Ngăn chặn nạn săn bắt chim trời

VHO- Dịp tháng 9, 10 hằng năm là mùa các loài chim di cư đến những cánh đồng, lùm cây ven khu vực đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế để trú ngụ. Chính vì thế, đây cũng là mùa người dân đặt bẫy, đánh bắt chim trời với nhiều hình thức khác nhau, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của quần thể chim di cư, thậm chí đã nhiều loài bị tận diệt, gây mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Các hành vi này vi phạm quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, vi phạm quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17.5.2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Ngăn chặn nạn săn bắt chim trời - Anh 1

 Lực lượng chức năng giải cứu các cá thể cò và thả về môi trường tự nhiên

Nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã liên tục có các chỉ đạo “nóng” liên quan đến việc bảo vệ chim trời, động vật hoang dã nhằm hạn chế đến mức thấp nhất và tiến tới chấm dứt tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng, các loại chim trời; đồng thời từng bước xây dựng Huế trở thành đô thị với những lâm viên xanh, là nơi trú ngụ an toàn của các loài chim thú… Chỉ thị của UBND tỉnh cũng yêu cầu nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, đơn vị, cá nhân ăn thịt cũng như sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng và các loài chim trời.

Tiếp tục đẩy mạnh giữ gìn môi trường sinh thái, đảm bảo cho quần thể chim di cư có nơi trú ngụ, từ tháng 9.2023 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai lực lượng ở các địa phương để ngăn chặn tình trạng đặt bẫy chim. Trên những cánh đồng, khu vực lùm cây ven đầm phá các huyện Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy…, hệ thống bẫy như lưới, cò giả bằng xốp, que tre dính keo… đã bị đơn vị kiểm lâm và lực lượng chức năng tại địa phương truy quét, tháo dỡ, nhiều cá thể chim di cư được giải cứu kịp thời và thả về môi trường tự nhiên.

Mặc dù cơ quan chức năng ráo riết xử lý tình trạng săn bắt, kiểm tra các chợ, địa điểm thường mua bán chim trời nhưng tình trạng rao bán chim vẫn tái diễn, công khai. Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Công tác xử lý khó khăn do lực lượng kiểm lâm không thể tuần tra hết các tuyến đường, các chợ; các điểm mua bán chim trời chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, không cố định địa điểm. Chính vì thế, Chi cục kêu gọi người dân khi phát hiện việc săn bắt, mua bán chim trời, thú hoang cần nhanh chóng cung cấp thông tin cho lực lượng kiểm lâm để xử lý. Các hành vi vi phạm nếu bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật”.

Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có văn bản gửi đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đề nghị phối hợp tuyên truyền, khuyến cáo Phật tử không mua, bán các loài chim hoang dã để phóng sinh, vì đây là hành động “tiếp tay” cho hành vi săn bẫy chim hoang dã trái phép; đồng thời, tuyệt đối không cho phép người dân vào khuôn viên các chùa để mua bán chim phóng sinh.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền về bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã. Gần 60 doanh nghiệp, đơn vị du lịch trên địa bàn đã tham gia ký cam kết chung tay bảo tồn các loài chim thú. Với sự hỗ trợ của USAID, thông qua Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, WWF-Việt Nam cùng các đối tác đã và đang đồng hành triển khai các chương trình, sáng kiến về bảo tồn đa dạng sinh học, hoàn thiện khung chính sách, thực thi chính sách liên quan, phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ở vùng đệm các vườn quốc gia và khu bảo tồn, tăng cường truyền thông thay đổi hành vi, giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phầm từ động vật rừng và chim hoang dã.

 THÙY AN

Ý kiến bạn đọc