TP Chí Linh, Hải Dương: Bỗng dưng đường đổi thành... ngõ, cuộc sống đảo lộn

VHO - Báo Văn Hóa nhận được phản ánh của người dân tại khu dân cư Thái Học 2, phường Sao Đỏ, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương xung quanh việc đường 1/5 bị đổi thành ngõ khiến cuộc sống và sinh hoạt của họ bị đảo lộn. Trong khi, con đường này đã có lịch sử hình thành và gắn bó lâu dài với đời sống của người dân nơi đây.

TP Chí Linh, Hải Dương: Bỗng dưng đường đổi thành... ngõ, cuộc sống đảo lộn - Anh 1

Người dân sinh  phản ảnh đổi tên đường 1/5  bằng “ngõ 51” khiến đời sống của người dân nơi đây bị đảo lộn

Theo người dân tại khu dân cư Thái Học 2, đường 1/5 hình thành từ khi có một số hộ dân sống và làm việc tại địa bàn huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng (cũ) trước kia, nay là TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Họ được Nhà nước giao đất ở lâu dài. Lúc đó đường 1/5 chỉ là một lối đi nhỏ, chủ yếu phục vụ người đi bộ và phương tiện thô sơ. Lâu dần, khu dân cư đông đúc hơn, người dân hai bên đường tự nguyện hiến đất để mở rộng đường và hai con ngõ thuộc đường 1/5 nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và kết nối, tạo thuận lợi cho việc đi lại. Đến mãi sau này, huyện Chí Linh mở rộng và nâng cấp hai con đường là Chu Văn An và Trần Bình Trọng, kết nối giao thông bởi đường 1/5 tạo thành ô bàn cờ. Theo người dân nơi đây, đường 1/5 có chiều dài khoảng 300m, có quy mô dân số khoảng 80 hộ với gần 300 nhân khẩu. Từ năm 1985 đến khi đổi tên đường, các quan hệ công tác, giao dịch pháp lý, sổ hộ khẩu,thanh toán điện nước… đều được thực hiện với tên đường 1/5.

Bỗng dưng … “mất đường”

Hiện nay, tỉnh Hải Dương, TP Chí Linh, phường Sao Đỏ đang thực hiện việc kiện toàn công tác quy hoạch, cắm mốc giới, đặt tên đường, biển hiệu… theo quy chuẩn và quy định của pháp luật. Điều này là hết sức cần thiết và phù hợp với mong muốn của người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân sinh sống xung quanh tuyến đường 1/5 hết sức bức xúc vì biển hiệu đường 1/5 bị thay thế bằng “ngõ 51” khiến đời sống của người dân nơi đây bị đảo lộn.

Các hộ dân sinh sống tại đây cũng theo phản ánh việc tại đầu đường 1/5 đoạn tiếp giáp với đường Trần Bình Trọng trước đây chiều ngang của đường rất rộng, nhưng đã bị một hộ dân lấn chiếm dẫn đến chiều ngang của đường bị thu hẹp chỉ còn 4m, không đáp ứng được yêu cầu về diện tích mặt cắt ngang theo quy định về tiêu chí của UBND tỉnh Hải Dương, song chưa bị xử lý.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, phóng viên Báo Văn Hóa đã đến khu dân cư Thái Học 2 tìm hiểu sự việc. Tại đây, trao đổi với phóng viên, nhiều người dân vô cùng bức xúc khi bỗng dung bị “mất đường”. Ông Nguyễn Văn Biển, một người dân sống tại đây từ thập kỉ 80 của thế kỷ trước cho biết: “Chúng tôi đã sống ở đây từ những năm 1980, con đường này gắn bó với cuộc sống nhiều năm trời. Con cái chúng tôi đi học, trưởng thành cũng đều gắn với con đường 1/5. Vậy mà không hiểu sao, vì lý do gì mà tự dưng bị đổi thành ngõ 51?”.

Một số người dân đưa ra những giấy tờ để chứng minh sự tồn tại của con đường 1/5 mà theo họ đã gắn bó và ăn sâu vào tiềm thức từ rất lâu.  Một số giấy tờ pháp lý, sổ hộ khẩu của người dân còn lưu giữ đều mang tên đường 1/5. Ví dụ như sổ hộ khẩu số 2702221xxx cấp ngày 1.2.2012 của hộ gia đình bà H. có ghi rõ số nhà và tên đường 1/5. Hay sổ tạm trú số 2700xxxxx ngày 29.8.2014 cũng ghi rõ nơi tạm trú số nhà và đường 1/5 cùng thẻ khách hàng của ngành điện, nước cũng ghi rõ tên con đường này. Tuy nhiên, người dân tại khu dân cư Thái Học 2 không hiểu vì lý do gì mà con đường này bị đổi tên, số nhà cũng bị đánh số lại.

TP Chí Linh, Hải Dương: Bỗng dưng đường đổi thành... ngõ, cuộc sống đảo lộn - Anh 2

Người dân cho biết tên con đường này đã gắn bó và ăn sâu trong tiềm thức đã nhiều năm 

Quy trình đã đúng?

Tìm hiểu về vấn đề này, tại UBND phường Sao Đỏ, ông Nguyễn Hoài Bắc cùng lãnh đạo UBND phường này cho biết, tháng 5.2018 đã có tờ trình kèm danh sách đề nghị đặt tên đường, phố trên địa bàn. Việc này thực hiện theo kế hoạch đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng, biển tên đường, phố trên địa bàn huyện của UBND Thị xã Chí Linh. Theo đó, tại Tờ trình số 46/Ttr - UBND của UBND phường Sao Đỏ ngày 8.5.2018 về việc đặt tên đường, phố trên địa bàn phường gửi UBND Thị xã Chí Linh (nay là TP Chí Linh) và Hội đồng tư vấn đặt tên đường, phố trên địa bàn phường Sao Đỏ, nêu rõ: đề nghị xem xét đặt tên có Phố 1/5. Với thông tin cụ thể như sau: Phố 1/5 (chữ dùng trong tờ trình của UBND phường Sao Đỏ), điểm đầu tiếp nối phố Chu Văn An, điểm cuối tiếp giáp phố Trần Bình Trọng.

Theo lãnh đạo UBND phường Sao Đỏ, rà soát, đối chiếu Quyết định số 13/2014/QĐ - UBND ngày 5.6.2014 của UBND tỉnh Hải Dương về ban hành quy định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương, sau khi khảo sát đường 1/5 thì điểm rộng nhất là 5,2m, điểm hẹp nhất là 3,5m, không đạt tiêu chí. Điều này dẫn đến việc đường 1/5 không được đặt tên là đường hay phố mà thay vào đó bị đổi thành “ngõ 51”.

Lãnh đạo UBND phường Sao Đỏ khẳng định và nhấn mạnh đã làm đúng theo quy định. Việc có tên đường 1/5 là do người dân tự đặt chứ tỉnh, huyện chưa bao giờ đặt tên cho con đường này. Tuy nhiên, khi được hỏi có tổ chức công khai để mọi người dân đóng góp ý kiến thì lãnh đạo UBND phường Sao Đỏ cho biết, việc đổi tên đường thành ngõ đã thông tin trong các cuộc họp cử tri và không ai có ý kiến gì. Trước những phản ánh của người dân, ông Nguyễn Hoài Bắc thừa nhận việc đổi từ đường 1/5  sang ngõ 51 cũng gây khó khăn trong sinh hoạt, giao tiếp của người dân:  “Nói đường 1/5 nhiều người biết, nói ngõ 51 ngay người dân tại TP Chí Linh cũng chưa biết, chưa quen”.

Trao đổi với Báo Văn Hóa, bà Trần Thị Hồng Vân - Trưởng phòng Văn hóa, thể thao TP Chí Linh cho biết, trên thực tế có một biển tên ghi là đường 1/5. Thế nhưng, trong tất cả quyết định của tỉnh Hải Dương ban hành thì không có quyết định nào ghi tên là đường 1/5. Việc thực hiện đổi tên đường thực hiện theo Quyết định 13, những tuyến đường không đủ điều kiện để gọi là “phố” thì sẽ gọi là “ngõ”.

Khi được hỏi về việc vì sao trên sổ hộ khẩu và một số giấy tờ pháp lý của người dân lại ghi tên là đường 1/5, bà Trần Thị Hồng Vân cho rằng, đây không phải lĩnh vực phụ trách nên bà không trả lời về việc này.

Theo trả lời của bà Trần Thị Hồng Vân, đường 1/5  là "vô danh” bởi không có văn bản nào ban hành đặt tên, thì căn cứ vào đâu để các cơ quan chức năng cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho người dân tại truyến đường này?

TP Chí Linh, Hải Dương: Bỗng dưng đường đổi thành... ngõ, cuộc sống đảo lộn - Anh 3

Tên đường 1/5 vẫn được thể hiện trong sổ hộ khẩu, tạm trú, hợp đồng điện nước

Tại khoản 1 điều 17 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP về ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ngày 11.7.2005 quy định, UBND tỉnh có nhiệm vụ công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường, phố, công trình công cộng để nhân dân tham gia góp ý kiến trước UBND tỉnh, thành phố trình HĐND cùng cấp tại kỳ họp thường kỳ hàng năm. Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT của Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) ngày 20.3.2006 hướng dẫn thực hiện môt số điều của quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91 và ngay cả  Quyết định số 13/2014/QĐ - UBND ngày 5.6.2014 của UBND tỉnh Hải Dương cũng nêu rõ quy định về công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường, phố, công trình công cộng để nhân dân tham gia ý kiến.

Cùng với đó, Điều 5 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP cũng quy định: Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hoá của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ. Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hoá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.

Lãnh đạo UBND phường Sao Đỏ, Phòng Văn hóa, thể thao TP Chí Linh đều khẳng định làm đúng khi đổi tên đường 1.5 thành ngõ 51 khi dựa vào kết quả khảo sát của đoàn kiểm tra và tiêu chí trong Quyết định 13. Do đó, tuyến phố 1.5 nói trên không đủ tiêu chuẩn là “phố”. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân tại khu phố Thái Học 2, tại đầu đường 1.5 có hộ dân mua đất nhưng trước đây khu vực đó bị lấn chiếm khiến mặt đường bị thu hẹp lại.

Nhiều người dân cho rằng chính quyền địa phương không xử lý tình trạng lấn chiếm đất dẫn đến tình trạng tuyến phố 1.5 không đạt tiêu chuẩn đề ra. Việc đổi tên, đặt tên đường, phố không được công khai nên nhiều người dân không nắm rõ, do đó, cần kiểm tra lại quy trình đã đúng hay chưa? Bên cạnh đó, theo lãnh đạo UBND phường Sao Đỏ, Phòng Văn hóa, thể thao TP Chí Linh thì chưa có cấp chính quyền nào đặt tên đường 1.5, tuy nhiên thực tế tên đường này đã có tên gọi quen thuộc, đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ, do đó người dân kiến nghị không cần thiết phải đổi hay đặt lại tên. Do đó, UBND tỉnh Hải Dương, TP Chí Linh cần làm rõ việc đặt tên, đổi tên đường, phố đối với đường 1.5 đã đúng với Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT của Bộ Văn hoá và Thông tin ngày 20.3.2006, Nghị định số 91/2005/NĐ-CP và Quyết định số 13/2014/QĐ - UBND ngày 5.6.2014 của UBND tỉnh Hải Dương hay chưa? Cùng với đó, nhiều người dân tại khu phố này cũng đề nghị chính quyền các cấp của tỉnh Hải Dương cần cần tiến hành khảo sát lại tuyến đường này sau khi làm rõ tình trạng lấn chiếm đất tại đây.

Báo Văn Hóa sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

QUẢNG XƯƠNG

Ý kiến bạn đọc