Tuân thủ văn hóa cộng đồng
VHO - Dư luận xã hội đang có những phản ánh bất bình về một số biểu hiện lệch lạc văn hóa nơi công cộng và trên phương tiện công cộng. Theo đó, đã đến lúc nhận thức trách nhiệm của mọi người ở những không gian sinh hoạt chung, những khu vực cộng đồng cần được nghiêm túc nhìn nhận, để uốn nắn, sửa chữa lại cho phù hợp.
Cụ thể, theo phản ánh của ban chỉ huy đường sắt metro số 1 TP.HCM, gần đây tuyến vận tải hành khách công cộng này xuất hiện nhiều hình ảnh phản cảm, như đu người, ăn mặc hớ hênh, thậm chí thay đổi quần áo làm ảnh hưởng người khác.
Có nhiều người chụp ảnh, quay phim đã có những động tác, biểu hiện kém nhã nhặn, bất lịch sự với người xung quanh. Trước những phản ánh này, cộng đồng từng ghi nhận hình ảnh nam thanh niên “tập thể dục” ngay trên tuyến metro, khiến cộng đồng bất bình và cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý. Nếu lật lại thời gian trước nữa, người ta còn thấy có nhiều sự việc thiếu văn hóa, văn minh đã từng xảy ra.
Ai cũng hiểu, ở môi trường đô thị, nhất là khu vực công cộng, phương tiện công cộng luôn có những quy tắc, quy định rõ ràng, cần mọi người tuân thủ trong đó yêu cầu về phép ứng xử, xã giao tối thiểu, văn minh lịch sự luôn được đặt ra. Hành vi “công súc tu sỉ” là một trong những điều luật chung mà xã hội văn minh nào cũng đề cập, thậm chí áp dụng những mức phạt rất nghiêm khắc.
Tuy nhiên, với xã hội nước ta, và do quan niệm lịch sự phương Đông xưa nay, hành vi ứng xử thiếu lịch sự, kém văn hóa của nhiều người thường bị bỏ qua. Những người “bị” chứng kiến thường “ngó lơ”, vì đa phần xem đó là những hành động quá khích, nông cạn của vài cá nhân.
Chính sự thỏa hiệp ngầm như vậy đã khiến bối cảnh sinh hoạt ở nhiều khu vực công cộng “có vấn đề”. Không ít người nhìn nhận, dường như tình trạng kém văn hóa trong ứng xử xã hội ngày một nhiều hơn. Mà dường như, những sai phạm, hành vi dung tục ấy, có lẽ liên quan đến những biểu hiện vi phạm khác, lâu nay không ai nhắc nhở, như hút thuốc lá nơi công cộng, đậu đỗ xe trên lòng đường, bán hàng lấn chiếm vỉa hè, xả rác vào mương cống…
Phải chăng, đã đến lúc, xã hội cần nghiêm túc nhìn lại tình hình này, để đặt lại những yêu cầu siết chặt kỷ cương xã hội, lập nghiêm những cung cách hành xử văn hóa, an toàn an ninh cho cộng đồng.
Nghị định 168 mới đây là một ví dụ. Chỉ sau một thời gian ngắn đã giúp chấn chỉnh kỷ cương đường phố, định vị an toàn giao thông. Các chuyên gia tư vấn đều bày tỏ, sự lập nghiêm của pháp luật về vấn đề này, thực chất là “đánh thức” trách nhiệm của mọi người khi tham gia giao thông.
Từ lâu, những biểu hiện vi phạm luật giao thông đường bộ, như không bật đèn tín hiệu chuyển làn chuyển hướng, quan sát các phương tiện xung quanh, vi phạm các quy định đèn, biển báo giao thông, phân làn phương tiện… được số đông bỏ qua, dẫn đến thói quen thờ ơ của mọi người. Chỉ khi đối diện lại trách nhiệm phải thực thi, mọi người mới giật mình, nhận ra cái sai. Rõ ràng, qua sự lập nghiêm từ Nghị định 168, trách nhiệm an toàn trong hoạt động giao thông đường bộ, nhất là các đường phố đô thị, đã được nâng lên, ý thức văn hóa cộng đồng của nhiều người thay đổi rõ rệt.
Vậy nên, với những không gian văn hóa, cộng đồng, khu vực công cộng, rất cần có những động thái nhắc nhở, xử lý nghiêm mọi vi phạm, đặt mọi người vào vị thế trách nhiệm tuân thủ văn hóa cộng đồng. Đã đến lúc không thể ngó lơ người có hành vi phản cảm, vi phạm các quy định, quy tắc về văn hóa cộng đồng, như phóng uế, có hành vi khiếm nhã, dung tục… trước mặt người khác.
Xã hội đang cần thay đổi, nhận thức và hành động mỗi người đang dần phải tốt hơn, thì nhất định những vấn đề tưởng nhỏ nhặt, trong cử chỉ, lời nói, bước chân của mỗi cá nhân giữa bối cảnh cộng đồng, đều phải suy xét lại, mà lựa chọn phù hợp!
Theo