thương 1 người. Tai nạn hàng hải 2 vụ, không có người bị chết. Cụ thể, theo Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, tính từngày 15.12.2023 đến 14.8.2024, toàn quốc xảy ra 16.043 vụtai nạn giao thông, làm chết 7.077 người, bị thương 12.248 người. So với 8 tháng năm 2023, tăng 1.847 vụ(13,01%), giảm 836 người chết (-10,56%), tăng 2.764 người bị thương (29,14%). Trong đó, tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ chiếm nhiều nhất, với 15.905 vụ, làm chết 6.987 người. Đường sắt ghi nhận 97 vụ tai nạn, làm chết 68 người, 23 người. Đường thủy ghi nhận 36 vụ, làm chết 21 người, bị thương 6 người. Hàng hải ghi nhận 5 vụ, làm chết 1 người, không có người bị thương.

Tai nạn giao thông là nỗi đau của xã hội, vì thế việc tìm giải pháp kéo giảm số vụ, số người chết, số người bị thương luôn được đặt ra, đòi hỏi ý thức và sự chung tay của toàn xã hội. Nhiều hội thảo phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp được tổ chức, đặc biệt là sau những vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến nhiều người thiệt mạng. Giới chuyên gia trong lĩnh vực này đã phân tích, mổ xẻ những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông. Đáng chú ý, dựa vào việc phân tích nguyên nhân gây tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đã xác định 80% trong tổng số các vụ tai nạn xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện vi phạm. Người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia, ma túy được cho là nguy hiểm nhất, do có nhiều khả năng mất kiểm soát, giảm khả năng tập trung, mất phản xạ và tăng nguy cơ va chạm gây hại cho bản thân và người khác.

Các nguyên nhân khác bao gồm vi phạm tốc độ, luật giao thông (vượt quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, quay đầu xe không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn); Đi không đúng làn đường, phần đường; Thiếu tập trung, quan sát, ít quan tâm đến tình trạng mặt đường, biển báo, cọc tiêu, tường hộ lan, vạch kẻ đường và xe đi ngược chiều; Không tuân thủ quy tắc ưu tiên khi lưu thông (không nhường đường cho phương tiện ưu tiên, di chuyển vào ngã tư không nhường đường, không chú ý quan sát, không giữ khoảng cách an toàn với phương tiện ưu tiên, vượt xe ưu tiên đang đi trên đường)...

Một nguyên nhân nữa (ngoài hành vi của người lái xe) dẫn tới tai nạn giao thông là phương tiện lưu thông không đảm bảo an toàn kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống phanh và lốp xe, nếu không được kiểm tra và bảo trì đúng cách sẽ dễ dẫn đến tai nạn. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc