Vé máy bay đã “giảm nhiệt”
VHO - Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, kết quả rà soát, kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không cho thấy: Giá vé tăng cao nhất là 39,9%, nhưng không vượt trần.
Ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhận định, “các hãng hàng không đều tuân thủ về mức giá vé máy bay, đồng thời thực hiện đúng quy định về niêm yết, kê khai giá theo quy định”.
Vé “0 đồng”đã quay trở lại
Thực tế, mức giá vé phổ thông giai đoạn từ ngày 1.1 đến 30.4.2024 của các hãng đã tăng đáng kể. Với 3 đường bay chính: Hà Nội - TP.HCM; Hà Nội - Đà Nẵng và TP.HCM - Đà Nẵng, giá vé trung bình của hai hãng mang tính “dẫn dắt thị trường” là Vietnam Airlines lần lượt tăng 19,9%; 28,4% và 14,9% và Vietjet tăng 17,9%; 39,9% và 27%.
Cho tới nay, giá vé bay cơ bản đã giảm. Tham khảo tại 440 đại lý của Vietnam Airline (332 đại lý truyền thống, 108 đại lý online) và 1.342 đại lý Vietjet (60 đại lý online, 6 phòng vé trực thuộc) thì giá ở các trục bay chính đều đã về mức trước tháng 4.2024; đặc biệt vé bay “0 đồng” của Vietjet đã xuất hiện trở lại. Các hãng cũng mở bán nhiều vé giá rẻ cho hành khách tới các trung tâm, điểm du lịch lớn. Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, nhiều đường bay đã giảm giá chỉ còn khoảng 1/2 so với thời điểm nghỉ lễ 30.4 - 1.5.
Ngày 16.5, khảo sát một số website bán vé cho thấy, chặng bay TP.HCM - Hà Nội của Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines có nhiều chuyến chỉ hơn 1,4 triệu đồng/chiều; Vietjet Air khoảng 1,6 triệu đồng/chiều. Trong đó các đường bay du lịch trọng điểm đều đã được mở bán với mức giá ưu đãi: Hà Nội - Cam Ranh từ 1.648.000 đồng/chiều; Hà Nội - Đà Nẵng từ 1.216.000 đồng/chiều; TP.HCM - Đà Nẵng, Huế từ 1.227.000 đồng/ chiều; TP.HCM - Quy Nhơn từ 1.152.000 đồng/chiều; TP.HCM - Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang đều từ 1.098.000 đồng/chiều (đã bao gồm thuế, phí)… Ngay cả với đường bay cao nhất đợt lễ vừa qua là Hà Nội - Phú Quốc, thì giá tham khảo của Vietjet bay vào ngày 18.5 là 1,5 triệu đồng/ chiều (giảm hơn 1 triệu đồng) và khoảng 3 triệu đồng/chiều của Vietnam Airlines. Trước đó, đợt 27.4, giá vé thấp nhất của Vietnam Airlines trên chặng này là gần 4,5 triệu đồng/chiều.
Đáng chú ý, theo Cục Hàng không Việt Nam, dù giá thuê máy bay (thuê khô và thuê ướt) trung bình đã tăng 20-30% so với thị trường trước và ngay sau đại dịch Covid-19, nhưng mùa hè này sẽ cố gắng kéo giá vé xuống bằng cách mở bán tăng cường thêm nhiều chuyến vào các khung giờ muộn từ sau 21h; tập trung tăng chuyến một số đường bay có điểm du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…
Du lịch là chuỗi liên kết dịch vụ của nhiều đơn vị, từ công ty lữ hành, đến các hãng hàng không, địa điểm lưu trú, nhà hàng, địa điểm tham quan... Để hình thành các sản phẩm du lịch kích cầu, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, cần sự tham gia, đồng thuận và triển khai đồng loạt từ tất cả các bên. Các phương tiện vận tải khác hay các cơ sở lưu trú, nhà hàng… cũng cần cân đối các mức giá hợp lý để tạo nên những gói tour, hình thức tour phù hợp với khách hàng, qua đó thúc đẩy du lịch phát triển. Cùng với đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng khuyến cáo người dân nên chủ động lên kế hoạch cho chuyến đi từ sớm để có cơ hội mua vé máy bay trong dải giá thấp và trung bình.
Thay đổi “tư duy tranh thủ”
Như vậy tới nay, giá vé bay cao điểm du lịch hè đã giảm nhiệt. Nhưng vấn đề đặt ra là sẽ duy trì được bao lâu khi mà “tư duy tranh thủ” vẫn tồn tại.
Thực tế cho thấy, khi giá bay cao, nhất là ở các tuyến từ 1.000 km trở lên và tới các vùng du lịch trọng điểm, thì du lịch nội địa gặp nhiều khó khăn do khách “quay xe”. Việc giá vé “phi mã” khiến nhiều người hạn chế du lịch hoặc lựa chọn đi gần, có thể đi ô tô, tàu hỏa thay vì những nơi xa và buộc phải di chuyển bằng đường hàng không, hoặc chọn du lịch nước ngoài.
Lấy ví dụ, đợt nghỉ lễ 5 ngày vừa qua, một tour du lịch 5 ngày 4 đêm TP.HCM - Bangkok (Thái Lan) hơn 7 triệu đồng. Trong khi một tour TP.HCM - Hà Nội 4 ngày 3 đêm lên tới hơn 10 triệu đồng. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang ra sức kích cầu du lịch, nhưng lại vô tình kích cầu cho… nước bạn, đặc biệt là Thái Lan. Ngay các chặng nội địa giá của họ cũng thấp: Chuyến bay TG201 ThaiAirways chặng Bangkok - Phuket giá vé 1,5 triệu đồng, phí và phụ phí thêm khoảng 90.000 đồng, tổng giá vé khách phải trả là 1,6 triệu đồng. Trong khi đó, với đường bay nội địa tại Việt Nam, chẳng hạn như chặng Hà Nội - Đà Nẵng, giá vé Vietnam Airlines 1,3 triệu đồng, thuế phí và phụ phí 675.000 đồng, tổng số tiền khách phải trả một vé máy bay nội địa là 1,9 triệu đồng.
Tham khảo các hãng bay nước ngoài cho thấy, giá vé các dịp lễ Tết, mùa cao điểm du lịch của họ không hề thay đổi. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, họ ít thay đổi như chúng ta vì giữ uy tín, không có kiểu chộp giật theo thời điểm. “Tư duy tranh thủ” đặt lợi nhuận trước mắt lên trên cả sự ổn định và uy tín sẽ khiến nền kinh tế phải nhận hậu quả lâu dài.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, Hàng không Việt Nam đang thiếu tính cạnh tranh. Hàng không Thái Lan có khoảng 12 hãng bay, trong khi Việt Nam chỉ có 6 hãng (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines, Vasco). Trong số đó, riêng Vietnam Airlines và Vietjet đã chiếm đến 90% thị phần.
“Khi thị trường nội địa gần như nằm trong tay của Vietnam Airlines và Vietjet thì sẽ không tránh khỏi nhìn nhau điều chỉnh giá vé, triệt tiêu tính cạnh tranh”, ông Tống nói và cho rằng, cần thêm những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ngành Hàng không nhằm tăng tính cạnh tranh.
Tương tự, theo ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), cần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thị trường hàng không, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Cũng cần nhắc lại, giai đoạn 2018- 2020, khi có sự tham gia của Bamboo Airways, cạnh tranh về giá và dịch vụ của 3 hãng gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways rất rõ ràng, và khi đó khách hàng được hưởng lợi khi vé bay “vừa túi tiền”.