Vì sao Hội thi “Tiếng hót chim chào mào cảnh” ở Huế không được cấp phép?
VHO - Sở VHTT Thành phố Huế đã có văn bản thông báo chưa xem xét tổ chức Hội thi “Tiếng hót chim chào mào cảnh” vì liên quan đến các quy định của pháp luật về động vật hoang dã.

Ngày 14.3, Sở VHTT Thành phố Huế đã có văn bản gửi Công ty CP Đầu tư và phát triển 75 Group thông báo về việc chưa xem xét tổ chức Hội thi “Tiếng hót chim chào mào cảnh” mà đơn vị này đề xuất.
Sau khi có ý kiến của các ngành liên quan gồm: Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Chăn nuôi và thú y, UBND quận Thuận Hóa và các thông tin mà doanh nghiệp cung cấp, Sở VHTT đã quyết định chưa xem xét cho phép tổ chức hội thi này.
Chim chào mào có tên khoa học là Pycnonotus Jocosus, là loài thuộc động vật rừng thông thường, có nguồn gốc hoang dã. Việc tổ chức Hội thi “Tiếng hót chim chào mào cảnh” chỉ được thực hiện khi các cá thể chim chào mào được nuôi nhốt theo quy định của pháp luật.
Theo Sở VHTT Thành phố Huế, tại tiêu chí thể lệ hội thi mà doanh nghiệp đưa ra chưa quy định các cá thể tham gia phải đảm bảo quy định của pháp luật. Vì vậy, chưa đảm bảo điều kiện để các ngành tham mưu, báo cáo UBND Thành phố Huế xem xét tổ chức hội thi.
Sở VHTT cũng đề nghị Công ty CP Đầu tư và phát triển 75 Group liên hệ Chi cục Kiểm lâm Thành phố Huế để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục nuôi nhốt động vật rừng thông thường theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Công ty CP Đầu tư và phát triển 75 Group đã có văn bản xin phép UBND Thành phố Huế về tổ chức Hội thi “Tiếng hót chim chào mào cảnh”. UBND Thành phố đã giao Sở VHTT xem xét để trả lời doanh nghiệp.
Công tác bảo vệ chim di cư, chim hoang dã đã được các địa phương trong cả nước quan tâm, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 04/2022 về một số nhiệm vụ, giải pháo cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Tại Huế, từ năm 2020, UBND tỉnh (nay là UBND Thành phố Huế) đã có Chỉ thị 01/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời. Trong đó, chào mào là một trong những loài chim trời cần được bảo vệ.
Ngành kiểm lâm địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp trong công tác thực hiện bảo vệ chim hoang dã, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng đặt bẫy, săn bắt, mua bán trái phép chim chim hoang dã. Đồng thời, tuyên truyền và vận động cộng đồng cùng chung tay bảo vệ chim trời, chim hoang dã.
Cuối năm 2024, lực lượng kiểm lâm Thành phố Huế đã phát hiện gần 1.000 con chim chào mào hoang dã được tập kết ở bến xe. Cơ quan chức năng đã lập biên bản vụ việc và thả chim về môi trường tự nhiên.