Từ đam mê khảo cổ trở thành “hot tiktoker”

PHONG ANH - ĐÀO THU TRANG

VHO - Được nhiều người biết đến là chủ sở hữu của kênh Tik Tok “Nghĩa khảo cổ” với hàng chục nghìn lượt theo dõi, Đỗ Minh Nghĩa (sinh năm: 1994, công tác tại Viện Bảo tồn di tích, Bộ VHTTDL) vẫn đều đặn đăng tải những video nhật ký ghi lại hành trình khảo cổ của mình tại các khu di tích lịch sử trên khắp Việt Nam.

“Nhật ký Khảo cổ học” – Những hành trình đáng nhớ

Nói về động lực lớn nhất khi quyết tâm lựa chọn ngành Khảo cổ học, Nghĩa chia sẻ: “Có lẽ tôi là người hoài niệm quá khứ, về những gì đã trải qua và mãi mãi không quay trở lại”. Từ những điều giản đơn ấy, Nghĩa đã chọn học chuyên ngành Khảo cổ học ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Sau khi ra trường 3 năm, anh tiếp tục học lên Thạc sĩ chuyên ngành Khảo cổ học dưới sự tài trợ của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC) trong khuôn khổ dự án Vietnamica, một dự án nghiên cứu lịch sử và số hoá văn bia Hán Nôm của Việt Nam.

Từ đam mê khảo cổ trở thành “hot tiktoker” - ảnh 1
Với đam mê khảo cổ, chàng trai trẻ Đỗ Minh Nghĩa đã trở thành hiện tượng của mạng xã hội

Bắt đầu từ những video đầu tiên đăng tải trên nền tảng Tik Tok ngày 12.4.2023, Nghĩa đã nhận được không ít sự ủng hộ của người xem. Loạt video trên kênh “Nghĩa khảo cổ” luôn ghi lại những cuộc điều tra, khai quật và nghiên cứu ở các di tích lịch sử có niên đại hàng trăm năm, thuộc về các triều đại phong kiến tại Việt Nam.

Ngoài việc giới thiệu về quá trình thực nghiệm, Nghĩa cũng chia sẻ nhiều kiến thức liên quan đến di tích hoặc các văn vật tìm thấy. Nhiều người xem bày tỏ rằng họ cảm thấy các video của Nghĩa rất hay, mang lại nhiều giá trị và đặc biệt là giúp họ có thêm tình yêu đối với lịch sử.

Để thực hiện được series “Nhật ký Khảo cổ học”, bản thân  Nghĩa đã có nhiều năm học tập và trải nghiệm trong ngành. Tính từ lần thực tập khảo cổ năm 2013, tới nay chàng trai trẻ đã tham gia khai quật 27 công trường. Có những công trường kéo dài tới 2 năm, có những công trường lại vỏn vẹn vài ngày. Anh kể: “Khám phá đáng nhớ nhất đối với tôi là ở cuộc khai quật đền An Sinh (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh).

Đây là một di tích lớn, được nhiều nhà khoa học nhận định là phủ đệ của An Sinh Vương Trần Liễu (cha của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Đó là phế tích lớn đầu tiên mà tôi khai quật sau khi vừa tốt nghiệp đại học năm 2017.

Với diện tích công trường lên tới hơn 2.000m2 đã giúp xuất lộ ra nhiều di cấu và di vật độc đáo, phần lớn mang niên đại thế kỷ XIII - XIV. Vào một buổi chiều mùa đông, chúng tôi tình cờ tìm thấy một thống gốm men nâu thời Trần.

Di vật ở dưới lớp gạch lát nền sân khoảng hơn 1m, ngay phía trên là lớp đất đen, toàn nilon và bao tải. Lúc đầu cũng chỉ ngạc nhiên về kích thước đáy của nó, rồi càng đào càng nhận thấy nó không hề tầm thường, với rất thành nhiều mảnh nhỏ vương vãi xung quanh...

Về sau khi được phục chế lại mới nhận thức được rằng, đây quả thực là thống gốm lớn nhất từng được phát hiện. Thống có chiều cao tổng thể lên tới 73cm; đường kính miệng 108cm, trọng lượng 126kg. Dựa vào hình dáng, chất liệu, dòng men, kỹ thuật sản xuất và nung đốt cũng như các họa tiết hoa văn trang trí dây lá, vân mây, rồng, hoa sen,…, so sánh với hệ thống di vật tương tự, đoàn khai quật xác định đây là hiện vật gốc có niên đại thời Trần, thế kỷ XIII. Chiếc thống gốm hoa nâu An Sinh sau đó đã được xếp hạng là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25.12.2021 (đợt 10, năm 2021).

Nghề không của số đông!

Là công việc đặc thù, luôn phải thực hiện điều tra, khai quật khảo cổ ở ngoài trời, bản thân anh Nghĩa cũng nhiều lần đối mặt với những tình huống nguy hiểm.

Anh Nghĩa hồi tưởng: “Năm 2022, khi khai quật ở thương cảng Vân Đồn, chúng tôi phải làm việc ở ngoài một đảo hoang, không có điện lưới, không có nước máy, sóng điện thoại thì chập chờn. Lúc ấy đúng vào tháng 9, mùa mưa bão, phải đến 3-4 ngày thuyền không vào được để tiếp tế lương thực, nên đoàn hái tạm rau mọc dại, hái hồng và đào ngao vạng để sinh tồn”.

Từ đam mê khảo cổ trở thành “hot tiktoker” - ảnh 2

Đỗ Minh Nghĩa trong một chuyến thực nghiệm điền dã

Bên cạnh đó, dư luận cũng là một thách thức lớn đối với công việc. Anh Nghĩa cho biết, ở một vài nơi, nhiều người chưa hiểu ý nghĩa thực sự công việc của ngành Khảo cổ vì cho rằng các anh làm công việc này vì tư lợi cá nhân, là đi tìm đồ cổ hay khai thác vàng.

Lúc ấy, người làm khảo cổ cần bình tĩnh và giải thích về nhiệm vụ của công việc là nghiên cứu lịch sử địa phương, đất nước thông qua di tích, di vật xuất lộ. Đồng thời giúp họ nhận thấy giá trị của di tích khảo cổ và trách nhiệm bảo vệ các di tích đó.

Chia sẻ về ý nghĩa của khảo cổ đối với xã hội hiện đại, anh Nghĩa nói: “Khảo cổ học là một chuyên ngành khoa học tương đối trẻ tuổi, nhưng đã phát triển nhanh chóng. Việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ học giúp chúng ta hiểu biết hơn về quá khứ của loài người căn cứ vào những sử liệu vật thật, chẳng hạn như công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, hay một tấm bia đá, viên ngói, viên gạch,...

Khảo cổ học giúp chứng tỏ nhiều sai lầm, thiếu sót của nhiều giả thuyết chỉ đơn thuần dựa trên các tài liệu lịch sử và truyền thuyết. Khảo cổ học cũng giúp bổ trợ cho các ngành khoa học khác như địa chất, kiến trúc, mỹ thuật,…

Điều mà cá nhân tôi nhận thấy rõ nhất hiện nay, đó là khảo cổ học đã cung cấp tư liệu chân thực và chính xác về quy mô, cấu trúc, hình dáng và hoa văn cho việc trùng tu các di tích chùa, tháp cổ”.

Theo quan điểm cá nhân, Nghĩa cho rằng muốn làm nghề khảo cổ là phải làm ở các viện nghiên cứu, bảo tàng, trường đại học… tuy nhiên không phải ai cũng tìm được cơ hội ở những nơi đó. Vậy nên sinh viên theo học chuyên ngành vốn dĩ đã ít nhưng ra trường tìm được cơ quan tuyển dụng đúng chuyên ngành cũng gặp rất nhiều khó khăn.