Văn hóa rượu bia nhìn từ… quán nhậu
VHO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Với việc các cơ quan chức năng xử lý vi phạm nồng độ cồn “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, thói quen nhậu nhẹt dường như đang có sự thay đổi.
Thói quen uống rượu bia từ lâu nay đã ăn sâu vào đời sống của nhiều người. Ma chay, cưới hỏi, mừng nhà mới, tết, các dịp lễ hội, liên hoan…, đều sử dụng rượu bia. Nhiều người uống rượu bia không quan tâm đến những tác hại của việc lạm dụng rượu bia và hậu quả của nó khi tham gia giao thông. Thời gian gần đây, lực lượng CSGT toàn quốc đã đẩy mạnh việc xử lý vi phạm nồng độ cồn. Cùng với đó đã có rất nhiều thông điệp như: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “Phía trước tay lái là tính mạng”... và chính nhiều người tự nhận thức được tác hại của rượu bia nên thói quen sử dụng rượu bia và dần thay đổi thói quen. Anh Nguyễn Đình (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trước kia anh thường xuyên sử dụng rượu bia. Thói quen của anh là chiều tan làm thường tạt vào quán bia, uống một vài cốc rồi về ăn cơm cùng gia đình.
Những dịp vui nào đó, anh cùng bạn bè lại rủ nhau ra quán nhậu, uống say xỉn mới về. Nhưng giờ thì thói quen này của anh Đình đã thay đổi hoàn toàn, không còn tạt vào quán bia trên đường về nhà vì sợ sau khi uống rượu bia sẽ bị xử phạt. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Nguyên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết giờ đi nhậu cũng khó. Bởi rủ bạn bè đi nhậu ở quán cũng ít người tham gia. Uống rượu bia về nhà bị vợ con cằn nhằn. Cuộc nhậu nào không từ chối được thì anh đi xe ôm, taxi để tránh bị xử phạt hoặc gây nguy hiểm cho bản thân mình và những người khác. Chính vì những người như anh Nguyên hay anh Đình mà nhiều quán bia, nhà hàng ở Hà Nội mặc dù vào mùa nắng nóng vẫn vắng khách. Các quán bia hơi ở Hà Nội một thời “hái” ra tiền giờ bỗng lâm vào cảnh đìu hiu.
Chủ một quán bia trên phố Trần Điền (Hoàng Mai) cho biết, trước kia buổi trưa và chiều tối quán khá đông khách. Còn giờ, buổi trưa khách chỉ lèo tèo. Buổi tối khách chủ yếu là các chung cư gần đó. “Đa phần họ đi bộ, người nhà đưa đến do gần nhà. Còn khách vãng lai hầu như rất ít”, chủ quán bia này cho biết. Cùng cảnh ngộ là một quán bia lớn trên đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội), lượng khách cũng giảm đi trông thấy. Một nhân viên ở đây cho biết, lực lượng CSGT làm ngặt việc xử lý vi phạm nồng độ cồn nên nhiều người e ngại đến nhậu tại quán. Nghị định 100 của Chính phủ với nhiều mức xử phạt nặng hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe, cùng với các thông điệp tuyên truyền tác hại của rượu bia thời gian qua cũng dần “ngấm” vào đời sống. Điều này cũng phần nào thay đổi văn hóa, thói quen uống rượu bia, đặc biệt không uống rượu bia khi lái xe của một bộ phận không nhỏ người dân.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, không chỉ là thói quen, sở thích của một số người, bản thân người Việt Nam cũng có nhiều phong tục, tập quán liên quan đến rượu. Uống rượu là một nét văn hóa của người Việt đã có từ lâu đời. Rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng, với các nghi lễ, hội hè, đình đám; rượu gắn với bạn hiền, với những lời thề ước… Thói quen, thú vui uống rượu đã trở thành một phần cuộc sống của người dân, và vì vậy sẽ rất khó bỏ trong cuộc sống xã hội hiện đại. Nhiều người tìm mọi lý do để biện minh cho thói quen ẩm thực này. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng bất biến, một thói quen không phải lúc nào cũng tốt, nhất là uống rượu trong bối cảnh hiện nay. Nếu như trước kia, trong bối cảnh nông thôn thanh bình, tốc độ xã hội chậm rãi, người ta có thể dành cả “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè” vì nhịp sống nông nghiệp xoay quanh cây lúa có thể giúp cuộc sống không quá bận rộn, thì nay, tốc độ cuộc sống đã nhanh hơn rất nhiều và không chỉ bó gọn trong một phạm vi nhỏ gọn như ranh giới của lũy tre làng.
Bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống, con người vừa phải thay đổi những thói quen cũ, không phù hợp, vừa phải thể hiện trách nhiệm xã hội nhiều hơn. Thói quen uống rượu giờ đây cũng phải được nhìn nhận trong một bối cảnh chung đó. Chính vì thói quen sử dụng rượu bia thay đổi, mà “ông lớn” trong ngành bia rượu là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) làm ăn bết bát. Quý I.2024, Habeco lỗ ròng hơn 5 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 11 tỉ đồng. Còn Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hết quý I.2024 ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 7.184 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp này lãi sau thuế gần 1.024 tỉ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ và lãi ròng hơn 997 tỉ đồng, tương đương tăng 3%. So với những năm trước thì lãi này giảm khá lớn.
Những con số này cho thấy mức tiêu thụ rượu bia ở người Việt đang dần thay đổi. Thói quen và văn hóa rượu bia cũng đang thay đổi. Tuy nhiên, trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý I.2024 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, cần thẳng thắn nhìn nhận trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, văn hóa giao thông chưa được hình thành rõ nét, tai nạn giảm nhưng chưa bền vững. Điều này cho thấy cần phải kiên trì, nỗ lực quyết tâm đưa ra các giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, thay đổi thói quen sử dụng rượu bia cần phải có sự vào cuộc nhiều hơn nữa của toàn xã hội, bởi tỉ lệ khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia là không hề nhỏ.