Tìm giải pháp để con công nhân lao động tại khu công nghiệp được sống gần với cha mẹ

NGUYỆT MINH

VHO - Người lao động làm việc tại các khu công nghiệp thường phải gửi con cho ông bà ở quê vì gặp khó khăn trong việc gửi con tại các trường mầm non vì đa số là lao động nhập cư, không có hộ khẩu thường trú, không đáp ứng được các yêu cầu của trường công lập, trường tư thục thì giá gửi khá cáo…

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội thảo tham vấn giải pháp phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp.

Về thực trạng giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp, bà Hoàng Thị Dinh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo số liệu tổng kết năm học 2023-2024, cả nước hiện có 15.256 trường mầm non, trong đó có 12.072 trường công lập và 3.184 trường ngoài công lập (tỉ lệ 21%), ngoài ra còn có 17.444 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, dân lập. Tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ là 34,6%, trẻ mẫu giáo là 93,6%.

Tìm giải pháp để con công nhân lao động tại khu công nghiệp được sống gần với cha mẹ - ảnh 1
Cần tăng cường xây dựng trường mầm non tại các khu công nghiệp để trẻ được sống gần cha mẹ

Tại 221 đơn vị cấp huyện có khu công nghiệp có 13.137 cơ sở giáo dục mầm non. Các cơ sở này huy động được hơn 1,8 triệu trẻ em trong đó tỉ lệ trẻ em là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp chiếm khoảng 21,5%.

Những chính sách hỗ trợ đối với giáo dục mầm non tại địa bàn có khu công nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, giảm bớt khó khăn đối với công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, góp bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non ở khu vực này.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất… gặp khó khăn trong việc gửi trẻ không có hộ khẩu nên khó khăn trong việc xin vào các trường công lập. Hơn nữa, các trường công lập chỉ nhận trẻ trong giờ hành chính, không trông trẻ vào thứ 7 và chủ nhật, trong khi người lao động thường xuyên phải tăng ca vào buổi tối và ngày nghỉ. Một số lao động nữ cũng khó khăn trong việc gửi trẻ ở các điểm, nhóm trẻ tư thục vì chi phí khá cao 3 – 4 triệu/tháng.

Chính vì vậy, ở nhiều làng quê hiện nay, đa phần dân số chỉ còn người già và trẻ em vì người lao động trong độ tuổi đã ra thành phố để làm việc. Cũng chính điều này nhiều hệ luỵ đã xảy ra, trẻ không tình yêu thương từ cha mẹ, một số trẻ vô tình gặp tai nạn thương tích, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng khi ông bà đi vắng, để lại nỗi đau cho cha mẹ…

Chị Phạm Thị Liên (24 tuổi, quê ở Hải Dương, công nhân Khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng) cho biết, chị vừa sinh bé thứ 2 và sắp đi làm trở lại, chị đang tìm chỗ gửi con, bởi các cơ sở tư nhân ít nơi nhận hoặc có nhận thì mức phí khá cao, khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng. Chị Liên mong muốn có nơi gửi trẻ ở gần khu công nghiệp nơi chị làm với chi phí vừa phải để thuận tiện cho vợ chồng chị trong làm việc và đưa đón con. “Nếu không tìm được chỗ gửi trẻ phù hợp, tôi phải nghỉ việc một thời gian để con cứng cáp”, chị Thanh cho biết.

Theo các chuyên gia, để được phát triển toàn diện, trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi rất cần sự yêu thương, chăm sóc, gần gũi của bố mẹ. Nhưng vì hoàn cảnh, một số gia đình phải gửi con cho ông bà chăm sóc, nếu ông bà đáp ứng được các nhu cầu của trẻ và bố mẹ thường xuyên liên lạc, dành thời gian chất lượng cho con thì đứa trẻ vẫn cảm thấy bình thường và phát triển lành mạnh.

Nhưng ngược lại, nếu ông bà chỉ đáp ứng được việc ăn uống, vệ sinh mà không có sự tinh tế đáp ứng nhu cầu tinh thần cho trẻ, khiến trẻ cảm thấy bị thiếu thốn tình cảm, thiếu thốn tình yêu của bố mẹ, cảm thấy bị bỏ rơi về mặt tinh thần… sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ.

Tìm giải pháp để con công nhân lao động tại khu công nghiệp được sống gần với cha mẹ - ảnh 2
Quang cảnh hội thảo Đề xuất chính sách đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục cho trẻ mầm non dưới 36 tháng tuổi tại các KCN, KCX do Hội LHPN Việt Nam phố hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức

Vì vậy, việc xây dựng trường mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu của người lao động mà còn là quan tâm tới sự phát triển của thế hệ tương lai của đất nước.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em, Cục trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, tham mưu hoàn thiện pháp luật, chính sách trẻ em nói chung và phát triển toàn diện trẻ em nói riêng; chú trọng chính sách trợ giúp phát triển toàn diện trẻ em đến 8 tuổi, đặc biệt 36 tháng tuổi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em di cư và trong các gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội có nội dung liên quan đến trẻ em, các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực trẻ em; quan tâm bố trí nhân lực và tài chính để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp cần bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em, trong đó ưu tiên nguồn lực chăm sóc, phát triển toàn diện, bảo vệ trẻ em; phát triển mạng lưới, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp và ban hành chính sách hỗ trợ.

Tại các cuộc hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu, địa phương đã bày tỏ những khó khăn trong việc xây dựng trường mầm non tại khu công nghiệp, cần những chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp và khu công nghiệp xây dựng trường mầm non tại khu công nghiệp. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại địa bàn đô thị và nơi có khu công nghiệp để xây dựng. Cùng với đó, hoàn thiện dự thảo Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2045" của Bộ GD&ĐT.

Theo Đề án, 100% trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đáp ứng yêu cầu theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện thực tiễn. Phấn đấu 100% trẻ em từ 3 - 36 tháng tuổi là con công nhân, người lao động có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ giáo dục mầm non bảo đảm chất lượng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc