Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
VHO - Ngày 23.12, tại Sơn La, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10.02.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự Hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; lãnh đạo 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và đại diện một số bộ, ngành.
Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Diện tích toàn vùng chiếm 35% diện tích cả nước, dân số chiếm hơn 15% cả nước, đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của nước ta. Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56,2%, địa hình phần lớn khó khăn, trắc trở, đến nay, đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước.
Toàn cảnh Hội nghị
Đây là vùng có tầm chiến lược quan trọng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, cũng là vùng còn nhiều khó khăn, mức sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội đang còn cần cải thiện rất nhiều, phát triển và phát triển bền vững khu vực là vấn đề lớn cần đặt ra trong trước mắt và lâu dài, trong đó phát triển giáo dục và đào tạo, giải quyết vấn đề nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao dân trí có thể xem là giải pháp của giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của vùng.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2021-2022, 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có trên 3,3 triệu trẻ em mẫu giáo và học sinh các cấp. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,6%, đứng thứ nhất toàn quốc. Tỷ lệ học sinh Tiểu học đến trường đạt 99,9%, tương đương so với mức bình quân chung cả nước và tương đương với các vùng khác. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS cao hơn trung bình chung cả nước và chỉ đứng sau Đồng bằng Sông Hồng. Đến nay, về cơ bản toàn vùng đã đạt được mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.
Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có 10.900 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, trong đó có 979 trường nội trú, bán trú. Hiện toàn vùng không còn xã trắng về giáo dục, mọi thôn bản đều có lớp mầm non, tất cả các xã đều có trường tiểu học. Các điểm trường, lớp ghép được mở ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đi học.
Các địa phương trong vùng đã chủ động rà soát quy hoạch và xóa các điểm trường lẻ, sắp xếp lại trường tiểu học, trung học cơ sở có quy mô nhỏ theo hướng thành lập các trường liên cấp, liên xã, dựa trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo số liệu thống kê, năm học 2020 - 2021, toàn vùng còn 13.017 điểm trường, giảm 2.793 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông so với năm học 2010-2011.
Mặc dù thu ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo của vùng tăng dần qua các năm. Năm 2021, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ tăng 40,2% so với năm 2011. Trong đó, tổng chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 88,5%.
Nhìn chung, dù đã có nhiều nỗ lực, song vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước. Giáo dục và đào tạo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp của vùng thấp nhất cả nước.
Phòng học tạm của điểm trường mầm non bản Mòn, xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ảnh: Phan Dương
Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn còn thiếu phòng học, phòng học đã xuống cấp và quá tải, phải học 2 ca, học nhờ, học tạm; thiếu thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch. Các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu
Tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp thấp nhất cả nước; tỷ lệ giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn thấp nhất trong các khu vực. Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học. Việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn do nguồn tuyển không đủ.
Ngân sách đầu tư cho giáo dục của các địa phương trong còn nhỏ bé; công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế do đời sống nhân dân ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, một số địa phương không có cơ sở giáo dục ngoài công lập…
Nhắc nhiều đến khó khăn, thách thức về giáo dục và đào tạo khu vực vùng Trung du miền núi Bắc bộ, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: Kinh tế - xã hội khu vực này phát triển chậm hơn so với các khu vực khác, từ đó tác động nhiều mặt đến giáo dục. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội giáo viên đều khó khăn. Quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn và quản trị giáo dục trong các trường; công tác quản lý, đánh giá chất lượng dạy và học cần phải chặt chẽ hơn nữa. “Chúng ra cần rà soát từng vấn đề khó khăn đó, phân tích nguyên nhân để tìm giải pháp khả thi”, ông Nguyễn Đắc Vinh trao đổi.
Nêu một số vấn đề trọng tâm, ông Nguyễn Đắc Vinh nhắc tới đầu tiên là Chiến lược giáo dục với 3 vấn đề chung cần quan tâm. Thứ nhất: Kinh tế đất nước phát triển ngày càng nhanh hơn, đặt ra yêu cầu cao cả về cơ cấu, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực. Thứ hai: Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, vậy phương thức phát triển có thay đổi như thế nào? Ngành Giáo dục có định hướng, lộ trình ra sao? Thứ 3: Kiến thức mới hiện rất nhiều, khối lượng kiến thức phong phú, vậy cách tiếp cận giáo dục sẽ thay đổi thế nào cho phù hợp?...
“Đây là những vấn đề lớn chúng tôi mong muốn được trao đổi trong quá trình triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị tại 6 vùng, gắn với việc thực hiện chiến lược về giáo dục”, ông Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ.
Nhắc tới hàng loạt chính sách đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội ban hành thời gian qua nhằm tạo căn cứ chính trị, pháp lý cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, giáo dục và đào tạo nói riêng, Bộ trưởng Hầu A Lềnh mong rằng những chính sách này sẽ sớm được cụ thể hóa thành các đề tài, đề án triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị, sau Hội nghị này, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ, ngành liên quan để cụ thể hóa các chủ trương lớn mà chưa có chính sách. Đi liền với rà soát, là sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp, nhất là các chính sách cho người dạy, người học, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.
“Chúng ta cùng nhau kiến nghị ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc bộ”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cam kết: Ủy ban Dân tộc sẽ đồng hành với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành để đưa giáo dục đào tạo vùng trung du và miền núi Bắc bộ có bước phát triển mới trong giai đoạn tới đây.
HOÀNG HƯƠNG